Mạng xã hội Twitter mà Elon Musk định mua quan trọng đến mức nào?

Thứ ba, 17/5/2022 | 17:12 GMT+7

Tỷ phú Elon Musk đã đề xuất mua Twitter với giá 44 tỷ USD, điều làm dấy lên câu hỏi về giá trị của công ty và kích động lo ngại rằng ông sẽ rút lại các chính sách kiểm duyệt nội dung.

Tỷ phú Elon Musk và biểu tượng Twitter. (Ảnh: Finnews24/TTXVN)

Theo trang mạng arabnews.com, kế hoạch mua Twitter của Elon Musk và chuyển sang chế độ tư hữu hóa đã thúc đẩy những đồn đoán về tương lai của nền tảng truyền thông xã hội này.

Ông Musk đã đề xuất mua Twitter với giá 44 tỷ USD, điều làm dấy lên câu hỏi về giá trị của công ty và kích động lo ngại rằng ông sẽ rút lại các chính sách kiểm duyệt nội dung.

Một câu hỏi cơ bản làm cơ sở cho những tranh cãi xung quanh nền tảng này là: Twitter có quan trọng hay không?

Có nhiều lý do chính đáng để đặt câu hỏi về tầm quan trọng của trang mạng xã hội này. Theo báo cáo mới nhất, thu nhập ròng quý đầu tiên trong năm 2022 của Twitter là 513 triệu USD, nhưng công ty hầu như không có lãi trong thập kỷ qua. Nền tảng này sở hữu số người dùng trên toàn cầu thấp hơn nhiều so với các nền tảng như YouTube, Facebook, Instagram và TikTok.

Một số nhà phân tích truyền thông xã hội và các nhà bình luận chính trị đã lập luận “Twitter không phải là cuộc sống thực,” lưu ý rằng cơ sở người dùng của nó không phải là đại diện cho công chúng nói chung. Ví dụ, ở Mỹ, người dùng Twitter thường là những người trẻ tuổi, theo đảng Dân chủ và có trình độ học vấn cao và giàu có hơn so với dân số nói chung.

Trong số các thành viên Đảng Dân chủ, người dùng Twitter có nhiều phần cấp tiến hơn nhiều so với các cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ nói chung. Trên toàn cầu, người dùng Twitter đa phần dưới 50 tuổi và đặc biệt là trong độ tuổi từ 25 đến 34.

Tuy nhiên, những lập luận này thường bỏ sót những điểm quan trọng hơn. Mặc dù đúng là trên thực tế Twitter không hoàn toàn đại diện cho dân số nói chung, nhưng các nhà chỉ trích thường phóng đại sự khác biệt.

Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã phát hiện ra rằng ở Mỹ, giới tính và thành phần dân tộc hoặc chủng tộc của người dùng Twitter phản ánh chặt chẽ thành phần dân số nói chung.

Mặc dù tỷ lệ có sự nghiêng hẳn về Đảng Dân chủ, nhưng sự phân chia đảng phái giữa những người dùng Twitter là không đáng kể so với nhiều vấn đề hiện nay, vốn thường có khoảng cách chia rẽ đảng phái lớn trong các cuộc thăm dò.

Twitter là một lực lượng tương đối mạnh mẽ ở một số quốc gia so với những quốc gia khác, điều tác động đến sức ảnh hưởng của nó ở các quốc gia cụ thể. Dữ liệu từ Hootsuite, dựa trên báo cáo của công ty Twitter, cho thấy 80% người dùng hoạt động hằng ngày của Twitter nằm bên ngoài Mỹ.

Twitter đặc biệt phổ biến ở các quốc gia như Nhật Bản, Anh, Saudi Arabia và Brazil. Trên toàn cầu, người dùng Twitter tương đối trẻ (dưới 50 tuổi) và phần lớn là nam giới.

Các con số đó hữu ích cho quảng cáo nhưng lại cung cấp thông tin rất hạn chế về ảnh hưởng tổng thể của nền tảng này. Tác động của Twitter vượt xa số lượng người dùng thực tế của nó. Thật vậy, như Pew đã lưu ý, một nhóm khá nhỏ người dùng Twitter đang hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội này. Dữ liệu từ năm 2019 cho thấy 10% người dùng trưởng thành ở Mỹ đã tạo ra 80% dòng tweet ở Mỹ.

Sức mạnh của Twitter nằm ở những người có tầm ảnh hưởng và tương tác cao sử dụng nó. Số lượng những người có tầm ảnh hưởng là tương đối nhỏ, nhưng dấu ấn xã hội và chính trị của họ rất lớn.

