Đang bị mất dần chỗ đứng, tương lai nào cho chủ nghĩa dân túy?

Chủ nhật, 07/8/2022 | 07:34 GMT+7

Sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo dân túy nổi bật như ông Donald Trump hay ông Boris Johnson đang làm dấy lên những câu hỏi về xu hướng tương lai của chủ nghĩa dân túy.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ft.com)

Trang mạng moderndiplomacy.eu đưa tin trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, thế giới bị phân chia thành 2 hệ tư tưởng khác biệt và rất mâu thuẫn: Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Cộng sản.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã để lại một khoảng trống chính trị trong trật tự thế giới. Khoảng trống này đã mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Ngoài ra, sự bất lực của các đảng chính trị truyền thống, các chính trị gia và những chính sách thường đi theo lối mòn và khá mờ nhạt của họ trong việc giải quyết các vấn đề mới xuất hiện trong thế kỷ này càng củng cố hiện tượng này.

[Châu Âu trước thách thức từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy]

Trên thực tế, một làn sóng chủ nghĩa dân túy đã tràn qua thế giới trong 2 thập kỷ qua và để lại một dấu ấn đáng chú ý trong bối cảnh chính trị.

Sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo phản đối "tầng lớp tinh hoa tham nhũng," bày tỏ ý định thay đổi thực trạng và tự coi mình là "niềm hy vọng" duy nhất cho đất nước, đã nhận được ngày càng nhiều sự ủng hộ theo thời gian.

Công dân của các nước phát triển và đang phát triển đều có ấn tượng giống nhau với những lời kêu gọi của những người theo chủ nghĩa dân túy như vậy.

Họ đặt niềm tin vào những người này, thể hiện qua việc thành lập các chính phủ theo chủ nghĩa dân túy ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu và châu Á.

Từ “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại,” rời EU thông qua “Brexit,” “Thay đổi mật độ của Brazil” đến “Hồi sinh Hindutva,” người ta đã chứng kiến nhiều sắc thái và khía cạnh khác nhau của chủ nghĩa dân túy.

Tuy nhiên, gần đây, có ý kiến cho rằng có lẽ chủ nghĩa dân túy đang mất dần sức hấp dẫn.

Sự sụp đổ đáng chú ý nhất của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy diễn ra vào năm 2020, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực tái tranh cử đã thất bại trước của ứng viên Joe Biden của Đảng Dân chủ.

Các chế độ dân túy ở châu Âu cũng mất quyền lực ở Cộng hòa Czech, Bulgaria và Moldova. Tương tự, sự thất bại gần đây nhất xảy ra ở Anh.

Thủ tướng Boris Johnson, thường được gọi là "Donald Trump của nước Anh," đã bị mất chức.

Sau thời gian cầm quyền gần 3 năm, ông buộc phải từ chức khi các thành viên Đảng Bảo thủ phản đối phong cách lãnh đạo của ông và các đơn từ chức trong nội các bắt đầu xuất hiện liên tục.

Sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo dân túy nổi bật này đang làm dấy lên những câu hỏi về xu hướng tương lai của chủ nghĩa dân túy. Vậy, có phải chủ nghĩa dân túy đang chết dần? Hay nó có tiềm năng khôi phục trở lại với động lực mới?

Mặc dù số lượng các chế độ dân túy đang giảm dần (đáng chú ý nhất là ở châu Âu), xu hướng này không cho thấy chủ nghĩa dân túy đang thoái trào.

Những nhà lãnh đạo này có thể đã bị tước bỏ quyền lực hoặc thất bại trong các cuộc bầu cử, nhưng những người theo chủ nghĩa dân túy sẽ vẫn có vai trò trong nền chính trị chính thống vì họ vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể từ quần chúng.

Mức độ ủng hộ đôi khi có thể thay đổi, nhưng chủ nghĩa dân túy sẽ vẫn hoạt động ở nhiều khu vực khác nhau và tiếp tục tái hiện dưới những hình thức mới, đặc biệt là khi các phong trào như vậy đang thúc đẩy sự tham gia chính trị nhiều hơn của người dân và thách thức chính trị truyền thống một cách mạnh mẽ.

