WTO yếu kém và một trật tự thương mại toàn cầu không ổn định

Thứ hai, 14/11/2022 | 16:41 GMT+7

Do việc áp thuế đơn phương và các hạn chế thương mại khác trong giai đoạn trước đại dịch đã làm suy yếu trật tự thương mại đa phương, hiện nay, trọng tâm đã được chuyển sang các hiệp định song phương.

Biểu tượng WTO tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) đăng bài viết của Nghiên cứu viên cao cấp Abhijit Mukhopadhyay với tựa đề “Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yếu kém và một trật tự thương mại toàn cầu không ổn định.”

Bài viết có nội dung như sau:

Do việc áp thuế đơn phương và các hạn chế thương mại khác trong giai đoạn trước đại dịch đã làm suy yếu trật tự thương mại đa phương, hiện nay, trọng tâm đã được chuyển sang các hiệp định thương mại và đầu tư song phương.

Trật tự thương mại toàn cầu xáo trộn ngay cả trước đại dịch

Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử thương mại quốc tế gần đây. Mỹ đơn phương áp đặt thuế quan đối với một loạt hàng hóa của Trung Quốc, với lý do vô hiệu hóa khả năng các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đe dọa “an ninh quốc gia."

Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của Mỹ là hạn chế cạnh tranh từ “nguồn kim loại giá rẻ được nước ngoài trợ cấp” dẫn đến cáo buộc bán phá giá.

Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ trị giá 3 tỷ USD xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này cuối cùng dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai quốc gia này.

Các xung đột thương mại khác, chẳng hạn như giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng được khơi lại sau đó.

[WTO nỗ lực lấy lại tầm ảnh hưởng với thương mại toàn cầu]

Do việc áp đặt thuế quan dành riêng cho từng sản phẩm và không dành riêng cho từng quốc gia, các quốc gia khác cuối cùng cũng tham gia vào cuộc tranh cãi. Ấn Độ, có lẽ không cố ý, cũng bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại này, khi nước này áp thuế cao hơn đối với 29 mặt hàng nhập khẩu chủ chốt của Mỹ để trả đũa.

Trật tự thương mại quốc tế, chủ yếu do WTO dẫn đầu từ năm 1995, đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi chuỗi sự kiện này.

Và sau khi đại dịch bùng phát cuối vào năm 2019, dòng chảy thương mại quốc tế vốn đã bị suy giảm bắt đầu gặp nhiều vấn đề phức tạp hơn khi việc các quốc gia phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của virus làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phục hồi thương mại có tiến triển nhưng không đồng đều

Cả trao đổi hàng hóa và khối lượng thương mại đều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2021, so với giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Tuy nhiên, sự hồi sinh chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại hàng hóa trong khi lĩnh vực dịch vụ tiếp tục bị kiềm hãm.

Thương mại tổng thể phục hồi thể hiện sự phân hóa ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Trong khi châu Á dẫn đầu về tốc độ phục hồi ở cả hai lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu, thì Tây Á, Nam Mỹ và châu Phi ghi nhận phục hồi yếu nhất về xuất khẩu.

Về phía nhập khẩu, các nước Tây Á, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và châu Phi có khả năng phục hồi chậm nhất.

Các khu vực có nhiều cơ sở xuất khẩu dựa vào dầu mỏ hơn đã trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng về cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa trong cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch năm 2020 gây ra. Những khu vực này đến nay vẫn chưa thoát khỏi những thiếu hụt.

Sự phục hồi nhập khẩu tương đối tốt hơn ở khu vực Nam Mỹ một phần là do kết quả của hiệu ứng cơ bản thấp, vì một số nền kinh tế chủ chốt đã suy thoái trong năm 2019.

Trong khi thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng trong năm 2021 thì thâm hụt thương mại của Mỹ lại mở rộng.

Hầu hết các nước kém phát triển nhất (LDC) và các nước đang phát triển cũng ghi nhận thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng vào năm 2021. Điều này cho thấy rõ sự không đồng đều trong phục hồi thương mại toàn cầu.

Việc áp đặt thuế quan đơn phương và các hạn chế thương mại khác trước đại dịch không chỉ làm gia tăng căng thẳng thương mại mà còn phá hoại trật tự thương mại đa phương được WTO nuôi dưỡng.

