NATO đang lao vào một cuộc cạnh tranh an ninh mới

Thứ năm, 11/8/2022 | 11:44 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid đã đặt nền móng cho cuộc cạnh tranh an ninh giữa các “nền dân chủ” do Mỹ dẫn dắt và các đối thủ chiến lược “độc tài” là Trung Quốc và Nga.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, “Biến đổi” là từ mà Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg dùng để mô tả Hội nghị Madrid năm 2022 và đúng là như vậy.

Được tổ chức ngay sau Hội nghị G7, trong đó các nhà lãnh đạo đến từ 7 nền công nghiệp phát triển cam kết sẽ đóng góp 600 tỷ USD tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nhằm chống lại Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid đã đặt nền móng cho cuộc cạnh tranh an ninh giữa các “nền dân chủ” do Mỹ dẫn dắt và các đối thủ chiến lược “độc tài” là Trung Quốc và Nga.

Không có gì ngạc nhiên khi những diễn biến ở Ukraine đứng đầu chương trình nghị sự. Để tạo điều kiện cho quốc gia đang gặp khó khăn này “thắng thế," ban lãnh đạo NATO đã cam kết “hỗ trợ lâu dài” cho Ukraine - theo đó huấn luyện và cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến cho quân đội nước này.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã coi Ukraine là chiến tuyến mới trong cuộc đụng độ giữa dân chủ và độc tài. Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine “trong chừng mực có thể.”

[Tương lai của Liên minh quân sự NATO trong một thế giới đang thay đổi]

Ngược lại, giới lãnh đạo ở Moskva đã gắn an ninh của Nga với cuộc chiến ở Ukraine. Quan điểm rõ ràng từ cả 2 bên cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine khó có thể kết thúc sớm và sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc cạnh tranh an ninh giữa Nga và NATO do Mỹ dẫn đầu.

Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi “Khái niệm Chiến lược” năm 2022 của NATO mô tả Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với liên minh này, đồng thời cam kết đáp trả “các hành động thù địch” của Nga bằng cách “đoàn kết.”

Có thể dự đoán rằng Mỹ - quốc gia duy nhất có dấu chân của quân đội trên toàn cầu - lại một lần nữa trở thành đội tiên phong. Sau khi gửi thêm 20.000 binh lính tới châu Âu, tại hội nghị, Tổng thống Biden đã cam kết sẽ thành lập một trụ sở thường trực của Quân đoàn Mỹ thứ 5 tại Ba Lan và duy trì 3.000 binh lính tinh nhuệ thuộc lữ đoàn luân phiên bổ sung và một nhóm khác gồm 2.000 binh lính đồn trú tại Romania.

Hơn nữa, Tổng thống Biden cũng đã thông báo tăng số lượng tàu khu trục của Hải quân Mỹ tại Căn cứ Hải quân Rota của Tây Ban Nha và gửi thêm 2 phi đội F-35 đến Vương quốc Anh, bên cạnh việc đóng quân nhằm tăng cường khả năng phòng không ở Đức và Italy. Hơn nữa, ông tuyên bố tăng cường phối hợp giữa Mỹ và NATO dọc theo sườn phía Đông của liên minh giáp với Nga.

Ngoài Mỹ, các nước châu Âu cũng đang cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng kéo dài hàng chục năm nay. Vài ngày sau khi Nga phát động tấn công Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - mức cao chưa từng thấy trong hơn 3 thập kỷ qua.

Với việc duy trì chủ nghĩa hòa bình trong nhiều thập kỷ nhằm xóa bỏ quá khứ hiếu chiến, cam kết tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể của Đức - trong đó bao gồm việc phân bổ ngay lập tức 100 tỷ Euro để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vốn đã xuống cấp - chắc chắn sẽ là một bước ngoặt đối với tương lai quân sự của nước này.

Ngay sau đó, nhiều quốc gia châu Âu khác - trong đó đáng chú ý nhất là Bỉ, Romania, Italy, Ba Lan, Na Uy và Thụy Điển - đã cam kết tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Phần Lan và Thụy Điển, vốn có truyền thống phi liên kết, đã trải qua một quá trình chuyển đổi chính sách cơ bản nhằm tận dụng chính sách bảo hộ theo Điều khoản V của NATO, bên cạnh việc công bố tăng đáng kể chi tiêu quân sự.

Mặc dù Nga bị coi là mối đe dọa trực tiếp đối với NATO, song thách thức chiến lược chính đối với thế giới “dân chủ” do Mỹ dẫn dắt lại bắt nguồn từ một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Trước hội nghị, các đồng minh NATO đã tranh cãi về cách đối phó với Trung Quốc trong “Khái niệm Chiến lược,” đồng thời cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gây ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, dựa trên bình diện thương mại trong quan hệ của phương Tây với Trung Quốc - đặc biệt là Đức và Pháp - một nỗ lực cân bằng đã được thực hiện bằng cách duy trì mở cửa cho “sự tương tác mang tính xây dựng” với Bắc Kinh.

Tương tự, “Khái niệm Chiến lược” của NATO coi “quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc” giữa Trung Quốc và Nga “đi ngược lại” các lợi ích và giá trị của phương Tây.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, các đồng minh Thái Bình Dương của Mỹ là Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và New Zealand đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, minh chứng cho mưu kế của Washington nhằm tập hợp một liên minh toàn cầu chống lại quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga.

Sự hình thành các liên minh đối lập - dưới sự lãnh đạo hoặc ít nhất là chi phối của các siêu cường cạnh tranh - là dấu hiệu cho thấy cán cân mới của cấu trúc quyền lực toàn cầu.

Không mấy ngạc nhiên, việc ngày càng chú trọng vào các giá trị và quy tắc, cùng với việc thường xuyên đề cập đến “các chủ thể độc tài” thách thức các lý tưởng phương Tây đã phản ánh xu hướng của các chính phủ phương Tây là áp đặt hệ tư tưởng vào cuộc cạnh tranh quyền lực.

Thậm chí, điều này còn làm sâu sắc hơn sự khác biệt giữa các lực lượng dân chủ và chủ nghĩa độc tài trong cuộc chiến ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh.

Khác với tuyên bố sứ mệnh vào năm 2010 - theo đó thể hiện giọng điệu lạc quan về kiểm soát và không phổ biến vũ khí, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân - “Khái niệm Chiến lược” 2022 coi hạt nhân là năng lực hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ cơ bản là “răn đe và phòng thủ.”

Sự ổn định chiến lược bị cho là đang ngày càng suy yếu do sự xói mòn của khuôn khổ kiểm soát vũ khí, trong đó nghịch lý là thế giới phương Tây cũng chịu chung trách nhiệm. Hơn nữa, với lý do Nga và Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân cũng như các phương tiện vận chuyển, NATO đã cam kết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để duy trì uy tín và hiệu quả của khả năng răn đe - bên cạnh việc nỗ lực đảm bảo sự tích hợp và gắn kết giữa các năng lực và hoạt động.

Các diễn biến trên cho thấy thời kỳ kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân đã kết thúc. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên chưa từng có của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, trong đó có ít nhất 3 đối thủ chiến lược tranh giành vị trí tối cao - trừ khi có một số khuôn khổ kiểm soát vũ khí (điều rất khó xảy ra) giúp ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang tam cực vốn đầy rẫy những thách thức khó lường./.