Trung Quốc có đang dẫn đầu “cuộc chiến” kim loại chủ chốt?

Chủ nhật, 03/7/2022 | 15:15 GMT+7

Một số chuyên gia cho rằng ngoài việc nắm giữ trữ lượng lớn tài nguyên đất hiếm trong số các khoáng chất nói trên, Trung Quốc còn đồng thời độc quyền khâu gia công khoáng chất.

Những kim loại của Trung Quốc. (Nguồn: visualcapitalist.com)

Cổng thông tin trực tuyến HK01 ngày 21/6 đăng thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó nhận định về các loại khoáng chất quan trọng nhất bao gồm lithium (Li), nickel (Ni), cobalt (Co), đồng (Cu), than chì và đất hiếm.

Một số chuyên gia cho rằng ngoài việc nắm giữ trữ lượng lớn tài nguyên đất hiếm trong số các khoáng chất nói trên, Trung Quốc còn đồng thời độc quyền khâu gia công khoáng chất. Điều này giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có được rất nhiều lợi thế so với các nước khác trong cuộc đua tranh giành tài nguyên kim loại chủ chốt trên toàn cầu.

Đề cập đến lợi thế của Trung Quốc, rất nhiều người ngay lập tức sẽ liên tưởng đến đất hiếm (REE). Đất hiếm là tài nguyên chiến lược rất có giá trị, là vật liệu không thể thiếu của nhiều lĩnh vực từ công nghiệp hóa chất, điện tử, xe điện, năng lượng tái tạo, y dược, cho đến quân sự.

Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng tài nguyên đất hiếm và sản lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Năm 2020, trữ lượng đất hiếm toàn cầu của nước này là 120 triệu tấn, trữ lượng đất hiếm đã thăm dò phát hiện của Trung Quốc đạt 44 triệu tấn, đứng số một thế giới.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tích cực khai thác và sắp xếp hiệu quả ngành công nghiệp đất hiếm, kết hợp với sáng kiến “Vành đai và con đường” không ngừng được thúc đẩy trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nắm giữ không ít quyền khai thác khoáng sản quan trọng của châu Phi, củng cố vững chắc ngôi vương là cường quốc đất hiếm.

Theo BBC, mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm 36% trữ lượng đất hiếm của thế giới, nhưng xuất khẩu kim loại sau khi tinh luyện của nước này lại chiếm 70% toàn cầu, hơn nữa về phương diện gia công và xử lý đất hiếm, Trung Quốc thậm chí còn chiếm nhiều lợi thế lớn hơn.

Trong vài thập niên tới, với sự phát triển của các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, xe điện và 5G, nhu cầu đất hiếm sẽ không ngừng tăng mạnh, khi đó vai trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn.

Ngoài ra, để bảo đảm địa vị thống trị, gần đây Trung Quốc đã tuyên bố thành lập Tập đoàn đất hiếm Trung Quốc, là doanh nghiệp trung ương dưới sự quản lý trực tiếp của Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện.

Kể từ năm 2003, ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc đã trải qua ba lần điều chỉnh lớn, từng bước giảm số lượng công ty và mở rộng quy mô.

Trong đợt tái cấu trúc gần đây nhất, ngành công nghiệp này đã hợp nhất tất cả các doanh nghiệp khai thác và tách, luyện đất hiếm trong cả nước thành hai tập đoàn lớn lấy miền Bắc và miền Nam, là căn cứ để tăng cường hơn nữa việc kiểm soát lĩnh vực tài nguyên chiến lược quan trọng này của Bắc Kinh.

Ưu thế lớn nhất là độc quyền gia công?

Bên cạnh đất hiếm, trên thực tế, hiện nay Trung Quốc vẫn là nước sản xuất cobalt tinh luyện chủ yếu trên toàn cầu. Mặc dù sản lượng cobalt của Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm trên 2/3 của thế giới, nhưng các công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc lại sở hữu hoặc đầu tư vào hầu hết các mỏ cobalt lớn của nước này. Ngoài ra gần đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc còn mạnh tay đầu tư vào các mỏ nickel của Indonesia. Điều này một lần nữa thu hút sự quan tâm của các nước.

Công ty Cổ phần vật liệu mới Trung Vĩ (CNGR Advanced Material Co Ltd) của Trung Quốc hồi tháng Năm đã tuyên bố mở rộng kinh doanh mạ nickel bóng ở Indonesia và sẽ hợp tác với công ty quốc tế RIGQUEZA của Singapore để đầu tư 1,26 tỷ USD vào dây chuyền sản xuất mạ nickel bóng công suất 40.000 tấn/năm ở Indonesia.

Đây là thương vụ hợp tác thứ hai giữa hai công ty. Năm 2021, hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác khác với công suất 60.000 tấn mạ nickel bóng/năm. Theo thống kê, khoảng 70% xuất khẩu nickel của Indonesia chảy sang Trung Quốc.

Nickel có thể sử dụng để tăng cường mật độ năng lượng pin của xe điện, từ đó nâng cao hành trình di chuyển. Công ty nghiên cứu thị trường SNE Research dự báo, dưới tác động của thị trường xe điện tiếp tục mở rộng, đến năm 2025 và 2050, nhu cầu kim loại nickel dùng cho pin xe điện trên toàn cầu sẽ lần lượt tăng 2 lần và 6 lần so với nhu cầu của năm 2022.

