Dòng tiền Nga và thế khó của các ngân hàng Thụy Sỹ

Thứ ba, 05/7/2022 | 17:15 GMT+7

Khi mối quan hệ của Nga với phương Tây trở nên tồi tệ trong những năm gần đây, nguồn tiền từng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các ngân hàng Thụy Sỹ lại trở thành rủi ro về tài chính và uy tín.

Đồng tiền giấy và tiền xu ruble của Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tháng Một từng là một tháng quan trọng đối với ngân hàng Thụy Sỹ và các khách hàng Nga của họ. Nhiều người trong giới thượng lưu của Nga có truyền thống đến dãy Alps vào dịp Năm mới để trượt tuyết cùng gia đình, sau đó giao lưu với các chuyên gia ngành tài chính.

Trong khoảng thời gian tuyệt vời nhất của một thập kỷ qua, dòng tiền của Nga đã chảy vào các ngân hàng Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, khi mối quan hệ của Nga với phương Tây trở nên tồi tệ trong những năm gần đây, nguồn tiền từng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các ngân hàng Thụy Sỹ lại trở thành rủi ro về tài chính và uy tín.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng Hai, nhiều người Nga giàu có đã tìm cách bảo vệ tiền của họ khỏi sự can thiệp chính trị bằng cách để tài sản đứng tên người thân hoặc chuyển sang các khu vực ít bị kiểm soát chặt chẽ hơn, chẳng hạn như Dubai.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động thanh lọc rộng lớn đã được tiến hành tại các ngân hàng Thụy Sỹ để cố gắng hạn chế quan hệ tài chính với các cá nhân bị trừng phạt. Thụy Sỹ tuy trung lập nhưng đã đồng ý thực hiện tất cả các biện pháp tài chính trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm chống lại Nga.

Hơn 1.100 người trong giới thượng lưu Nga - bao gồm cả những nhân vật như tỷ phú than đá và phân bón Andrey Melnichenko và chủ ngân hàng Petr Aven, đều là những du khách thường xuyên đến Thụy Sỹ.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn nhất, chẳng hạn như bộ ba UBS, Credit Suisse và Julius Bär, đã tuyên bố ngừng tất cả các hoạt động kinh doanh mới ở Nga. Tuy nhiên, các nhà phê bình vẫn nghi ngờ những tuyên bố này.

Bill Browder, một nhà phê bình lâu năm của Điện Kremlin và là một nhà đầu tư Nga trước đây, cho biết: “Thụy Sỹ có một lịch sử tồi tệ khi nói đến 'tiền bẩn' của Nga.”

Ông hoài nghi về mức độ cam kết của các ngân hàng Thụy Sỹ trong việc thực thi các lệnh trừng phạt.

Ông nói: “Người Thụy Sỹ muốn tỏ ra là họ đang làm điều gì đó, nhưng họ không thực sự muốn làm bất cứ điều gì.” Ủy ban Helsinki, một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ quan sát nhân quyền và pháp quyền ở châu Âu, cũng đã đồng ý với quan điểm này.

Số tiền được lưu giữ ở Thụy Sỹ vẫn là một câu hỏi

Luật bảo mật ngân hàng của Thụy Sỹ là rất hà khắc, trong đó có quy định khách hàng có thể bị phạt tù dài hạn và đối với khách hàng Nga thậm chí còn khắc nghiệt hơn.

Số tiền được lưu giữ ở Thụy Sỹ vẫn là một câu hỏi. Vào tháng 3/2022, cơ quan đại diện cho các ngân hàng của Thụy Sỹ là Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ (SBA) đã gây xôn xao khi công bố kết quả nghiên cứu ước tính có 150-200 tỷ franc Thụy Sỹ (CHF), tương đương 154-205 tỷ USD, được lưu giữ trong tài khoản của các công dân Nga.

Vào cuối năm ngoái, tổng số tiền mặt mà các ngân hàng Thụy Sỹ nắm giữ thay mặt cho khách hàng là 7.879 tỷ CHF, hơn một nửa trong số đó là tài sản từ nước ngoài, theo SBA.

Sự tiết lộ này đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông Thụy Sỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong nước đã lên tiếng bảo vệ các mối quan hệ kinh tế của họ với Nga.

Giám đốc tài chính bang Zug, một bang trung tâm quan trọng có mức thuế thấp của Thụy Sỹ, hồi tháng Ba đã thẳng thắn cho biết nhiệm vụ của ông không phải là "hành động như một thám tử" và đưa ra phán đoán về tài sản Nga.

Vào tháng 4/2022, ông thông báo rằng Zug, nơi có 37.000 công ty hoạt động, không có tài sản bị xử phạt nào để báo cáo lại cho chính phủ. Tuy nhiên tháng 4/2022, Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) thông báo họ đã đóng băng 9,7 tỷ CHF tài sản Nga.

