Những cái giá phải trả trong cuộc chiến năng lượng Nga-EU

Thứ tư, 11/5/2022 | 17:09 GMT+7

Cuộc đọ sức giữa Nga, nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới, với EU vốn là một nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn không gây đổ máu song lại gây ra những tổn thất đau đớn cho cả hai bên.

Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Slovnaft ở Bratislava, Slovakia ngày 3/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt, một cuộc chiến khác vốn không gây đổ máu song lại gây ra những tổn thất đau đớn cho cả hai bên của chiến sự lại đang diễn ra.

Đây là cuộc đọ sức giữa Nga, nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới, với Liên minh châu Âu (EU) vốn là một nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Theo giới quan sát, cuộc "so găng" này có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi kết thúc.

EU đã tuyên bố rõ rằng họ có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga - một nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn cung tài chính cho chiến dịch quân sự vô cớ của Nga ở Ukraine, cuộc chiến khiến hàng nghìn người thiệt mạng - và triệt tiêu ảnh hưởng mạnh mẽ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

[Vấn đề trừng phạt khí đốt của Nga: EU duy trì một mặt trận thống nhất]

Lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga có hiệu lực từ tháng 8/2022. Dự kiến, EU sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và có hiệu lực từ tháng 1/2023.

Thế nhưng, với khí đốt, EU lại phải đau đầu trước khi đưa ra quyết định của mình.

Theo giới chuyên gia, mặc dù một số quan chức EU kêu gọi triển khai lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, song đây là vấn đề gây tranh cãi hơn nhiều vì khác với dầu mỏ và than đá, khối 27 quốc gia này hiện vẫn chưa thể tìm được nguồn cung thay thế trong ngắn hạn mà không gây tổn hại đến nền kinh tế của các nước thành viên.

Do không muốn để "khách hàng" khí đốt lớn nhất của Nga chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung của Moskva và đẩy nền kinh tế Nga rơi vào nguy cơ suy sụp, Putin dường như đang tìm cách biến vấn đề này trở thành "con tin."

"Châu Âu sẽ phải trả giá"

Mới đây, Nga tuyên bố rằng nước này sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho 2 nước thành viên EU là Ba Lan và Bulgaria. Đây là động thái mà các quan chức và giới phân tích châu Âu coi là mưu đồ của Putin nhằm chia rẽ EU và phát đi cảnh báo tới các nước còn lại trong khối.

Ông Will Pomeranz, quyền Giám đốc của Viện Kennan của Trung tâm Wilson ở Washington, nhận định: “Putin muốn chứng minh rằng châu Âu sẽ phải gánh hậu quả và sẽ phải trả giá vì ủng hộ Ukraine. Nếu nền kinh tế bị ảnh hưởng và người dân bị thiệt hại, có thể các quốc gia châu Âu - trước hết là Đức, Pháp hoặc một số quốc gia khác - sẽ lên tiếng." Thực tế là một số nước châu Âu đã lên tiếng.

Trong số các nước EU, Đức là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga, chiếm gần 1/3 lượng nhập khẩu của khối vào năm 2021.

Khi mối quan hệ Nga-EU ngày càng căng thẳng và giới phân tích cáo buộc Putin sử dụng năng lượng như một vũ khí, thì mối quan hệ phụ thuộc vào nhau này ngày càng trở nên khó xử lý hơn trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, khi Nga ngày càng hành động hiếu chiến, và có những bằng chứng về những vụ thảm sát mà một số người cho là không thể tưởng tượng được ở châu Âu trong thế kỷ XXI, thì cuộc chiến vô cớ của Nga ở Ukraine đã tạo cho EU động lực mạnh mẽ để phá bỏ càng sớm càng tốt mối quan hệ dường như ngày càng rủi ro này.

Một chút thử thách

Tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu cho biết khối này có thể cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn mọi đơn hàng "trước năm 2030."