Trên thực tế, Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ quy mô đầu tư khoáng sản ở nước ngoài trong những năm gần đây. Theo Tạp chí Khai khoáng Trung Quốc, tính đến năm 2017, tổng quy mô đầu tư tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc ở nước ngoài đã tăng lên con số đáng kinh ngạc 1.800 tỷ USD và có lý do để tin rằng quy mô này sẽ cao hơn trong những năm tới.

Báo cáo “Vai trò của các khoáng chất chủ chốt trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch” của chuyên gia phân tích Tae-Yoon Kim thuộc IEA nhấn mạnh đến năm 2040, nhu cầu của thế giới đối với khoáng chất kim loại chủ chốt sẽ tăng nhanh chóng.

Chuyên gia Tae-Yoon Kim đã phân tích các quốc gia dẫn đầu trong khai thác và gia công những khoáng chất này, cho rằng mặc dù rất nhiều quốc gia có ưu thế về phương diện khai thác, chẳng hạn cobalt phần lớn đến từ Congo, nickel đến từ Indonesia, lithium đến từ Australia và Bolivia, đồng đến từ Chile, đất hiếm đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, độc quyền trong việc gia công những khoáng chất này chỉ có một nước, đó chính là Trung Quốc.

Kwasi Ampofo, Giám đốc bộ phận kim loại và khai thác của Trung tâm nghiên cứu tài chính năng lượng mới của Bloomberg, cho rằng hiện nay Trung Quốc đang ở vị trí hết sức có lợi và nước này có thể hưởng lợi từ quá trình thay đổi này, nếu quyết định chuyển sản xuất kim loại hiếm sang các nước khác thông qua những nhà máy của mình, sau đó xuất khẩu sản phẩm của mình cho các nước khác. Khi ấy, Trung Quốc sẽ trở thành bên thắng cuộc lớn nhất.

Lợi thế đất hiếm ngày càng suy giảm, nhu cầu lithium tăng

Mặc dù nắm chắc lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh kim loại chủ chốt, Trung Quốc vẫn không xem nhẹ những khó khăn và thách thức tiềm ẩn. Trước tiên, sau nhiều năm khai thác cường độ cao, tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc đã tiêu hao nhanh chóng.

Một chiếc máy chiết xuất vật liệu đất hiếm tại mỏ Bayan Obo ở Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc năm 2016 là 55 triệu tấn, nhưng đến năm 2020 đã giảm xuống còn 44 triệu tấn. Tỷ trọng trong trữ lượng đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc đã giảm từ gần 50% xuống còn khoảng 36% và tỷ trọng này sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.

Đất hiếm không thực sự hiếm trên phạm vi toàn cầu. USGS nhấn mạnh những nguyên tố này ban đầu được cho là hiếm, nhưng trên thực tế lại tương đối phong phú trong vỏ Trái Đất. Những năm gần đây, khắp nơi trên thế giới xuất hiện cơn sốt thăm dò tìm kiếm đất hiếm dưới sự thúc đẩy của năng lượng sạch. Từ Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi cho đến châu Á đều có tài nguyên khoáng sản đất hiếm mới được phát hiện, trong đó rất nhiều mỏ đã ở trong giai đoạn khai thác.

Gần đây, Cục khảo sát địa chất Trung Quốc cũng có bài viết nhấn mạnh rằng cùng với việc khai thác tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc và sự phát hiện tài nguyên đất hiếm mới của các nước khác, bố cục trữ lượng tài nguyên đất hiếm thế giới đã có sự thay đổi, “lợi thế tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc đang dần suy yếu.”

Một vấn đề nan giải khác là nhu cầu cấp thiết phải gia tăng sản lượng lithium ở trong nước. Lithium là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất pin sạc dùng cho điện thoại di động và xe điện. Cùng với việc Trung Quốc phát triển thành nước sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, nhu cầu đối với lithium không ngừng tăng lên. Hiện nay, mặc dù Trung Quốc là cường quốc gia công muối lithium, nhưng với tài nguyên lithium, nước này lại phụ thuộc cao vào nhập khẩu.

Ở Trung Quốc có ý kiến cho rằng tình hình này có thể gây nên rủi ro “nút thắt cổ chai” nếu có một số nhân tố bên ngoài nào đó khiến cho các mỏ khoáng sản do doanh nghiệp trong nước nắm giữ ngừng hoạt động và cung cấp hàng.

Ngoài ra còn có rủi ro địa chính trị. Chẳng hạn, năm 2021, quốc gia Tây Phi Guinea giàu tài nguyên nhôm và quặng sắt đã xảy ra đảo chính quân sự, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và nhập khẩu bauxite cũng như các dự án quặng sắt lớn của Trung Quốc.

Những năm gần đây, một mỏ đồng lớn do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở miền Nam Peru cũng làm dấy lên sự tranh cãi của địa phương. Tại đây đã nhiều lần nổ ra hoạt động biểu tình phản đối và bao vây, gây ảnh hưởng đến công tác khai thác của doanh nghiệp Trung Quốc ở địa phương.

Cuối cùng là việc các nước khác tích cực tham gia vào thị trường. Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã tuyên bố sẽ cùng các nước đối tác chủ chốt thiết lập quan hệ đối tác an ninh khoáng sản để đảm bảo an ninh nguồn cung các khoáng chất chủ chốt như đất hiếm, lithium…, nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhờ hưởng lợi từ việc sớm đi đầu trong vấn đề kim loại chủ chốt, hiện nay lợi thế của Trung Quốc trên phương diện này vẫn nổi trội, về lâu dài có lợi cho việc duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt này./.