Chiến tuyến “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” đã xuất hiện?

Thứ ba, 07/6/2022 | 11:11 GMT+7

Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng họ đang cùng thực hiện “sứ mệnh tuần tra trên không” song đây cũng được coi là “động thái khiêu khích" sau chuyến công du Hàn Quốc và Nhật của Tổng thống Mỹ.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nhật báo “The Korea Herald”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã thông báo tới chính phủ Trung Quốc và Nga qua các kênh ngoại giao sau khi nhiều máy bay chiến đấu của hai nước này đi vào Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) mà không thông báo trước, đồng thời kêu gọi cần ngăn chặn các hành động tái diễn trong tương lai.

Đây được xem là một hành động nhằm thể hiện sự phản đối rõ ràng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du tới Seoul và Tokyo để củng cố liên minh khu vực.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Hàn Quốc cho biết 2 máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào KADIZ từ khu vực cách Ieodo, một bãi đá chìm gần đảo Jeju, 126 km về phía Tây Bắc vào lúc 7h56 sáng ngày 24/5.

Các máy bay này ở đó cho đến 9h33 thì rời đi, sau đó tiến lại từ phía Bắc KADIZ cùng với 4 máy bay chiến đấu của Nga, trong đó có 2 máy bay ném bom TU-95 vào lúc 9h58. Vào khoảng 15h40, quân đội Hàn Quốc tiếp tục phát hiện 4 máy bay quân sự Trung Quốc và 2 máy bay quân sự của Nga đang hướng đến KADIZ trong khu vực cách Ieodo khoảng 267km và Hàn Quốc đã phải triển khai máy bay chiến đấu để ngăn chặn trước khi các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga tiến vào KADIZ.

Được biết, thông qua đường dây liên lạc chung, khi được hỏi về lý do “xâm nhập” KADIZ, phía Trung Quốc đã giải thích “đây là cuộc tập trận thông thường”. Phía Nga cũng cho biết đã cùng quân đội Trung Quốc tiến hành “tuần tra trên không.”

[Máy bay chiến đấu của Nga, Trung Quốc có hoạt động bay chung]

Trong quá trình bay, máy bay của hai nước này đều tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế, không có trường hợp xâm phạm không phận của nước khác.

Nhật Bản, quốc gia hiện cũng đang nỗ lực đòi quyền được sử dụng máy bay phản lực, đã bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” đối với Nga và Trung Quốc, coi đây là hành động khiêu khích chống lại nước này và khu vực. Một quốc gia tuyên bố ADIZ là để nhằm phát hiện các dấu hiệu sớm của máy bay tiếp cận vùng trời lãnh thổ của mình nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và đụng độ ngẫu nhiên và ADIZ không phải là vùng lãnh thổ trên không.

Chiến tuyến “Chiến tranh Lạnh mới”?

Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều phủ nhận mọi vi phạm và nói rằng họ đang cùng thực hiện một “sứ mệnh tuần tra trên không” song việc triển khai bất ngờ này cũng được coi là một “động thái khiêu khích,” xảy ra ngay trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học nghiên cứu về Triều Tiên (Hàn Quốc) nhận định: “Mục đích chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Hàn Quốc rõ ràng là để kiểm soát Trung Quốc và Triều Tiên, và do đó Bắc Kinh sẽ không chỉ ngồi yên và quan sát.”

Theo đó, việc Trung Quốc triển khai máy bay ở KADIZ là nhằm “phô trương lực lượng.” Theo nhận định của Giáo sư Yang Moo-jin, khi Mỹ đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc, một chiến tuyến “Chiến tranh Lạnh mới” đang được vạch ra trong khu vực là Mỹ cùng với 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản đối phó với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Sau đó, ngay sáng sớm ngày 25/5 vừa qua, Triều Tiên cũng đã bắn 3 quả tên lửa trong đó có 1 quả nghi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông. Giáo sư Yang Moo-jin nói thêm: “(Từ việc triển khai máy bay chiến đấu của mình) Trung Quốc cũng đang gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng hành động khi Mỹ và đồng minh áp đặt bất kỳ loại áp lực nào lên các đồng minh của họ, nhất là sau khi Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.”

Trong một động thái hiếm hoi, Trung Quốc đã công bố một đoạn video về cuộc tập trận chung ngày 24/5 do Bộ Quốc phòng Nga thực hiện trên một tài khoản mạng xã hội dành cho kênh truyền hình quân sự do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc điều hành.

Khi các hành động khiêu khích quân sự từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên trùng khớp, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết họ có thể có lý do tương tự cho các hành động tương ứng của mình. Kim Tae-hyo, Phó Giám đốc thứ nhất của Văn phòng An ninh Quốc gia phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 24/5 cho biết: “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc và Nga đã chuẩn bị (và tiến hành cuộc tập trận máy bay) khi một loạt các sự kiện ngoại giao đang kết thúc, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ và sự ra mắt của IPEF, nhằm đưa ra thông điệp (về chính trị, ngoại giao và quân sự của họ) với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi không chắc liệu 3 nước (Trung Quốc, Nga và Triều Tiên) có hợp tác với nhau (để thực hiện các vụ khiêu khích vào những thời điểm tương tự hay không) nhưng chúng tôi cho rằng họ có ý định như vậy.”

Bộ tứ là nhóm an ninh do Mỹ lãnh đạo, được gọi chính thức là “Đối thoại An ninh Bốn bên,” bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ. IPEF là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một sáng kiến kinh tế mới được Tổng thống Joe Biden đưa ra do Mỹ dẫn dắt.

Cả hai “nhóm khu vực” này đều được dư luận coi là “phương tiện” để Mỹ tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiểm soát Trung Quốc.

Trong chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã đưa ra một số sáng kiến khu vực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Sau khi đến Seoul vào ngày 20/5, Tổng thống Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào ngày 21/5, cam kết sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn trên các mặt kinh tế và an ninh.

Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh bền chặt, vì “sự cạnh tranh giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên quyền đang ngày càng gia tăng,” ngầm nhắm vào Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Tại Tokyo, Tổng thống Biden chính thức ra mắt IPEF nhằm xây dựng quan hệ đối tác trong khu vực và chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc. Hàn Quốc cũng tham gia IPEF với tư cách là thành viên ban đầu cùng với 12 quốc gia khác./.