Vai trò của Đông Nam Á đối với nền kinh tế Trung Quốc

Thứ hai, 24/10/2022 | 09:06 GMT+7

Theo mạng tin Worldcrunch, nhiều cuộc thảo luận về "tái phân bổ chuỗi cung ứng" của các công ty châu Âu và Mỹ thường chỉ ra Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu chứ không phải là Trung Quốc nữa.

Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin Worldcrunch, sau sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc năm 2018, nhãn "Sản xuất tại Trung Quốc" không còn phổ biến như trước đây.

Các nền kinh tế Đông Nam Á đang trên đà phát triển - nhưng sự tăng trưởng của họ không nhất thiết đe dọa sự thống trị của Trung Quốc.

Gần đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rầm rộ về sự trỗi dậy của các nền kinh tế Đông Nam Á. Câu hỏi về việc liệu Đông Nam Á sắp thay thế Trung Quốc trở thành nguồn sản xuất giá rẻ hàng đầu không không phải là mới và "hành lang thương mại đặc biệt" giữa Trung Quốc, Đông Nam Á và Mỹ lại trở thành chủ đề phổ biến sau sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc năm 2018.

Nhiều cuộc thảo luận về "tái phân bổ chuỗi cung ứng" của các công ty châu Âu và Mỹ thường chỉ ra Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu, trong khi sau đại dịch COVID-19 năm 2020, khoảng 60-70% công ty sản xuất ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cho biết họ sẽ xem xét xây dựng các nhà máy ở các nước châu Á láng giềng do chi phí lao động trong nước tăng nhanh.

Và hiện nay, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Đông Nam Á có thể là một lựa chọn tốt cho các công ty khi Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề cả trong và ngoài nước. Nhưng bức tranh lớn hơn nhắc nhở rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ rất cần một trung gian trong tương lai.

[Các chuyên gia nhận định về khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ]

Không giống như kịch bản Chiến tranh Lạnh, ngay cả khi Trung Quốc và phương Tây đối lập nhau về chính trị, mối liên hệ kinh tế của họ khó có thể bị phá vỡ hoàn toàn trong ngắn hạn miễn là họ không rơi vào tình trạng chiến tranh.

Đông Nam Á - một trung gian hoàn hảo

Bất chấp sức ì sau 40 năm toàn cầu hóa vừa qua, thế giới sẽ không trở về điểm xuất phát trong tương lai gần. Các liên kết kinh tế đan xen giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nhất định phải được chuyển giao dưới nhiều hình thức cho các nước thứ ba, bên thứ ba hoặc khu vực thứ ba. Mặt trái của sự tách rời Trung Quốc với phương Tây do đó sẽ là sự trỗi dậy của một số lượng lớn các khu vực "trung gian."

Sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thường đi kèm với sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á và xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ. Điều này xảy ra ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở những lĩnh vực mà Mỹ đã áp thuế đối với Trung Quốc. Tất nhiên, việc đóng gói lại và dán nhãn đơn giản là khó duy trì và là một vùng xám về mặt pháp lý. Mỹ đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào các cuộc điều tra và thực thi "chống vượt tường lửa," đây không phải là giải pháp lâu dài cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Để thực sự khai thác tiềm năng của khu vực trung lưu Đông Nam Á, các công ty Trung Quốc phải có sự hiện diện thực tế ở Đông Nam Á.

Đầu năm nay, tình trạng trì trệ kinh tế trên diện rộng có thể được nhìn thấy ở Trung Quốc. Với việc các công ty đa quốc gia đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và chuyển dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á, đã có những lo lắng ở Trung Quốc về việc liệu vị thế công xưởng thế giới của họ có bị Đông Nam Á thay thế hay không. Nhưng các ngành xuất khẩu của Trung Quốc và Đông Nam Á đang cạnh tranh hay bổ sung cho nhau? Có thể dễ dàng lập luận rằng chúng bổ sung cho nhau ở thời điểm hiện tại và sẽ còn trở nên nhiều hơn nữa trong tương lai.

Phát triển chuỗi cung ứng

Tùy thuộc vào giai đoạn sản xuất, tất cả hàng hóa có thể được phân thành bốn loại: nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian (bán thành phẩm), tư liệu sản xuất (công cụ và thiết bị sản xuất như máy tiện, cần cẩu) và hàng tiêu dùng. Trong quá trình phân công lao động ngày nay trong chuỗi giá trị, hàng xuất khẩu của một quốc gia có thể chứa một lượng lớn nguyên liệu thô, các sản phẩm trung gian từ các quốc gia khác, cũng như giá trị gia tăng kinh tế.

Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Rõ ràng có sự phân công lao động mang tính phân khúc cao trong chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á: Chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn được hoàn thành tại Trung Quốc, xuất khẩu sang Đông Nam Á để chế biến thêm dưới dạng các sản phẩm trung gian, sau đó xuất khẩu trở lại tới Trung Quốc. Trong mạng lưới chuỗi cung ứng phát triển chóng mặt này, Trung Quốc và Đông Nam Á đang trở thành hai nút thắt có quan hệ chặt chẽ nhất.

Tương lai của kinh tế Trung Quốc

Việc tách khỏi nền kinh tế phương Tây là một thực tế mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Mô hình toàn cầu hóa từ 30 năm trước không phải là "giải pháp tối ưu" cho nền kinh tế Trung Quốc ngày nay, trong khi việc quay trở lại hoàn toàn mức độ tự cung tự cấp thấp từng tồn tại ở Trung Quốc trước đây rõ ràng là giải pháp tồi tệ nhất mà ai cũng muốn tránh.

Vậy đâu là giải pháp tốt nhất cho nền kinh tế Trung Quốc? Đông Nam Á có thể hoạt động như một trung gian để duy trì kết nối một phần giữa Trung Quốc và phương Tây, đồng thời cung cấp phạm vi cho việc chuyển đổi và nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc với các mạng lưới sản xuất trung gian và thương mại chuỗi cung ứng.

Dữ liệu về đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á cho thấy một số lượng lớn các công ty sản xuất của Trung Quốc đang đổ xô vào khu vực này. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á là 16 tỷ USD vào năm 2020, điểm đến đầu tư lớn nhất bên ngoài Hong Kong (Trung Quốc) và có quy mô bằng cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cộng lại. Quan trọng hơn, không giống như các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản và giải trí ở châu Âu và Mỹ, các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khu vực này chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất (40% năm 2021 và 25% tổng đầu tư).

Các năng lực sản xuất này bị chi phối bởi vốn của Trung Quốc và mặc dù chúng có xu hướng thuộc về Đông Nam Á ở mức độ thống kê, mang lại vốn, việc làm và công nghệ, nhưng chúng cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc.

Mối quan hệ đang phát triển ngày nay giữa Trung Quốc và Đông Nam Á là sự lặp lại những gì các công ty Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm ở Trung Quốc: xây dựng năng lực sản xuất, cử người quản lý, xuất khẩu sản phẩm trung gian, thay đổi năng lực sản xuất, tích hợp chuỗi cung ứng và xuất khẩu ra toàn thế giới. Có lẽ không quá lời khi nói rằng tương lai của nền kinh tế Trung Quốc là ở Đông Nam Á./.