Liệu ủy ban này có thể biến tuyên bố này thành hành động hay không? Theo tính toán của Ủy ban châu Âu, để bù đắp cho nguồn cung của Nga, các nước châu Âu cần tìm kiếm các nguồn cung thay thế không phải của Nga, tăng cường triển khai các dự án sử dụng nhiên liệu gió và mặt trời cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Carlos Diaz - chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu Rystad Energy có trụ sở tại Oslo - mục tiêu tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế nói trên gặp phải "một chút thách thức" vì các nhà máy điện hạt nhân và thủy điện hiện có của châu Âu khó có thể cắt giảm sản lượng tiêu thụ khí tự nhiên và khí hóa lỏng.

Ngoài ra, chuyên gia Diaz cho rằng EU có thể nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng mới mức nhiều hơn so với mục tiêu mà ủy ban đề ra song vấn đề là liệu châu Âu có thể tìm được nguồn cung thay thế với mức giá cả phải chăng hay không.

Ông Diaz lưu ý rằng nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Tái đánh giá chiến lược

Mặc dù châu Âu đã đầu tư mạnh tay vào những nguồn năng lượng thay thế trong hơn một thập kỷ qua nhằm cắt giảm nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu hóa thạch, song sản lượng khai thác khí đốt trong nước của châu lục vẫn đang sụt giảm mạnh.

Các nước thành viên EU, bao gồm cả Đức, đã phải quay sang Nga để bù đắp sự thiếu hụt này.Giờ đây, các quốc gia châu Âu đang xem xét lại kế hoạch sản xuất của họ trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine.

Mặc dù không phải là thành viên EU, song Na Uy có kế hoạch tăng sản lượng khai thác khí đốt trong năm nay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khối.

Là nhà cung cấp lớn thứ hai cho EU sau Nga, quốc gia Bắc Âu này có kế hoạch hoàn thành một đường ống dẫn khí mới đến Ba Lan đi qua Đan Mạch vào cuối năm nay.

Tháng 1/2022, Hà Lan cho biết nước này sẽ tăng gần gấp đôi sản lượng khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng tại Groningen - từng là mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Âu - trong năm nay. Kế hoạch này của Hà Lan được thúc đẩy bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Ông Thierry Bros - chuyên gia về năng lượng và là Giáo sư tại trường Đại học nghiên cứu Sciences Po Paris - nhận định rằng nếu giá khí đốt tự nhiên của châu Âu bắt đầu tăng vọt, chính phủ Hà Lan “có thể sẽ đánh giá lại chính sách của mình” và có thể tăng sản lượng khai thác thậm chí nhiều hơn so với kế hoạch được công bố nói trên.

Tìm kiếm những nguồn cung thay thế

Là nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai ở EU sau Hà Lan, Romania có thể sẽ tăng sản lượng khai thác thường niên tại các mỏ khí ở Biển Đen. Theo chuyên gia Diaz, do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, Romania giờ đây có thể sẽ "nỗ lực đẩy mạnh kế hoạch khai thác" sau nhiều năm các dự án khai thác mới bị trì hoãn do vấp phải những tranh chấp về chính sách thuế đối với các công ty khai thác nước ngoài.

Ngoài các nguồn thay thế ở châu Âu, EU có thể tìm kiếm các nguồn thay thế ở Bắc Phi, gồm Algeria vốn là nước cung cấp lớn thứ 3 cho EU sau Nga và Na Uy.

Cụ thể, đầu tháng 5/2022, Italy đã ký một thỏa thuận với Algeria về tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên bắt đầu từ mùa Thu 2022.

Tiếp đó, một quốc gia Tây Á là Azerbaijan cũng có thể là địa chỉ mà EU có thể tìm đến cho nguồn cung thay thế của mình. Tập đoàn Trans Adriatic Pipeline - vốn điều hành đường ống dẫn khí đốt từ Azerbaijani đến châu Âu cho biết họ sẽ có thể tăng gấp đôi năng suất khai thác trong những năm tới.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Nga

Trong khi đó, về phần mình, Nga đang cũng đang xoay xở các biện pháp riêng để đối phó với cuộc đối đầu ngày càng gay gắt về nguồn cung năng lượng với châu Âu.

