Lý do Tổ chức Hiệp ước bắc Đại Tây Dương hướng về phương Đông

Thứ ba, 28/6/2022 | 19:54 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự định trở thành người đứng đầu chính phủ đầu tiên trong lịch sử nước này sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang Telegram Quan sát phương Đông của Nga, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự định trở thành người đứng đầu chính phủ đầu tiên trong lịch sử nước này sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều này sẽ đánh dấu một bước tiến mới về chất lượng của Tokyo trong quan hệ hợp tác với NATO. Tuy nhiên, có nhiều lý do để các nước thành viên của tổ chức này thể hiện sự quan tâm ngày càng tích cực đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo kế hoạch, ông Kishida sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Đức từ ngày 26/6 tới và sau đó sẽ đến Madrid, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 29-30/6 tới.

Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với Nội các Nhật Bản cảnh báo rằng các kế hoạch này có thể thay đổi trong trường hợp tình hình Tokyo có những thay đổi khó chịu, khi mà các cuộc tổng tuyển cử vào thượng viện sẽ được tổ chức vào khoảng ngày 10/7 tới.

Theo các nhà phân tích, một chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này có thể giúp ông Kishida giữ ghế Thủ tướng chính phủ trong một thời gian dài, và các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay cho thấy thành công dường như đã được đảm bảo với ông.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác nhau trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản xung quanh chuyến công du châu Âu sắp tới của người đứng đầu Nội các. Một số ý kiến cho rằng chuyến công du châu Âu dài ngày của ông Kishida sẽ không có tác động tích cực đến chiến dịch bầu cử - vốn dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 22/6 tới.

Dù vậy, nhiều ý kiến khác lại cho rằng sự tham gia của ông Kishida vào các hội nghị thượng đỉnh của G7 và NATO sẽ là một điểm nhấn làm tăng sự chú ý của cử tri đối với các hoạt động chính sách đối ngoại tích cực của đương kim Thủ tướng.

[Thủ tướng Nhật Bản có kế hoạch dự Hội nghị thượng đỉnh NATO]

Bên cạnh đó, tân Tổng thống Hàn Quốc Yun Sok-yong, người chủ trương tăng cường liên minh quân sự-chính trị với Mỹ, cũng đang hướng tới hội nghị thượng đỉnh ở Madrid. Những nguồn thạo tin cho rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ hy vọng về một cuộc gặp ở thủ đô Tây Ban Nha với ông Kishida, điều này sẽ tạo động lực để cải thiện mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo, vốn gần đây đã nguội lạnh rất nhiều. Một cuộc họp ba bên cũng nhiều khả năng được tổ chức với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Australia và New Zealand cũng đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên NATO nhằm ngăn chặn Trung Quốc đã tiến quá sâu vào sân sau của họ. Mới đây, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã phải khẩn cấp đi thị sát Thái Bình Dương sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công du khu vực này. Ông Vương Nghị đã đến thăm quần đảo Solomon, Papua New Guinea, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu và Timor Leste.

Cần nhấn mạnh rằng đây là chuyến công du nước ngoài độc lập đầu tiên của bà Penny Wong trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Australia. Ngoại trưởng Australia đã lần lượt thăm Fiji, Samoa và Tonga, đồng thời có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Timor Leste Adalgisa Magnu.

Nhiệm vụ chính của bà là chứng tỏ rằng chính phủ mới của Australia đang dành ưu tiên cho khu vực Thái Bình Dương. Một kết quả đáng kể của chuyến thăm là Fiji đồng ý gia nhập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới (IPEF) do Mỹ đề xuất.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận thấy rằng, trong bối cảnh gia tăng các lực lượng chống đối lẫn nhau ở khu vực, các quốc đảo ở Thái Bình Dương đang cố gắng thu lợi nhiều nhất có thể cho mình, đồng thời tránh rơi vào thế bị kìm kẹp giữa những tảng đá lớn.

Chẳng hạn, lãnh đạo Papua New Guinea đã thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về các dự án phát triển chung và cách thức để tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đồng ý với việc Canberra sẽ cử hơn 100 quân nhân Australia, bao gồm cả các chuyên gia an ninh mạng, đến nước này để giúp tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng Bảy tới.

Quần đảo Solomon. (Nguồn: theguardian.com)

Trong khi đó, quần đảo Solomon, quốc gia duy nhất trong khu vực đã đồng ý về một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc hồi tháng Tư vừa qua, cũng sẽ nhận được 130 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là khoản tiền lớn nhất mà WB từng cung cấp cho đất nước này. Ngoài ra, ngay trước chuyến thăm của ông Vương Nghị tới quần đảo Solomon, chính phủ New Zealand đã kéo dài thời gian đồn trú của quân đội tại đây cho đến cuối tháng 5/2023.

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Austrailia, Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mataafa giải thích rằng một thỏa thuận tập thể về hợp tác an ninh giữa các quốc đảo Thái Bình Dương và Trung Quốc không thể được ký kết nếu không có thảo luận trước tại một cuộc họp chung khu vực.

Theo ông, Diễn đàn của các Quần đảo Thái Bình Dương là tổ chức chính của khu vực và Australia cùng với New Zealand đóng vai trò chủ đạo. Thủ tướng Samoa cũng khẳng định rằng Tuvalu vẫn giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đến thăm Mỹ, nơi bà đã gặp Tổng thống Joe Biden hôm 31/5 vừa qua. Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể thiết lập sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương và tuyên bố tăng cường hợp tác quốc phòng khi “môi trường an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phát triển.” Tất cả những điều này đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ các nhà chức trách Trung Quốc.

Sau đó, Ngoại trưởng New Zealand Nanaya Mahuta đã tổ chức cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Wellington Wang Xiaolong, trong đó “thảo luận một số vấn đề liên quan đến khu vực Thái Bình Dương và quan hệ song phương.”

Tuy nhiên, từ thông cáo báo chí do Đại sứ quán Trung Quốc công bố, có thể thấy nhà ngoại giao Trung Quốc kín đáo bày tỏ sự không hài lòng của Bắc Kinh trước sự thay đổi dần lập trường của New Zealand từ trung lập tương đối sang ngày càng tuân theo chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ.

Do đó, không chỉ các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc mà cả các đại diện cấp cao của Australia và New Zealand (có thể ở cấp quan chức hàng đầu) cũng dự kiến tới thăm thủ đô Madrid để dự Hội nghị thượng đỉnh của NATO.

Trang mạng Quan sát phương Đông kết luận rằng, Nga vẫn sẽ được cho là mối đe dọa trực tiếp đối với NATO và là chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nhưng sự kiện lần này cũng sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong việc thiết lập các hoạt động của liên minh NATO ở Thái Bình Dương, nơi mà việc ngăn chặn Trung Quốc có thể được coi là mục tiêu chính của họ./.