Rõ ràng, đã có sự tăng trưởng phi thường trong tất cả các loại hình thương mại toàn cầu kể từ khi WTO được thành lập vào năm 1995.

Tổ chức này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho việc cắt giảm thuế quan và dễ dàng thương mại giữa các quốc gia.

Khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại trong nửa cuối năm. Điều này có thể tiếp tục giảm tốc vào năm 2022.

Các ước tính của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã gợi ý theo hướng này.

Các “lỗ hổng” bắt đầu xuất hiện sau một thời gian. Một ví dụ điển hình là việc dỡ bỏ dần cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại WTO.

Nhiều năm áp lực của Mỹ đã đưa hệ thống kháng cáo thương mại quốc tế đến điểm đột phá.

Năm 2016, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama quyết định chặn việc tái bổ nhiệm một thẩm phán Hàn Quốc vào cơ quan phúc thẩm của WTO.

Chính quyền kế nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump cũng tiếp tục lập trường này và tăng cường ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán.

Do đó, cơ quan phúc thẩm trở nên không tồn tại, vì nhiệm kỳ của hai thẩm phán nữa đã hết hạn và chỉ còn một thẩm phán hoạt động vào tháng 12/2019.

Kể từ khi thành lập, 7 thẩm phán phục vụ trong cơ quan này và tối thiểu ba thẩm phán đã được yêu cầu bắt buộc xem xét các thẩm phán mới. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục phong tỏa việc bổ nhiệm mới và cơ quan phúc thẩm vẫn bị tê liệt.

Mặc dù các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, đã nhắc lại cam kết với WTO, nhưng các cuộc chiến thương mại và các quyết định đơn phương về những biện pháp hạn chế thuế quan và phi thuế quan đã làm suy yếu vai trò của WTO trong thời gian gần đây.

Điều này diễn ra trước sự bế tắc trong Vòng đàm phán Doha do thiếu sự đồng thuận trong các vấn đề liên quan đến trợ cấp nông nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin. WTO cũng nhận thức được các xu hướng đang nổi lên trong việc ký kết hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Những nỗ lực để kết hợp những tình cảm toàn cầu lớn hơn như vậy trong WTO là rõ ràng, nhưng chúng có thể gây nguy hiểm cho tính chất đa phương đã ăn sâu trong WTO.

Trật tự thương mại toàn cầu không chắc chắn

Trước đại dịch, một số Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn đã được công bố, bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Sự quy tụ của nhiều nền kinh tế có quy mô lớn đã khiến nhiều người coi CPTPP và RCEP là tương lai của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi TPP (sau này là CPTPP) vào năm 2017 và Ấn Độ rút khỏi RCEP vào năm 2019 đã làm giảm mạnh quy mô thị trường kết hợp của cả hai FTA này.

Mặc dù CPTPP có hiệu lực vào tháng 12/2018 (đối với các quốc gia phê chuẩn đầu tiên) và RCEP có hiệu lực vào tháng 1/2022 (đối với các quốc gia phê chuẩn đầu tiên), việc Mỹ và Ấn Độ rút lui đã lấy đi đáng kể sức mạnh kinh tế được đề xuất ban đầu của các khu thương mại tự do này.

Lạm phát trên toàn thế giới làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra, căng thẳng Nga-Ukraine đang diễn ra có thể dẫn đến những tác động chính trị và kinh tế mới, chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc đối với COVID-19 đã tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu và nước này hiện cũng đang phải đối mặt suy thoái kinh tế.

Do đó, sau đại dịch, trọng tâm phần lớn chuyển sang các hiệp ước thương mại và đầu tư song phương. Trong khi đó, đã có những thay đổi địa chính trị và kinh tế mạnh mẽ diễn ra trong hai năm qua.

Hậu quả của những hiện tượng quốc tế lớn này là cực kỳ không chắc chắn và linh hoạt. Vì vậy, trọng tâm trước mắt của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Ấn Độ, là cần phải duy trì sự cảnh giác và linh hoạt đồng thời bảo vệ lợi ích thương mại riêng.

Ngược lại, việc bảo vệ các lợi ích thương mại riêng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc tạo ra và thực hiện càng nhiều hiệp định thương mại và đầu tư song phương có lợi càng tốt./.