Lựa chọn khó khăn của châu Âu trong vấn đề năng lượng

Thứ tư, 03/8/2022 | 16:32 GMT+7

Nguồn dự trữ khí đốt hiện chỉ ở mức 65% và việc Nga thắt chặt nguồn cung sẽ khiến EU gặp khó khăn và tiêu tốn rất nhiều mới có thể đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt ở mức 80% trước mùa Đông năm nay.

Đường ống dẫn khí đốt của hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, khi giá cả mặt hàng này tăng chưa từng thấy kể từ năm 1973.

Tình hình sẽ còn trở nên xấu hơn trước khi được cải thiện. Dòng khí đốt tự nhiên của Nga tới châu Âu nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị cắt giảm hoặc thậm chí dừng hẳn trước mùa Đông năm nay, trong khi các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ có thể sẽ sớm tác động đến các nguồn cung năng lượng.

Đây là một cuộc khủng hoảng kép. Đối với châu Âu, tính cấp thiết của việc sưởi ấm và vượt qua những mùa Đông tiếp theo cần được cân nhắc bên cạnh nhiệm vụ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nhiều người nhận thấy ở đây có một sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, việc phản ứng hợp lý trước cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay cũng sẽ giúp giải quyết thách thức rộng hơn mang tên biến đổi khí hậu. Các quan chức sẽ vừa phải kiềm chế cú sốc hiện nay, vừa phải đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi.

Chắc chắn, các nước châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào dầu khí của Nga sẽ phải vật lộn để đảm bảo có đủ nguồn điện và nhiệt cho mùa Đông sắp tới.

Nguồn dự trữ khí đốt hiện chỉ ở mức 65% và việc Nga thắt chặt nguồn cung sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khăn và tiêu tốn rất nhiều mới có thể đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt ở mức 80% trước mùa Đông năm nay.

[Nhiều nước Liên minh châu Âu thúc đẩy thỏa thuận chia sẻ khí đốt]

Do đó, câu hỏi then chốt đối với các cường quốc kinh tế hiện nay là liệu họ có thể vượt qua mùa Đông mà không phải buộc các doanh nghiệp tiêu thụ khí đốt lớn trong nước đóng cửa hay không.

Câu trả lời có lẽ là có, nếu xét đến việc các nước châu Âu cùng thực hiện tiết kiệm năng lượng xuyên biên giới (theo đề xuất của EU), đồng thời tận dụng tối đa tất cả các nguồn năng lượng khác.

Việc để giá năng lượng cao phá hủy nhu cầu cận biên (trong đó có nhu cầu của các doanh nghiệp tư nhân) sẽ đẩy các nhà hoạch định chính sách đứng trước một lựa chọn khó khăn.

Trái với phân tích của giới truyền thông về tình hình hiện nay, đây không phải là lựa chọn giữa vấn đề biến đổi khí hậu và bất ổn dân sự. Không ai nghi ngờ rằng châu Âu sẽ cần tăng cường sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng, tiếp tục tiêu thụ than đá trong vài năm tới, cũng như đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng và doanh nghiệp khó khăn trong việc đối phó với mức giá năng lượng cao. Vấn đề ở đây là các nhà hoạch định sẽ tiếp cận những nhiệm vụ này ra sao.

Điều quan trọng là việc hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bằng cách giảm giá năng lượng theo nguồn cung sẽ chỉ làm gia tăng lạm phát, qua đó chuyển các khoản thuế trực tiếp đến các nhà sản xuất dầu khí.

Việc trao các tấm séc cho những người cần chúng nhất là một ý tưởng hay, nhưng từ bỏ việc khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng lại là một ý tưởng tồi.

Đây đang là vấn đề trọng tâm của các cuộc tranh luận trên khắp châu Âu, từ chính quyền địa phương cho đến các nhà hoạch định cấp cao nhất ở Brussels. Trong khi một số người liên hệ tình hình lạm phát do giá năng lượng hiện nay với cuộc xung đột ở Ukraine, một số người khác lại cho rằng điều này bắt nguồn từ các nỗ lực rộng hơn nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, phần lớn người dân Italy khẳng định cuộc khủng hoảng năng lượng là do những căng thẳng địa chính trị, trong khi đa số người Đức và Ba Lan cho là do các chính sách chống biến đổi khí hậu. Kết quả chủ yếu sẽ phụ thuộc vào việc bên nào giành chiến thắng trong cuộc chiến giữa lý trí và con tim này.

Lựa chọn của châu Âu sẽ có vai trò quan trọng, theo đó quyết định xem chúng ta có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp hay không.

Nếu các chính trị gia châu Âu có thể thuyết phục cử tri làm quen với các quyết định chiến lược đúng đắn trong dài hạn, họ sẽ có thể vừa kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng trong những mùa Đông tiếp theo, vừa đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng lên mức chưa từng có.

Điều đó sẽ giúp EU có được vị thế là một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu trong công cuộc “chuyển đổi xanh”, qua đó cạnh tranh với Trung Quốc và khẳng định rằng sự giàu có và phúc lợi không đồng nghĩa với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngược lại, nếu châu Âu hoảng loạn, giảm giá nhiên liệu hóa thạch và tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt trong dài hạn, họ sẽ bỏ lỡ một cơ hội lịch sử.

Thậm chí, khi chúng ta hướng đến trung hạn, trong đó các nguồn tái tạo có thể cung cấp năng lượng ổn định với mức giá phù hợp, nhiều trở ngại khác vẫn sẽ xuất hiện. Chúng ta sẽ cần một nguồn năng lượng dồi dào và có giá phải chăng, cả cho việc cung cấp điện lẫn cung cấp nguồn nhiên liệu không carbon cho các ngành công nghiệp, các sản phẩm và hoạt động không tiêu thụ điện. Do đó, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh một cách nhanh nhất và với chi phí thấp nhất có thể.

Tuy nhiên, “nhanh và rẻ” không phải lúc nào cũng đi kèm với những mối quan tâm về an ninh và sự phụ thuộc. Khái niệm “sản xuất tại các nước bằng hữu” (friend-shoring) ra đời gần đây chỉ ra rằng châu Âu sẽ muốn tận dụng tất cả các thành phần thiết yếu trong cơ sở hạ tầng năng lượng từ các đồng minh và đối tác thân thiện như một nguyên tắc đảm bảo các nguồn cung ứng tin cậy.

Mặc dù mục tiêu “tự cung tự cấp” thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng xanh ở trong nước và hợp tác bên ngoài là hoàn toàn có thể đạt được, song đây không phải là lựa chọn rẻ nhất hay nhanh nhất trong ngắn hạn.

Châu Âu sẽ cần tương tác rộng hơn với các khu vực lân cận cũng như các đối tác trên toàn cầu nhằm mở rộng các ngành công nghiệp xanh và giảm chi phí biên cho các công nghệ xanh.

Các cử tri châu Âu cần một nguồn năng lượng nhanh, rẻ, sạch và an toàn, nhưng điều này không thể đạt được trong ngắn hạn. Một lần nữa, chúng ta trở lại với những lựa chọn chính trị đầy khó khăn.

Các giải pháp chính trị sáng tạo có thể giúp ích, song các chính trị gia sẽ cần đề ra một chiến lược phù hợp và thuyết phục công chúng nghe theo. Châu Âu sẽ còn kỳ vọng nhiều điều hơn thế từ các nhà lãnh đạo./.