Giới chức khẳng định rằng số tiền là tương xứng với quy mô tài sản bị đóng băng ở các trung tâm tài chính hàng đầu khác.

Trụ sở ngân hàng Credit Suisse ở Zurich, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bern đã bị buộc phải điều tra lại một số trường hợp vào tháng Năm. Erwin Bollinger, một quan chức SECO, cho biết Thụy Sỹ không thể đóng băng tiền “nếu không đủ căn cứ,” đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ đã nhận được dữ liệu về các tài khoản bị xử phạt tại hơn 70 ngân hàng của đất nước.

[Nga sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối để kiềm chế đồng ruble]

Hiện nay, việc công bố thông tin trực tiếp của các ngân hàng vẫn còn chắp vá. Giám đốc điều hành của Credit Suisse Thomas Gottstein đã nói trong một hội nghị vào tháng Ba rằng khoảng 4% tài sản trong các hoạt động kinh doanh quản lý tài sản cốt lõi của ngân hàng Credit Suisse là của Nga - một tỷ lệ tương đương với khoảng 33 tỷ CHF.

Trong khi đó UBS, công ty quản lý tài sản tư nhân lớn nhất thế giới, đã tiết lộ rằng họ có 22 tỷ USD tài sản của “những người Nga không được phép cư trú tại khu vực kinh tế châu Âu hoặc Thụy Sỹ,” và bỏ ngỏ câu hỏi về tổng số tiền họ nắm giữ.

Khoảng 16.500 người Nga thường trú tại Thụy Sỹ và nhiều người Nga khác đã được chấp nhận nhập quốc tịch Thụy Sỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác, theo Ban Thư ký Nhà nước về Di cư.

Ngân hàng Julius Bär không tiết lộ trực tiếp về quy mô hoặc sự giàu có của khách hàng Nga của họ, mặc dù ngân hàng cho rằng giá trị tài sản do công ty con có trụ sở tại Moskva nắm giữ là 400 triệu CHF. Thông tin từ các ngân hàng tư nhân Thụy Sỹ nhỏ hơn khác thậm chí còn ít hơn.

Cam kết hoàn hảo của Thụy Sỹ

Một giám đốc điều hành từng là nhân vật cao cấp trong thế giới ngân hàng tư nhân ở Thụy Sỹ trong hai thập kỷ qua đã nói rằng ông gần như không nghi ngờ gì về việc tầm quan trọng của mối quan hệ giữa nhiều ngân hàng với các cá nhân bị trừng phạt đang bị đánh giá thấp.

Ông cho biết thêm, nhiều khách hàng Nga đã kinh doanh thông qua các công ty con của ngân hàng Thụy Sỹ ở nước ngoài, chẳng hạn như các công ty con ở Monaco, London hoặc khu vực châu Á.

Ông không rõ liệu tất cả những tài sản này có bị phong tỏa theo quy định của Thụy Sỹ hay không.

Các ngân hàng Thụy Sỹ có nghĩa vụ pháp lý ghi lại chủ sở hữu có lợi cuối cùng của tất cả tài sản mà họ xử lý trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc kiểm soát điều này là không dễ dàng do khu vực pháp lý ở các bên thứ ba có thể dễ dàng che giấu chủ sở hữu thật sự.

Thomas Borer, một nhà tư vấn ngoại giao hàng đầu của Thụy Sỹ, người từng làm việc với các khách hàng Nga nổi tiếng, cho biết ông ủng hộ chính sách trừng phạt của Thụy Sỹ. Ông nói: “Trung lập về quân sự không có nghĩa là thờ ơ về kinh tế.”

Tuy nhiên, ông cho rằng văn hóa ngân hàng của Thụy Sỹ vẫn rất khác biệt so với những nơi khác ở phương Tây.

Ông cho biết ngay cả những ngân hàng lớn nhất cũng “bám” vào mối quan hệ với khách hàng Nga khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn ra.

Tờ Financial Times tiết lộ rằng vào cuối tháng Ba, Credit Suisse đã yêu cầu các nhà đầu tư tiêu hủy các tài liệu có thể khiến những nhà tài phiệt Nga mà công ty này từng kinh doanh cùng gặp rủi ro pháp lý.

Một giám đốc quan hệ cấp cao tại một ngân hàng có trụ sở tại Zurich cũng đồng ý như vậy. Ông nói rằng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, thì cách tiếp cận chủ đạo vẫn là hỏi rằng làm thế nào để giao dịch hiệu quả với khách hàng, chứ không phải là làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu của chính phủ.

