Phải chăng thế giới sắp rơi vào một cuộc suy thoái toàn cầu mới?

Thứ ba, 14/6/2022 | 15:26 GMT+7

Chuyên gia cho rằng liệu có phải chúng ta đang tiến đến một cuộc suy thoái toàn cầu? Điều đó phần lớn sẽ phụ thuộc vào Fed, sự lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc và Điện Kremlin.

Người dân mua sắm tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng project-syndicate.org đưa tin đầu năm 2022, Jim O’Neill - cựu Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Goldman Sachs, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh - bày tỏ lo ngại về triển vọng của các thị trường tài chính do những bất ổn đáng kể mà ông có thể nhận thấy và cả những rủi ro tiềm ẩn chưa rõ ràng khác.

Ông đã bày tỏ những lo ngại trên ngay sau khi Nga bắt đầu triển khai quân đội đến các vùng ở biên giới với Ukraine, nhưng trước khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine.

Giờ đây, khi Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nước này dường như đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi nền kinh tế và thị trường quốc tế, đồng thời giá năng lượng và lương thực đã tăng vọt.

Cùng lúc, các ngân hàng trung ương của phương Tây đã có một sự thay đổi lớn trong lập trường chính sách của họ, từ bỏ quan điểm cho rằng lạm phát ngày nay chỉ là một hiện tượng tạm thời và sẽ tự lắng xuống.

[Ba nguy cơ khiến các nước đang phát triển đẩy thế giới vào suy thoái]

Các ngân hàng hàng trung ương này đang cố tình thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu (bằng cách giảm quy mô bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất), điều này làm tăng áp lực theo chu kỳ lên thu nhập hộ gia đình và từ đó làm tăng sức ép lên toàn bộ nền kinh tế.

Nếu như điều đó là chưa đủ, nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn hơn nền kinh tế Nga 10 lần - đã bị kìm hãm bởi chiến lược “Không COVID” của chính phủ.

Chiến lược này theo sau những nỗ lực hiện vẫn đang được triển khai nhằm giảm giá nhà bị tăng quá cao, giảm tăng trưởng tín dụng và kiềm chế các lĩnh vực kinh doanh (bắt đầu từ các tập đoàn công nghệ lớn) được cho là gây trở ngại cho mục tiêu mới của chính phủ là “tăng trưởng công bằng hơn.”

Với những diễn biến này, có vẻ như chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái toàn cầu.

Nếu đúng, cuộc suy thoái này sẽ là rất đột ngột, xảy ra ngay sau các cuộc suy thoái nhỏ do tác động của các lệnh phong tỏa trong năm 2020 và 2021.

Cuộc suy thoái này sẽ tồi tệ tới mức nào và có các chính sách nào có thể ngăn chặn được nó, hoặc chí ít là giảm thiểu quy mô và mức độ nghiêm trọng của nó?

Tại Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng một lập trường thoải mái hơn về COVID-19 có thể làm gia tăng các ca nhiễm và khiến các bệnh viện của nước này bị quá tải.

Vì chúng ta đã thấy những hậu quả tương tự diễn ra ở các nước khác - đặc biệt là Anh, quốc gia đã buộc phải áp đặt các đợt phong tỏa đột ngột, khắc nghiệt trong năm 2020-2021 - nên khó có thể chỉ trích Trung Quốc là quá thận trọng.

Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy biến thể Omicron (biến thể chiếm ưu thế toàn cầu) dễ lây lan đến mức ngay cả việc phong tỏa cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn.

Thêm nữa, biến thể này có vẻ ít nguy hiểm hơn các biến thể trước, khiến cho một phản ứng hà khắc khó có thể biện minh hơn.

Chiến lược “không COVID” của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã bị yếu đi, từ đó làm tăng thêm những điểm yếu cơ bản mang tính chu kỳ.

Dữ liệu giao thương mới nhất (cho tháng Tư) cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc vẫn ở mức đặc biệt thấp – một trong nhiều dấu hiệu của một nền kinh tế yếu.

Các vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt có những tác động vượt ra ngoài nền kinh tế và thị trường.

Trung Quốc từ lâu đã hợp pháp hóa sự lãnh đạo độc đảng của mình bằng cách mang lại mức sống ngày càng cao cho 1,4 tỷ dân của nước này. Tuy nhiên, điều này khó có thể duy trì trong điều kiện kinh tế bị suy yếu lâu dài.

Một trong những điểm mạnh nhất của chính phủ Trung Quốc là khả năng quản lý rủi ro đặc biệt tốt.

Trong quá khứ, chính phủ nước này đã đối phó với các vấn đề tiềm ẩn lớn một cách quyết đoán và nhanh chóng. Hiện tại không như vậy.

Nếu nước này không thay đổi, nền kinh tế của Trung Quốc và thế giới sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Mặt khác, nếu chính phủ có thể từ bỏ chính sách “Không COVID” và một số biện pháp đàn áp kinh tế hà khắc hơn, tăng trưởng của nước này có thể phục hồi nhanh chóng.

Đối với các nước còn lại trên thế giới, ngoài Trung Quốc thì hai yếu tố chính quyết định đến việc mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào là các chính sách lớn của ngân hàng trung ương và Vladimir Putin.

Ý định hiện nay của Tổng thống Nga vẫn khó dự đoán giống như 3 tháng trước khi ông bắt đầu tiến hành cuộc xâm lược.

Việc Phần Lan và Thụy Điển đột ngột muốn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho thấy Putin đã tính toán vô cùng sai lầm.

Mặc dù có thể ông sẽ không kết thúc cuộc chiến, nhưng sai lầm của Putin có thể dẫn đến việc ông bị mất chức (mặc dù nhiều nhà nghiên cứu Điện Kremlin cho rằng điều này khó có thể xảy ra).

Trong bất cứ trường hợp nào, tác động lên thu nhập thức tế - và do đó ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng - từ việc giá năng lượng và thực phẩm tăng cao lớn đến mức các ngân hàng trung ương cần phải xem xét lại về lập trường "diều hâu" mới của mình.

Xét cho cùng nếu cách để kiểm soát lạm phát là làm suy yếu nền kinh tế, việc giá năng lượng và lương thực tăng cao cùng với việc các điều kiện tài chính bị thắt chặt đã làm điều này hộ các ngân hàng trung ương.

Nếu kỳ vọng về việc lạm phát dài hạn đang tăng lên và không còn bị kìm hãm, điều này sẽ thay đổi đáng kể những tính toán.

Tại Mỹ, nơi những thay đổi trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gây ra các tác động sâu rộng trên toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy lạm phát cơ bản vẫn trên mức 6%, trong đó lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ đang tăng nhanh.

Do đó, Fed có thể sẽ thấy gần như không có lý do gì để từ bỏ con đường thắt chặt các điều kiện tài chính.

Nhưng Fed nên xem xét việc giảm thu nhập khả dụng thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) ở Mỹ.

Mặc dù sự sụt giảm không nghiêm trọng như ở châu Âu, song nó vẫn đáng kể và việc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể sẽ sớm dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế.

Vậy liệu có phải chúng ta đang tiến đến một cuộc suy thoái toàn cầu? Điều đó phần lớn sẽ phụ thuộc vào Fed, sự lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc và Điện Kremlin./.