Bài học từ những tiến triển trong hợp tác của “Bộ tứ Tây Á”

Thứ năm, 16/6/2022 | 17:42 GMT+7

Bộ tứ Tây Á đang hoạt động hiệu quả bởi nó quy tụ hai nền kinh tế quan trọng của Trung Đông là Israel và UAE với một Ấn Độ đầy quyết đoán và một cường quốc bên ngoài có sự hiện diện mạnh mẽ là Mỹ.

Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahayan. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng thehill.com, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia một hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Bộ tứ, nhóm quy tụ các nước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ để đối trọng với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã thể hiện tầm quan trọng của khu vực Đông Á và Nam Thái Bình Dương trong chính sách Mỹ hiện tại.

Tuy nhiên, có một nhóm 4 quốc gia khác dường như còn đang đạt được nhiều tiến triển lớn hơn.
Bộ tứ Tây Á - nhóm quy tụ các nước Ấn Độ, Israel, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ - được khởi xướng vào tháng 10/2021 với sự quảng bá không mấy rầm rộ so với nhóm quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói trên.

Tuy nhiên, nó đã mang lại được một thỏa thuận thương mại tự do và nhiều thỏa thuận hợp tác đa phương. Khác với Bộ tứ của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn né tránh các vấn đề an ninh nặng nề, mối quan hệ đối tác Tây Á nói trên lại theo đuổi những thỏa thuận thực thụ về các mối đe dọa chung.

Ý tưởng về Bộ tứ Tây Á xuất phát từ Israel và UAE và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã đề xuất việc bốn nước tận dụng “khả năng bổ sung” của nhau ở Trung Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nhấn mạnh “sức mạnh tổng hợp ” về “ cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giao thông, an ninh hàng hải.”

Theo lời Ngoại trưởng UAE Abdullah Bin Zayed, thay vì tập trung vào thách thức từ một cường quốc đang trỗi dậy, Bộ tứ Tây Á được tập hợp lại với nhau bằng những mối quan hệ đặc biệt và “khác biệt” giữa các quốc gia này.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã lưu ý rằng mối quan hệ với UAE, Israel và Mỹ là “những mối quan hệ thân thiết nhất” của Ấn Độ và những mối quan hệ chặt chẽ này khiến bốn nước sẵn sàng hợp tác với nhau hơn.

Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Kinh tế UAE đã dẫn đầu một phái đoàn thương mại gồm 70 thành viên đến Delhi và Mumbai để thảo luận về cách thức đẩy mạnh thương mại và đầu tư tại Ấn Độ và UAE. Hiệp định này nối tiếp sau một hiệp định thương mại tự do mà hai nước đã ký kết hồi tháng 2/2022 và có hiệu lực vào ngày 1/5.

[Nhóm Bộ tứ thứ hai và vai trò của Ấn Độ trong liên minh Mỹ-Ấn]

Một hiệp định thương mại tự do tương tự hiện đang tồn tại giữa Israel và UAE, trong khi một hiệp định giữa Ấn Độ và Israel đang trong quá trình thực hiện.

UAE hiện đã là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về khối lượng thương mại. Thương mại song phương giữa hai nước đạt 59 tỷ USD vào năm ngoái, và các công ty của UAE đã đầu tư 18 tỷ USD vào Ấn Độ.

UAE cũng có 3,4 triệu công nhân Ấn Độ, đóng góp nguồn kiều hối quan trọng trong tổng thu nhập ngoại tệ 83 tỷ USD của Ấn Độ từ kiều hối. UAE cũng đã giúp Ấn Độ giải quyết những lo ngại về an ninh dầu mỏ bằng cách đóng góp vào nguồn dự trữ dầu chiến lược của Ấn Độ.

Mối quan hệ đối tác Israel-Ấn Độ hiện cũng rất mạnh mẽ, và Israel là một trong ba nhà cung ứng trang thiết bị quân sự hàng đầu cho Ấn Độ, với 43% vũ khí xuất khẩu của Israel được bán sang Ấn Độ.

Thương mại song phương của Ấn Độ với Israel, hiện vào khoảng 4,14 tỷ USD, vẫn đang tiếp tục gia tăng. Israel xuất khẩu công nghệ nông nghiệp, công nghệ mạng, công nghệ y tế và trang thiết bị quân sự sang Ấn Độ, trong khi Ấn Độ bán các sản phẩm khoáng chất, máy móc và vải vóc cho Israel.

Bộ tứ Tây Á được tập hợp dựa trên những lợi ích chung và những năng lực bổ sung lẫn nhau. Điều này khác biệt so với Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi mà bất chấp sự nhiệt huyết của Mỹ, các đối tác không phải lúc nào cũng đem lại được điều mà bên còn lại cần đến.

Bốn quốc gia này không có các thỏa thuận thương mại tự do như những gì mà Israel, Ấn Độ và UAE đã đạt được. Mỗi nước trong số họ đều hiểu rằng cần phải hợp tác với nhau chống lại Trung Quốc, nhưng có vẻ như họ lại đang dành thời gian để tìm ra những điều họ có thể lấy được từ nhau.

Chẳng hạn, Nhật Bản muốn thay thế Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia, nhưng đổi lại, Tokyo lại không thể mang lại bất kỳ lợi thế an ninh nào cho Australia.
Sự mập mờ này không hề xuất hiện trong Bộ tứ Tây Á.

Mặc dù Mỹ đã thể hiện sức mạnh quân sự của mình trên bàn đàm phán, song các đối tác khác vẫn có thể mang lại những đóng góp quan trọng về mặt an ninh hoặc kinh tế. Chủ nghĩa thực dụng chiến lược của UAE tạo ra một chất kết dính cho việc tập hợp nhóm, đồng thời cũng đảm bảo cho Ấn Độ các nguồn cung năng lượng và cơ hội việc làm cho một lượng cư dân lớn của nước này.

UAE coi Ấn Độ là một cường quốc bên ngoài có thể đối trọng với Trung Quốc và không bị Mỹ coi là một mối đe dọa.

Trong khi đó, sức mạnh công nghệ và kinh tế của Israel, cũng như năng lực quân sự-tình báo của nước này rất phù hợp với khả năng cung cấp nguồn nhân lực và một thị trường rộng lớn của Ấn Độ. Điều này đặt UAE vào vị thế có thể gây ảnh hưởng đến Israel trong việc bảo vệ người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, đồng thời là đối thủ Hồi giáo kiên cường nhất của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Ấn Độ, nơi có 200 triệu người Hồi giáo sinh sống và từng là nạn nhân của khủng bố, chẳng hạn như vụ tấn công ở Mumbai ngày 26/11/2008, đánh giá cao sự hỗ trợ của Israel và UAE chống lại những kẻ khủng bố.

Bộ tứ Tây Á đang hoạt động hiệu quả bởi nó quy tụ hai nền kinh tế quan trọng của Trung Đông là Israel và UAE với một Ấn Độ đầy quyết đoán và một cường quốc bên ngoài có sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực là Mỹ. Nếu Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương muốn thành công, nhóm cũng cần phải tìm ra các năng lực bổ sung giữa các thành viên của mình tương tự như các thành viên của Bộ tứ Tây Á./.