Cách thức các nước huy động tài chính để tái thiết đất nước sau dich

Thứ hai, 04/10/2021 | 13:52 GMT+7

Quan sát cách làm trên thế giới có thể thấy để có được nguồn tài chính phục vụ tái thiết, lựa chọn của các nước là in tiền, vay nợ và thu thuế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Kinh tế dần được mở cửa, các nước bắt đầu lên kế hoạch tái thiết đất nước sau đại dịch COVID-19.

Quan sát cách làm trên thế giới có thể thấy để có được nguồn tài chính phục vụ tái thiết, lựa chọn của các nước là in tiền, vay nợ và thu thuế.

Trong một bài viết đăng trên tờ Tin Châu nhật báo ngày 27/9, tiến sỹ Trương Tấn Vĩ cho biết in tiền chính là sử dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ, tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra chính sách nới lỏng định lượng (QE), mỗi tháng mua 120 tỷ USD trái phiếu và chứng khoán, thực chất là bơm thêm tiền vào thị trường. Ngoài Mỹ, các nước và khu vực như Australia, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng thực thi QE.

Trên phương diện lãi suất, Mỹ, Australia, Nhật Bản và EU vẫn duy trì chính sách lãi suất thấp kỷ lục, trong đó Nhật Bản và EU duy trì lãi suất âm. Gần đây, tập đoàn bất động sản Evergrande rơi vào khủng hoảng nợ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cũng bơm 120 tỷ NDT, tương đương 18,6 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng thông qua hợp đồng mua lại đảo ngược (đây là quy trình mà PBoC sẽ mua các chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán lại trong tương lai).

Các biện pháp nêu trên có tác dụng tăng tính thanh khoản, ngăn không cho thị trường đổ vỡ, nhưng đều phải “trả giá.” Ví dụ, lãi suất thấp sẽ khiến người gửi tiền không nhận được khoản thu nhập hợp lý hay chính sách nới lỏng tiền tệ về mặt lâu dài sẽ khiến lạm phát tăng cao.

[LHQ thúc đẩy phục hồi đồng đều thông qua đầu tư vào việc làm]

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động đi lại của người dân cũng như dòng chảy hàng hóa, khiến giá phí vận chuyển, giá nguyên liệu cũng như giá hàng hóa tăng lên.

Cùng với sự gia tăng trở lại của lạm phát, các ngân hàng trung ương đành phải tính tới khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed dự kiến vào tháng 11 tới sẽ giảm bớt quy mô QE, sang năm 2022 hoặc 2023 xem xét tăng lãi suất. Thời gian biểu tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Australia gần giống với Mỹ.

Đối với các nước khác, đầu tháng Tám vừa qua, Ngân hàng trung ương Brazil đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm, lên 5,25% để kiểm soát lạm phát.

Cuối tháng Tám, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cũng quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018 từ 0,5% lên 0,75%, báo hiệu Hàn Quốc chấm dứt chính sách lãi suất siêu thấp nhằm kích thích kinh tế và ứng phó với dịch COVID-19.

Hôm 23/9, Na Uy đã trở thành nước phương Tây đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đưa ra quyết định tăng lãi suất từ 0 lên 0,25%.

Đối với Malaysia, nước này đã duy trì lãi suất thấp kỷ lục (1,75%) kể từ tháng 7/2020 để tạo điều kiện cho sự hồi phục kinh tế. Nhưng nếu Ngân hàng trung ương Malaysia tiếp tục giảm lãi suất sẽ gây áp lực giảm giá đối với đồng ringgit.

Năm 2013, khi nước Mỹ bước vào chu kỳ tăng lãi suất, Malaysia đã chứng kiến việc đồng ringgit bị trượt giá. Do đó, việc Malaysia tăng lãi suất trở lại chỉ là vấn đề thời gian.

Ngoài chính sách tiền tệ, để có tiền tái thiết đất nước sau đại dịch, các nước cũng có thể vay nợ. Ngày 10/8 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, một mặt có thể tái thiết đất nước, mặt khác mang tới thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Nhưng vay mượn khiến cho nợ công của Mỹ không ngừng tăng, hiện đã lên tới 127% GDP.

Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải có một nguồn tài chính lớn nên Mỹ phải tăng trần nợ công. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, nếu kiến nghị tăng trần nợ công không được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới, chính phủ nước này sẽ không có tiền để chi trả cho các hoạt động của mình, có thể sẽ lại lâm vào cảnh đóng cửa như từng xảy ra vào năm 2013, 2018 và 2019.

Tại Malaysia, năm ngoái, Quốc hội đã thông qua dự luật nâng trần nợ quốc gia từ 55% lên 60% GDP. Hiện nay, Chính phủ Malaysia đang có kế hoạch nâng mức trần nợ công lên 65% GDP. Nếu xem xét từ góc độ người dân, việc liên tục tăng trần nợ quốc gia không phải là việc tốt. Nhưng nếu tham chiếu trường hợp của Mỹ, trong 61 năm qua, nước này đã 78 lần tăng trần nợ quốc gia, cách làm của Malaysia chỉ được coi là sơ khởi.

Ngoài hai cách làm trên, để có nguồn tài chính tái thiết, các nước còn có thể trưng thu thuế. Đảng Dân chủ ở Mỹ đã đưa ra kiến nghị tăng thuế, bao gồm thuế doanh nghiệp, thuế phụ thu 3% đối với thu nhập cá nhân trên 5 triệu USD trở lên… Mục đích trưng thu thuế của Mỹ là nhằm tái thiết đất nước và đối tượng nhắm đến là những người thu nhập cao hoặc người giàu.

Bộ Tài chính Malaysia tiết lộ chính phủ đang thảo luận việc tăng thuế và tăng thuế thu nhập từ đầu tư vốn cũng là một trong những khả năng được tính đến.

Ngoài ra, ở Malaysia còn tồn tại ý tưởng thu thuế lợi nhuận bất ngờ (windfall profit tax) nhằm vào các doanh nghiệp thu lợi lớn trong đại dịch như các hãng sản xuất găng tay.

Trên thực tế, Australia đã áp thuế lợi nhuận bất ngờ đối với các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản được hưởng lợi từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất. Nhưng cho dù là thuế thu nhập từ đầu tư vốn hay thuế lợi nhuận bất ngờ thì có người tán thành và cũng có người phản đối.

Đối với thuế thu nhập từ đầu tư vốn, những người tán thành cho rằng việc này tạo cơ hội để người giàu trả lại cho xã hội, nhưng người phản đối lại lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư đối với kinh tế.

Đối với thuế thu nhập bất ngờ, có người thấy rằng điều đó là bất công đối với các doanh nghiệp bản địa thành công, nhưng cũng có người lại thấy rằng loại thuế này nhằm vào những người được “của trời cho,” không ảnh hưởng tới doanh nghiệp thông thường. Hơn nữa không có được sự trợ giúp của chính quyền, những doanh nghiệp này cũng không có được “của trời cho.”

Nhà triết học Robert Nozick cho rằng chỉ cần không trộm cắp, không cướp bóc, tài sản rơi vào tay ai thì thuộc về người đó. Quan điểm này giống với những người phản đối việc áp thuế thu nhập bất ngờ.

Tuy nhiên, nhà triết học John Raw lại cho rằng vận may khiến những người khác nhau nhận được đãi ngộ khác nhau, cho nên, cần phải thông qua phân phối tài nguyên để bảo đảm mọi người được hưởng đãi ngộ bình đẳng. Cách nói này dường như ủng hộ việc áp thuế thu nhập bất ngờ.

Từ đó có thể thấy tranh luận về việc áp thuế, then chốt không phải nằm ở lĩnh vực kinh tế học mà ở quan điểm đạo đức không giống nhau. Tuy các nhà kinh tế học có cách nhìn khác nhau về thuế, nhưng họ dường như có chung nhận thức, đó là để tái thiết đất nước, in tiền, vay nợ hay thu thuế đều là giải pháp tạm thời. Giải pháp lâu dài chính là làm thế nào khởi động chuyển đổi kinh tế thực sự./.

(Vietnam+)