Vì sao Ấn Độ 'quay lưng' với RCEP nhưng lại chọn IPEF?

Thứ ba, 14/6/2022 | 15:25 GMT+7

Khi IPEF do Mỹ dẫn đầu được khởi xướng tại Tokyo, Ấn Độ đã nắm bắt ngay một cơ hội để thực hiện cuộc xoay trục sang Thái Bình Dương của chính mình.

Lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ. (Nguồn: india-briefing.com)

Hai năm sau khi bước ra khỏi một hiệp định thương mại tự do tại Đông Nam Á mà Trung Quốc nắm vị trí trung tâm, Ấn Độ đang theo đuổi một cơ hội để trở thành một thành viên sáng lập một nhóm khác, lần này là dưới sự dẫn dắt của Mỹ.

Khi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn đầu được khởi xướng tại Tokyo trong chuyến công du chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới châu Á, Ấn Độ đã nắm bắt ngay một cơ hội để thực hiện cuộc xoay trục sang Thái Bình Dương của chính mình.

IPEF gồm 13 thành viên mới được thành lập vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang có nhiều xáo trộn.

[Bước khởi đầu cho khuôn khổ mới giúp kết nối kinh tế khu vực IPEF]

Tâm điểm của kinh tế-chính trị thế giới hiện nay là cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời diễn biến dịch bệnh vẫn đang khiến nhiều quốc gia như Trung Quốc vẫn duy trì biện pháp "bế quan tỏa cảng."

Hơn nữa, áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu, cụ thể là Mỹ chứng kiến lạm phát chưa từng thấy trong 40 năm qua.

Trong bối cảnh đó, các nước nhóm Bộ tứ (QUAD, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) đang nhận ra sự cần thiết phải xây dựng các hiệp ước mới để phục hồi tăng trưởng kinh tế cũng như xây dựng cơ chế làm đối trọng với tầm ảnh hưởng lan rộng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cũng cần lưu ý đến bối cảnh khi mà Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi Ấn Độ không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ngoại trừ Ấn Độ và Mỹ, tất cả các quốc gia khác tham gia khởi xướng IPEF đều đang tham gia một đối thủ cạnh tranh là RCEP, với trọng tâm là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước thành viên tham gia hiệp ước.

Động thái củng cố liên minh với Mỹ của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin rằng Mỹ đã vượt mặt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2022. Cả Mỹ và Ấn Độ đều lo ngại về việc thiếu các quan hệ thương mại với khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã khẳng định cam kết của Ấn Độ với IPEF.

Trong khuôn khổ một hội nghị với các nước Đông Nam Á diễn ra tuần trước tại Ấn Độ, ông cho biết Ấn Độ đang xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy các mối liên kết gần gũi hơn với Đông Nam Á thông qua Myanmar và Bangladesh, phù hợp với chủ trương của khuôn khổ kinh tế mới này.

Ông Jaishankar nói: "Sự kết nối sẽ không chỉ củng cố các mối quan hệ đối tác mà chúng tôi đã duy trì với ASEAN và Nhật Bản, mà còn thực sự tạo ra một sự khác biệt cho IPEF đang được hình thành."

Ông Jaishankar cũng lưu ý rằng các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể vượt lên trên khoảng cách địa lý và viết lại lịch sử hiện đại nếu họ có được những chính sách và các kế hoạch kinh tế đúng đắn."

Cả Bangladesh và Myanmar đều là một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) mà Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các châu lục. Ấn Độ đã giữ khoảng cách với sáng kiến mang dấu ấn của Trung Quốc do vấn đề biên giới dai dẳng giữa hai bên.

Sự nhiệt tình của Ấn Độ đối với IPEF được giới quan sát đánh giá là một bước ngoặt đối với "gã khổng lồ Nam Á."

Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP do những lo ngại rằng hiệp định này sẽ khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước.

RCEP bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand và 10 quốc gia Đông Nam Á, và cũng là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Cựu cố vấn kinh tế chính của chính phủ Ấn Độ Arvind Virmani nói với CNBC: "Một sai lầm nghiêm trọng của RCEP là sự hiện diện của Trung Quốc ở trong đó. Trong khi đó, IPEF rất hấp dẫn đối với Ấn Độ vì tổ chức này bao gồm các nước Đông và Đông Nam Á nhưng không bao gồm Trung Quốc."

