Trung Quốc sẽ "dẫn dắt" công nghệ 6G trong tương lai?

Thứ tư, 17/8/2022 | 06:50 GMT+7

Trung Quốc đang tập trung “chạy nước rút,” lên kế hoạch triển khai mạng 6G vào khoảng năm 2030, đưa mạng 6G ra thị trường thương mại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Lifewire)

Theo trang Bình luận Trung Quốc của Hong Kong (Trung Quốc), Hội nghị 5G thế giới năm 2022 tổ chức tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) từ ngày 10-12/8 đã khẳng định rõ ràng vị thế hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Trên nền tảng đó, Trung Quốc đang tập trung “chạy nước rút” để hướng tới công nghệ 6G. Trước đó ngày 22/6, Tập đoàn China Mobile đã phát hành Sách trắng kỹ thuật về mạng 6G, trong đó phác thảo thiết kế tổng thể về cấu trúc mạng 6G.

Tính ưu việt của cấu trúc mạng 6G

Đã gần ba năm kể từ khi Trung Quốc triển khai mạng 5G. Vì công nghệ thông tin liên lạc di động thường được nâng cấp sau khoảng mỗi 10 năm, nên Trung Quốc đã lên kế hoạch triển khai mạng 6G vào khoảng năm 2030, đưa mạng 6G ra thị trường thương mại.

Dù vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng theo tầm nhìn của China Mobile trong Sách trắng, mạng 6G có tốc độ truyền tải nhanh hơn mạng 5G. Các chuyên gia trong ngành nói mạng 6G sẽ mở ra một thế giới kết nối hoàn chỉnh bằng vệ tinh mặt đất và mạng không dây, với phạm vi phủ sóng toàn cầu và đường truyền trơn tru, không bị ngắt quãng.

Trong giai đoạn đầu, các bên liên quan chủ yếu nghiên cứu nhu cầu và thảo luận về xu hướng phát triển công nghệ. China Mobile có thể sẽ bắt đầu nghiên cứu các tiêu chuẩn 6G ngay trong năm 2023 hoặc 2024. Dù còn 8 năm nữa mới đến năm 2030, nhưng bộ phận nghiên cứu và phát triển của China Mobile vẫn tranh thủ thời gian để thúc đẩy.

Theo Sách trắng, mạng 6G sẽ được liên kết chặt chẽ với các công nghệ khác như vũ trụ ảo (metaverse), cung cấp các dịch vụ một cách linh hoạt và hiệu quả hơn. Công nghệ này sẽ tạo ra một mạng lưới thông minh, an toàn và thân thiện môi trường, kết nối không gian và Trái Đất với độ trễ ít hơn 1/1.000 giây, đồng thời cũng có thể kết nối với trí tuệ nhân tạo hoặc các công nghệ khác.

Các chuyên gia tin rằng mạng 6G sẽ khắc phục được các vấn đề kết nối hiện tại của mạng 5G khi di chuyển tốc độ cao, ở vùng sâu vùng xa và trên các đại dương. Mạng 6G có thể đáp ứng cho tốc độ di chuyển trên 1.000km/giờ.

[Công nghệ 6G sẽ được thương mại hóa toàn cầu vào năm 2030]

Do đó, mạng di động 6G sẽ có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao trong tương lai, đồng thời việc di chuyển bằng đường hàng không cũng sẽ thuận tiện hơn.

Kết quả nghiên cứu mới nhất này dựa trên Sách trắng “Triển vọng cấu trúc mạng những năm 2030+” phát hành năm 2020, đồng thời bổ sung thêm các yếu tố chính chi phối việc phát triển, khái niệm thiết kế, thiết kế tổng thể, thiết kế hệ thống, thiết kế mạng… của cấu trúc mạng 6G.

Giống như “bộ xương và trái tim” của hệ thống thông tin liên lạc di động, cấu trúc mạng là phần cốt lõi của hệ thống 6G. Là một trong những biểu tượng quan trọng của sự phát triển qua các thế hệ mạng thông tin liên lạc di động, tính lâu dài, khả thi và tương thích của thiết kế cấu trúc mạng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con đường phát triển và ứng dụng của mạng thông tin liên lạc di động, nên cần phải được xem xét trước.

Cấu trúc mạng 6G đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Sách trắng đã đưa ra những khám phá và nỗ lực mang tầm nhìn xa về thiết kế của cấu trúc mạng 6G. Việc xem xét một cách sáng tạo và có hệ thống đối với các yếu tố khác nhau như bản sao kỹ thuật số (digital twin) và an ninh mạng có ý nghĩa to lớn.

Sách trắng nhấn mạnh rằng thiết kế cấu trúc của mạng 6G không chỉ phải đối mặt với những thay đổi của thời đại kỹ thuật số và phải có sự tương thích cao với chiến lược quốc gia, mà còn phải cân nhắc các yếu tố chi phối trong bối cảnh mới và nhu cầu mới, đồng thời cần chứng minh được xu hướng phát triển và tính khả thi của việc giới thiệu các công nghệ mới xuyên biên giới.

Ngoài ra, vào tháng 4/2022, Chủ tịch luân phiên của tập doàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) đã phát biểu rằng Huawei sẽ triển khai mạng 6G vào năm 2030 với tốc độ nhanh hơn 50 lần so với mạng 5G.