Mặc dù vậy, vị giám đốc này vẫn bảo vệ cách tiếp cận rằng: “Làm mọi thứ bạn có thể cho khách hàng của mình là một cam kết hoàn hảo của Thụy Sỹ. Nếu tôi là một thợ đồng hồ, tôi sẽ muốn tạo ra những chiếc đồng hồ tốt nhất. Và nếu tôi là một cảnh sát, thì có lẽ tôi sẽ muốn trở thành người giỏi nhất trong việc truy bắt tội phạm người Nga. Nhưng bây giờ tôi là một nhân viên ngân hàng.”

Các ngân hàng không còn là nơi trú ẩn an toàn

Trong khi đó, vẫn còn sự mơ hồ về mặt pháp lý ở Thụy Sỹ về việc liệu các biện pháp trừng phạt có áp dụng cho thành viên gia đình và bạn bè của các cá nhân được liệt kê hay không?

Điều này đã tạo ra một kẽ hở để các ngân hàng giúp khách hàng tích cực khai thác trong những năm gần đây. Các ngân hàng Thụy Sỹ đã chứng kiến nhiều tài sản được sang tên cho vợ/chồng và con cái của các khách hàng Nga, một chủ ngân hàng cho biết.

[Tỷ giá đồng ruble của Nga so với đồng USD cao nhất trong 7 năm qua]

Một giám đốc điều hành ngân hàng gần đây đã thừa nhận với Financial Time rằng có nhiều "vùng xám" trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt. Ông cho biết một phần của vấn đề là các bộ phận pháp lý ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc phân biệt tài sản nào được coi là trốn tránh các lệnh trừng phạt và tài sản nào không bị coi như vậy.

Bản thân nhiều người Nga cũng biết các ngân hàng không còn là nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt là kể từ năm 2018 khi ngân hàng Thụy Sỹ bắt đầu nhượng bộ đáng kể trong việc chia sẻ thông tin trên tài khoản khách hàng với các chính phủ khác.

Ví dụ, Thụy Sỹ đã không bảo vệ được tỷ phú Viktor Vekselberg vào năm 2018, khi ông có liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ. Cả Credit Suisse và UBS đều chuyển sang chấm dứt các khoản vay với ông.

SBA cho biết các thành viên của họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Giám đốc điều hành Jörg Gasser lập luận rằng các ngân hàng Thụy Sỹ “không quan tâm đến các quỹ có nguồn gốc không rõ ràng” và họ làm thủ tục nghiêm ngặt để nhanh chóng sàng lọc các tài sản bị xử phạt.

Ông nói: “Các ngân hàng Thụy Sỹ đã - và vẫn đang - rất cẩn thận và siêng năng khi tiếp nhận tiền của khách hàng,” đồng thời cho biết thêm điều quan trọng là họ phải nhận ra số lượng lớn phục vụ hoạt động kinh doanh hợp pháp được thực hiện với các doanh nhân Nga không bị trừng phạt.

Đối với Giáo sư danh dự về luật hình sự tại Đại học Basel và là một chuyên gia về tội phạm “cổ cồn trắng” Mark Pieth, câu chuyện thực sự của thập kỷ qua là cách các luật sư của Thụy Sỹ, thay vì các ngân hàng, đã trở thành những người tạo điều kiện để nguồn tiền nước ngoài được giấu kín.

Ông nói: “Các ngân hàng Thụy Sỹ rất thân thiện với người Nga trong quá khứ. Cùng với London, đất nước này là ‘mái hiên’ cho người Nga đến phương Tây.... nhưng bây giờ tôi không cho rằng vấn đề là ở chỗ các ngân hàng – mà thực tế vấn đề nằm ở các bên trung gian khác.”

Ở Thụy Sỹ, đặc quyền của luật sư - thân chủ có nghĩa là luật sư có thể từ chối tiết lộ hầu như bất cứ điều gì cho chính quyền về khách hàng của họ. Tuy nhiên, Hiệp hội Luật sư Thụy Sỹ bác bỏ mạnh mẽ điều này.

Họ nói: “Bí mật nghề nghiệp không bảo vệ chống lại các hành vi phạm tội. Các luật sư biết luật và biết phải làm gì.”

Trong khi đó, một nhân vật cấp cao trong ngành đã bảo vệ quan điểm của các ngân hàng khi nói rằng mọi người bây giờ muốn biết nguồn gốc của những chiếc áo khoác sang trọng mà họ khoác lên mình.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như trong lĩnh vực thời trang, mọi thứ đã thay đổi. Không ai lăng mạ thế giới thời trang giống như cách họ đang chỉ trích các ngân hàng.

Mặc dù vậy, các công ty thời trang đã thay đổi theo thời đại và cởi mở hơn, trong khi các ngân hàng của Thụy Sỹ, với tất cả sự kiên định về sự thay đổi và tuân thủ, vẫn muốn duy trì càng nhiều bí mật về khách hàng của họ càng tốt - ngay cả trong thời điểm khủng hoảng quốc tế./.