Và các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy sẽ thực thi các chiến lược tập trung vào các chủ đề/vấn đề dễ thu hút hoặc hấp dẫn công chúng.

Các chủ đề thường được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo này (đặc biệt là ở phương Tây) bao gồm chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, thương mại hạn chế và chính sách nhập cư nghiêm ngặt.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo của các nước đang phát triển tận dụng hoàn cảnh kinh tế của người dân và chủ nghĩa sôvanh tôn giáo-sắc tộc theo cách có lợi cho họ.

Điều thú vị là ở các nước phát triển, các đảng phái chính trị sẽ dễ dàng đối phó với các phong trào dân túy hơn nếu họ áp dụng một số khuynh hướng dân túy, chẳng hạn như áp đặt các chính sách nhập cư nghiêm ngặt và các chính sách thương mại/thuế quan hạn chế.

Hơn nữa, một nền kinh tế đang đi đúng hướng cũng sẽ tạo cơ hội cho các đảng chính thống khôi phục niềm tin của người dân.

Tuy nhiên, lạm phát gia tăng trên toàn thế giới do COVID-19 và cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đang làm suy giảm môi trường kinh tế, tạo điều kiện thích hợp hơn cho chủ nghĩa dân túy bùng phát trở lại.

Do đó, không thể loại trừ sự trở lại của Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2024. Tương tự, khả năng xuất hiện nhiều phong trào dân túy hơn ở châu Âu vẫn còn cao.

Về vấn đề này, bầu không khí ở các nước đang phát triển cũng đã khá chín muồi cho các phong trào dân túy. Nhờ tập trung vào các vấn đề kinh tế và xã hội, các nhà lãnh đạo tự xưng là "tiếng nói của nhân dân" được một bộ phận lớn xã hội chấp nhận với hy vọng đem lại sự thay đổi. Ở đây, sự chia rẽ sắc tộc và tôn giáo cũng có thể bị lợi dụng dễ dàng hơn.

Ví dụ điển hình về vấn đề này là Ấn Độ, nơi phong trào cực hữu “Hindutva” đang ảnh hưởng đến chính trị và xã hội Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi.

Hơn nữa, những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt thường xuất phát từ các vấn đề về cơ cấu, qua đó củng cố hơn nữa chủ nghĩa dân túy.

Cũng cần phải nói rằng ở các nước đang phát triển, sự ủng hộ của giới trí thức là rất quan trọng để một cá nhân vươn lên nắm quyền.

Thách thức thực sự đối với những người theo chủ nghĩa dân túy ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển đã nảy sinh khi họ thực sự lên nắm quyền.

Thế mạnh lớn nhất của những người theo chủ nghĩa dân túy là đưa các vấn đề vốn ở ngoài lề trở thành trung tâm chú ý và khuấy động cuộc tranh luận trong công chúng và truyền thông.

Ngược lại, điểm yếu của họ thường là không có chiến lược cụ thể để giải quyết những vấn đề tương tự hoặc thậm chí là những vấn đề đang tồn tại rõ ràng khi họ bước vào hành lang quyền lực.

Việc thiếu vắng các khuôn khổ chính sách thực tiễn, thiếu đội ngũ có kinh nghiệm, hiểu biết về quản trị nhà nước hoặc các hạn chế về thể chế thường cản trở hoạt động của họ.

Bất chấp những rào cản như vậy, chủ nghĩa dân túy (và các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy) sẽ tiếp tục phát triển vì nó được thúc đẩy bởi cảm xúc hơn là lý trí và logic.

Trên thực tế, thế giới đã bước vào kỷ nguyên dân túy. Điều này đã được thử nghiệm ở Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, các nước châu Âu và châu Á và chắc chắn sẽ được thử nghiệm ở các khu vực khác.

Do đó, không những không bị mất chỗ đứng, chủ nghĩa dân túy còn có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại trong nền chính trị toàn cầu và vẫn là một yếu tố quyết định của thế kỷ XXI./.