Đường ống dẫn khí đốt thuộc mỏ khí Bovanenkovo, được phát triển bởi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, tại bán đảo Yamal ở Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước hết, sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nền kinh tế Nga do hành động quân sự của Moskva ở Ukraine, Putin đã yêu cầu các nước châu Âu "không thân thiện" với Nga phải thanh toán cho khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng ruble, hay chính xác hơn là thanh toán bằng ngoại tệ tại một tài khoản của ngân hàng Gazprombank của Nga và sau đó chuyển đổi số tiền thanh toán này thành đồng ruble.

Tuy nhiên, hệ thống thanh toán bằng đồng ruble có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của EU, và một số nước EU gồm Ba Lan và Bulgaria đã từ chối tuân theo yêu cầu này của Putin. Ba Lan và Bulgaria có kế hoạch chấm dứt hợp đồng của họ với Nga vào cuối năm nay.

Ba Lan sẽ bắt đầu nhận khí đốt trực tiếp từ Na Uy sau khi đường ống dẫn khí mới chạy qua Đan Mạch hoàn thành, trong khi Bulgaria sẽ bắt đầu nhận khí đốt từ Azerbaijan trong năm nay khi đường ống nối liền từ Hy Lạp hoàn thành.

Nếu EU đạt được các mục tiêu mà họ đề ra vào năm 2022 hoặc sau đó, Nga sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn về kinh tế. Moskva đã đề cập đến các kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt nối các mỏ khí ở Tây Siberia với đường ống dẫn khí xuất khẩu đến Trung Quốc.

Thế nhưng, giới phân tích nhận định rằng những kế hoạch như vậy sẽ phải mất ít nhất vài năm mới có thể hoàn thành. Việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu sẽ gây thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm cho Moskva.

Những cái giá phải trả

Cho dù châu Âu có kế hoạch như thế nào thì cuộc đối đầu về nguồn cung cấp khí đốt có thể gây ra những hậu quả to lớn về mặt pháp lý.

Nga có các hợp đồng dài hạn với hơn 20 quốc gia châu Âu, và những hợp đồng này được gia hạn theo nhiều khoảng thời gian khác nhau, trong đó lâu nhất là đến năm 2040 đối với trường hợp của Áo.

Do Nga trước đó đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các mỏ và đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu, nên nước này cần đảm bảo hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu diễn ra ổn định.

Những hợp đồng mua bán giữa Nga và các công ty châu Âu đòi hỏi phía châu Âu phải thanh toán trước một khoản cho một lượng khí đốt tối thiểu mỗi năm, ngay cả khi các công ty châu Âu không nhận hàng.

Theo chuyên gia Diaz, EU sẽ phải phân tích xem liệu họ có vi phạm bất kỳ hợp đồng nào hay không khi tìm cách chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga, bởi việc chấm dứt như vậy có thể gây ra “những hậu quả pháp lý to lớn.”

Tương tự, chuyên gia năng lượng Bros chỉ ra rằng các nước châu Âu có thể kiện Nga nếu họ bị Moskva chấm dứt hợp đồng.

Ông giải thích: "Đó sẽ là một cái giá quá đắt đối với mỗi bên," đồng thời nói thêm rằng những yêu cầu bồi thường có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.

Bàn về những nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, ông Bros cho rằng EU nên công bố lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga có hiệu lực vào cuối năm 2022 để có thể thúc đẩy các kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu, tăng cường đầu tư vào các giải pháp sử dụng nhiên liệu thay thế và xây dựng cơ sở hạ tầng như các nhà máy xử lý khí hóa lỏng.

Mặc dù những kế hoạch này trước mắt có thể gây tổn hại đến ngành công nghiệp châu Âu, nhưng ông Bros tin rằng đó là cái giá mà EU cần phải trả khi muốn ngăn chặn sức mạnh của Putin trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ông nói: "Dù những kế hoạch đó sẽ đặt ra khó khăn đối với EU, song đó là tất cả những gì cần làm đối với cuộc chiến năng lượng này. Một cuộc chiến không thể không có mất mát và những cái giá phải trả."

Chuyên gia này cũng cho rằng EU cần phải tự xoay xở các kế hoạch của riêng mình như thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng hóa thạch và từ bỏ hẳn một số nhu cầu tiêu thụ năng lượng hóa thạch./.