[Tỷ phú Elon Musk tạm hoãn thỏa thuận mua lại Twitter]

Twitter rõ ràng có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực chính trị. Nền tảng này đặc biệt hữu ích cho các nhà hoạt động. Nó là một công cụ hữu ích cho các nhà hoạt động da màu ở Mỹ. Donald Trump đã sử dụng Twitter rất hiệu quả trong sự nghiệp chính trị của ông. Kể từ khi mất tài khoản Twitter, ông đã phải vật lộn để tìm một mạng xã hội khác có cùng phạm vi hoạt động.

Nhiều chính trị gia khác ở một loạt quốc gia sử dụng Twitter để truyền đạt thông điệp của họ, tương tác với những người theo dõi và công kích các đối thủ.

Phạm vi tiếp cận của Twitter vượt ra bên ngoài nền tảng mạng xã hội. Nhiều phương tiện truyền thông chính thống và các phương tiện truyền thông khác thu thập các cuộc trò chuyện và tuyên bố từ Twitter và tích hợp thông tin đó vào các bản tin của họ. Ví dụ, đối tượng trên Twitter của Trump chỉ mang tính hạn chế, nhưng khi Fox News chọn đăng các tuyên bố của ông viết trên Twitter, điều đó đã khuếch đại thông điệp của ông trên Twitter tới nhiều đối tượng hơn.

Các nhà báo thường là những người dùng tích cực. Họ có thể đăng tin nóng trên Twitter nhanh hơn so với việc tạo ra một bài báo hoặc video được chỉnh sửa hoàn chỉnh, và có thể sử dụng Twitter để theo dõi các tuyên bố và thông điệp từ các chính trị gia, chính phủ, tổ chức, nhà hoạt động, nhân chứng tại chỗ và hơn thế nữa.

Ví dụ như trong cuộc chiến ở Ukraine, người Ukraine đã sử dụng Twitter để nói với thế giới về những trải nghiệm của họ và những người quản lý Internet đã sử dụng thông tin này để thu thập bằng chứng tội ác chiến tranh. Với tính năng đăng bài đơn giản và ngay lập tức, Twitter cũng rất hữu ích cho các ứng phó khẩn cấp.

Nền tảng này cung cấp một không gian quan trọng để đối thoại trong các cộng đồng cụ thể. Twitter có các cộng đồng xoay quanh quân đội, học viện, hệ tư tưởng, tôn giáo, sức khỏe, khoa học, nghệ thuật và nhiều hơn nữa. Nó đã trở thành một nơi mà mọi người - đặc biệt là giới tinh hoa - thảo luận ý tưởng với những người khác trong cộng đồng trực tuyến của họ.

Những cuộc trò chuyện đó thường mở rộng sang cuộc sống thực, đóng góp vào các chính sách, nghiên cứu, hoạt động và hơn thế nữa. Bằng cách này, tầm ảnh hưởng của Twitter vượt xa các bài đăng cụ thể trên nền tảng.

Twitter cũng cung cấp một công cụ hữu ích cho nghiên cứu có cấu trúc và phi cấu trúc. Ví dụ, Trung tướng Lục quân Mỹ Ted Martin gần đây đã lưu ý rằng Twitter cung cấp cho ông cái nhìn sâu sắc về suy nghĩ và cuộc thảo luận của các thành viên trong quân đội mà thông thường sẽ không được truyền tải tới một sĩ quan cấp cao như vậy.

Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng Twitter theo những cách có cấu trúc hơn, chẳng hạn như một nghiên cứu của trường đại học gần đây về thái độ của người dân đối với vaccine.

Twitter cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế. Quấy rối trên mạng hay cái gọi là doxxing (tiết lộ công khai thông tin cá nhân riêng tư) có tác động trong thế giới thực, bao gồm những lời đe dọa, mất việc làm và danh tiếng bị tổn hại.

Cho dù vai trò của Twitter trên thế giới là mang tính tích cực hơn hay tiêu cực hơn, nó rõ ràng đóng vai trò rất quan trọng. Những gì xảy ra trên Twitter ảnh hưởng đến thế giới thực theo nhiều cách - nhiều hơn so với số lượng người dùng của nó. Do đó, việc mua nền tảng và kế hoạch thay đổi của Musk cũng rất quan trọng. Vấn đề lớn nhất có thể chỉ đơn giản là tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một chủ sở hữu./.