Tháng 1/2022, Phòng thí nghiệm ở Nam Kinh cũng thông báo rằng Trung Quốc đã đạt được tốc độ truyền thông không dây Terahertz nhanh nhất thế giới, gấp 10-20 lần so với mạng 5G.

Phòng thí nghiệm này sử dụng hệ thống truyền thông không dây cao cấp 360-430 GHz tự phát triển để đạt được tốc độ 100-200 Gbps Terahertz cho 6G. Công nghệ Terahertz là nền tảng của mạng 6G và sẽ được sử dụng rộng rãi để cho phép truyền tải nhanh hơn và triển khai các ứng dụng mới như thực tế tăng cường AR/VR và vũ trụ ảo.

Ngoài ra, những công nghệ này cũng có thể được áp dụng cho liên lạc không gian và liên lạc giữa các vệ tinh, sau cùng là đạt được liên lạc tích hợp không gian-Trái Đất-đại dương.

Ngay từ ngày 6/11/2020, Trung Quốc đã phóng vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên trên thế giới và vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo thành công, chính thức đánh dấu sự khởi đầu của chuyến thám hiểm liên lạc bằng công nghệ “Terahertz” của nước này.

Lý do tại sao các quốc gia đang tranh giành nhau trong việc phát triển các công nghệ liên quan đến 6G hiện nay là do công nghệ 5G không thể phủ sóng trên diện rộng do những thiếu sót của nó.

5G hoạt động trên băng tần cao, mặc dù có băng thông lớn và có thể truyền một lượng lớn dữ liệu ngay lập tức, nhưng vấn đề với tín hiệu tần số cao là khoảng cách truyền quá ngắn, chỉ có thể áp dụng trong các thành phố đông dân cư, một số khu vực xa xôi không thể được phủ sóng hiệu quả.

Đó là lý do tại sao nhiều địa phương có dân cư thưa thớt ở Mỹ không chính thức phủ sóng 5G. Ngược lại, 6G có thể giải quyết tốt vấn đề này và có nhiều lợi thế hơn ở các khía cạnh khác.

Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc

Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển mạng 5G nhanh nhất thế giới. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã phát biểu tại Hội nghị Ngày Xã hội Thông tin và Viễn thông Thế giới năm 2022 tổ chức ngày 17/5/2022 rằng gần 1,6 triệu trạm 5G đã được xây dựng ở Trung Quốc, đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên thế giới xây dựng mạng 5G trên quy mô lớn và mô hình mạng độc lập.

Băng thông rộng cố định được nâng cấp từ 100 megabit lên mức từ 1 gigabit và tỷ lệ người dùng mạng cáp quang đã tăng từ dưới 10% năm 2012 lên 94,3% vào năm 2021.

Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản muốn hợp tác và cùng đầu tư 4,5 tỷ USD để đạt được mục tiêu “vượt qua đường cong,” bắt kịp Trung Quốc trong lĩnh vực Internet. 4,5 tỷ USD tương đương 30 tỷ nhân dân tệ, trong khi chỉ tính riêng trong năm 2021, theo thông tin của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, đầu tư của nước này vào lĩnh vực 5G đã đạt 184,9 tỷ nhân dân tệ.

Do đó, không khó để hình dung số tiền đầu tư tích luỹ qua các năm lớn đến đâu. Công nghệ có quá trình tích lũy và phát triển và chỉ có thể được thực hiện từng bước một.

Có thể thấy, Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực 6G, Mỹ và Nhật Bản cũng muốn vượt lên, nhưng đây có lẽ sẽ là một chặng đường dài. Trong thời gian tới, cuộc cạnh tranh giành sức ảnh hưởng về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài và trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn CHIPS and Science Act (Đạo luật chip và khoa học). Đạo luật được cho là có ý nghĩa rất lớn đối với việc tự chủ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cũng như thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu khoa học-công nghệ của nước này.

Đạo luật chip và khoa học có tên đầy đủ là Đạo luật khuyến khích sản xuất bán dẫn cho nước Mỹ. Đạo luật chip và khoa học khuyến khích sản xuất chất bán dẫn cho nước Mỹ với điểm nhấn là việc chính phủ chi 52 tỷ USD để hỗ trợ ngành sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn trong 5 năm tới.

Trong đó, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ trong vòng 5 năm tới để sản xuất chip trong nước, 11 tỷ USD sẽ được cung cấp cho Bộ Thương mại để nghiên cứu và phát triển sản xuất chip tiên tiến.

Cuối cùng, 1,5 tỷ USD sẽ được chuyển đến Quỹ đổi mới chuỗi cung ứng không dây công cộng. Quỹ này sẽ giúp các công ty viễn thông địa phương cạnh tranh với “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei.

Ngoài ra, đạo luật cũng bao gồm một khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip. Theo các chuyên gia, Đạo luật chip và khoa học sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng đạo luật cần được thông qua càng sớm càng tốt. Mỗi ngày trì hoãn sẽ làm gia tăng khoảng cách tụt hậu về công nghệ giữa Mỹ và đối thủ địa chính trị chính là Trung Quốc.

Song song với đó, chính quyền Tổng thống cũng khuyến khích các thượng nghị sĩ hợp lực và gạt bỏ những khác biệt giữa bối cảnh vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ đang bị đe dọa./.