Tuần trước, Trung Quốc đã chỉ trích IPEF là một nỗ lực "chắc chắn sẽ thất bại," và mới ngày 31/5 vừa rồi lại tiếp tục nhắc lại điều này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặt câu hỏi trong khuôn khổ một chuyến công du đến Fiji, nước đã trở thành thành viên mới nhất gia nhập IPEF hồi tuần trước: "Khuôn khổ này làm sao có thể được gọi là bao trùm nếu cố ý loại trừ Trung Quốc, thị trường lớn nhất trong khu vực và trên thế giới?"

Hiện tại, ít nhất, IPEF không được coi là một hiệp định thương mại truyền thống, mà được định vị như một liên minh kinh tế giải quyết các vấn đề quan trọng, ví dụ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine.

Chương trình nghị sự tập trung vào bốn mục tiêu chính: Thương mại công bằng và ổn định; chuỗi cung ứng bền vững hơn; năng lượng sạch và khử carbon; hợp tác trong lĩnh vực thuế và đấu tranh chống tham nhũng.

Cụ thể, IPEF sẽ thúc đẩy thương mại trong nền kinh tế kỹ thuật số, các tiêu chuẩn về lao động và môi trường; phát triển mạng lưới chuỗi cung ứng có thể dự báo và ngăn chặn nguy cơ gián đoạn, năng lượng sạch, và thiết lập một nền kinh tế công bằng thông qua cơ chế thuế hiệu quả và phòng, chống rửa tiền.

Rajan Katoch, cựu thư ký phụ trách công nghiệp của Chính phủ Ấn Độ, nhận định: "Ấn Độ sẽ gặt hái được lợi ích từ việc tham gia một khuôn khổ đa phương, điều sẽ đồng nghĩa với một số hình thức tiêu chuẩn hóa trên các lĩnh vực. Tôi hy vọng rằng điều này có thể mang lại một điều gì đó về thương mại bởi nó sẽ tạo ra áp lực buộc toàn bộ hệ thống Ấn Độ phải mở cửa hơn. Theo quan điểm của tôi, nếu xét trên các năng lực mà người dân Ấn Độ đang sở hữu, nước này hiện đang quá bảo hộ."

Ngoài ra, ông Rajan Katoch cũng nói thêm rằng IPEF có thể tạo điều kiện giúp Ấn Độ thúc đẩy các tuyến cung ứng để một số hàng hóa được chuyển vào Ấn Độ. Tuy nhiên, những tính toán chiến lược hiện đang chi phối các cân nhắc về kinh tế.

Mặc dù việc hạ thấp các rào cản vào thị trường Mỹ hiện chưa được đưa lên bàn đàm phán trong giai đoạn này, song điều đó có thể sẽ thay đổi thông qua các cuộc đàm phán.

Ông nói: "Có thể là các cuộc thương lượng sẽ mang lại phần nào sự giảm bớt các rào cản hoặc khuyến khích việc chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ. Tôi dự đoán đây chính là đường hướng của khuôn khổ này."

Tuy nhiên, tầm quan trọng của Ấn Độ với Mỹ mang tính chiến lược hơn là kinh tế. Với tư cách là quốc gia châu Á duy nhất chia sẻ một đường biên giới trên bộ đang tranh chấp với Trung Quốc và đủ mạnh để đứng lên chống lại siêu cường đang nổi này, Ấn Độ là một yếu tố chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Những yếu tố chiến lược này có thể kéo theo những nhượng bộ ở cả hai phía.

Joshua P. Meltzer, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Chương trình kinh tế và phát triển toàn cầu thuộc Viện Brookings, đưa ra nhận định trong một phân tích gần đây: "Khái niệm về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở nên rỗng tuếch nếu không có sự tham gia của Ấn Độ."

Ông Meltzer cũng nói thêm rằng Ấn Độ có thể chấp nhận IPEF nhiều hơn RCEP là bởi IPEF không đưa ra bất cứ yêu cầu nào về giảm thuế.

Ông Meltzer nhấn mạnh thêm: "IPEF cũng đến vào một thời điểm mà Ấn Độ đã thể hiện rõ các mối quan ngại chiến lược của mình với Trung Quốc. Một sự hợp tác ngày càng mạnh giữa Trung Quốc và Nga cũng có thể khiến Ấn Độ tìm kiếm một mối quan hệ thân thiết hơn với Mỹ"./.