Dự báo thế giới 2023: Tìm kiếm sự đồng thuận là một thách thức lớn

Thứ ba, 03/1/2023 | 10:08 GMT+7

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ nêu rõ những thách thức mà thế giới phải đối mặt là rất lớn, do đó các tranh chấp và đối đầu địa chính trị không được phép lấn át hoặc phá hỏng chương trình nghị sự của G20.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng dw.com, Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào thời điểm khó khăn, khi thế giới phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế.

Khi Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay kết thúc tại Bali, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo đã chính thức trao búa chuyển giao chức chủ tịch của G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

New Delhi chính thức đảm nhận vai trò lãnh đạo G20 từ ngày 1/12/2022. Phát biểu tại cuộc họp đại diện các thành viên G20 ở quần đảo Andaman và Nicobar hôm 27/11/2022, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh: “Chúng ta phải tận dụng tối đa cơ hội này và tập trung vào lợi ích toàn cầu, phúc lợi thế giới. Cho dù đó là hòa bình hay đoàn kết, nhận thức về môi trường hay phát triển bền vững, Ấn Độ đều có giải pháp cho những thách thức liên quan đến những vấn đề này.”

Ấn Độ sẽ thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu?

Trong năm và trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào năm 2023, Ấn Độ dự kiến sẽ tổ chức hơn 200 cuộc họp của nhóm công tác G20, diễn ra ở nhiều địa điểm tại quốc gia Nam Á này.

New Delhi đã công bố logo, chủ đề và trang web của nước chủ tịch G20, đồng thời thành lập một ban thư ký để điều phối tất cả các hoạt động ngoại giao. Amitabh Kant, quan chức Ấn Độ phụ trách công tác chuẩn bị cho Hội nghị G20, nói với truyền thông địa phương: “Đây là lần đầu tiên Ấn Độ thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu. Cho đến nay, chúng tôi đang phản ứng với chương trình nghị sự nhận được từ thế giới phát triển.”

Các quan chức Ấn Độ cho biết nhiệm kỳ Chủ tịch G20 tạo cơ hội cho New Delhi thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt vào thời điểm thế giới đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế.

[Ấn Độ kêu gọi thế giới đoàn kết đối phó với các thách thức lớn]

Happymon Jacob, giảng viên chính sách đối ngoại tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi, chỉ ra rằng Ấn Độ đồng thời trở thành chủ tịch của cả G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Ông nói: “Mặc dù Ấn Độ miễn cưỡng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Ukraine, hành động và lời nói của họ sẽ tác động đến phản ứng toàn cầu đối với cuộc chiến này và tình hình quốc tế sau chiến tranh. Ở mức độ đó, tôi tin rằng Ấn Độ giữ vai trò chủ tịch của hai tổ chức này là rất quan trọng."

Ông nói thêm: “New Delhi có thể sẽ thể hiện tốt vào năm tới, bao gồm cả việc có thể mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị.”

Tìm kiếm sự đồng thuận là một thách thức lớn

Anil Wadhwa, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ, cho biết Ấn Độ sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng khí hậu đã tăng tốc và cuộc xung đột ở Ukraine sẽ phủ bóng đen dài lên những nỗ lực xây dựng đồng thuận trong G20. Do tác động của cuộc xung đột, nhiều quốc gia phải đối mặt với nợ công gia tăng, nghèo đói và khủng hoảng lương thực và năng lượng đang rình rập.”

Ông Wadhwa nói thêm, New Delhi sẽ phải khéo léo điều hướng bãi mìn ngoại giao này và thúc đẩy nỗ lực xây dựng sự đồng thuận toàn cầu để giải quyết những thách thức đó.

Meera Shankar, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, cũng cho rằng New Delhi đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào thời điểm khó khăn, nhiều thách thức. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng Ấn Độ không nên để các vấn đề đó làm gián đoạn chương trình nghị sự của diễn đàn.

Bà nêu rõ: “Những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt là rất lớn, do đó các tranh chấp và đối đầu địa chính trị không được phép lấn át hoặc phá hỏng chương trình nghị sự quan trọng của G20.”

Về cuộc xung đột Ukraine, bà Shankar lưu ý rằng “chặng đường phía trước sẽ hướng vào các giải pháp ngoại giao và đối thoại, không phải mở rộng xung đột quân sự.”

Một nỗ lực ngoại giao toàn diện?

Những năm gần đây, G20 đã nổi lên như một diễn đàn liên chính phủ hàng đầu thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), G20 đại diện cho hơn 80% GDP toàn cầu, khoảng 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới.

Nhưng căng thẳng giữa các thành viên trong nhóm đã gia tăng liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, tranh chấp thương mại, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao trên toàn thế giới, cùng các vấn đề khác. Trong bối cảnh đó, New Delhi dự kiến sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết và hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Các quan chức cho biết Ấn Độ sẽ vận dụng tất cả các kỹ năng ngoại giao và thuyết phục của họ để đảm bảo rằng Nga, Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc phương Tây khác gác lại mâu thuẫn, khác biệt của họ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm 2023 tại New Delhi.

Mohan Kumar, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ nói: “Ấn Độ đã được đón tiếp nồng nhiệt tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bali. Đã có một tuyên bố chung mặc dù trước đó không có quá nhiều người mong đợi. Hơn nữa, đoạn đề cập Ukraine (trong tuyên bố chung) đã được thông qua và đây sẽ là khuôn mẫu cho Hội nghị thượng đỉnh 2023 ở Delhi.”

Ông Kumar nhấn mạnh thêm: “Thách thức là nếu có điều gì đó không mong muốn xảy ra ở Ukraine hoặc ở nơi khác khiến chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Delhi phải hủy bỏ. Nhưng thật khó để dự đoán những điều như vậy. Hiện tại, Ấn Độ cảm thấy tự tin rằng họ có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 thành công vào tháng 9 năm sau"./.