Các quốc gia vùng Vịnh dường như đang ngả dần về Trung Quốc?

Thứ năm, 30/9/2021 | 13:51 GMT+7

Nhu cầu dầu ở châu Á tăng vọt và khi mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc, thì quan hệ Trung Quốc-vùng Vịnh ngày nay cũng thắt chặt hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: khaleejtimes.com)

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ lâu đã là một trong những đối tác Trung Đông thân thiết nhất của Washington.

UAE đầu tư mạnh vào tài sản của Mỹ, mua hàng chục tỷ USD vũ khí của Mỹ và hỗ trợ Mỹ trong các hoạt động quân sự, từ Somalia đến Afghanistan và cuộc chiến chống lại các tay súng al-Qaeda ở Yemen.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Financial Times (Anh), mối quan hệ ngày càng sâu sắc của nước này với Bắc Kinh đang tạo thêm căng thẳng cho liên minh Mỹ-UAE khi Washington có lập trường ngày càng “diều hâu” với Trung Quốc.

[Trung Quốc "tăng tốc" trong chiến lược Trung Đông-châu Phi]

Mỹ cũng lo ngại về tác động an ninh tiềm tàng của các đối tác sử dụng công nghệ Trung Quốc, chẳng hạn như mạng viễn thông 5G của tập đoàn công nghệ Huawei.

Cạnh tranh lợi ích của Mỹ-Trung sẽ là vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với UAE khi nước này chuẩn bị ngồi vào ghế chủ tịch không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 1/2022.

UAE và các quốc gia vùng Vịnh khác đã thận trọng khi đưa ra các hành động mang tính cân bằng, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên khắp Trung Đông từ hai thập kỷ trước. Bắc Kinh hiện là khách hàng mua dầu thô lớn nhất từ vùng Vịnh.

Bên cạnh đó, các nhà cầm quyền vùng Vịnh cũng nhận thức được rằng cơ sở chính trị của Mỹ đang dần xa cách với khu vực, và tâm lý này trở nên trầm trọng hơn sau cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan của Mỹ vào tháng Tám vừa qua.

Abdulkhaleq Abdulla, một giáo sư chính trị của UAE, cho biết: “Hiện xu hướng suy giảm lòng tin với Mỹ đang gia tăng từng ngày. Xu hướng nghiêng về Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên tất cả các mặt, không chỉ về kinh tế, mà cả về chính trị, quân sự và chiến lược trong những năm tới.”

Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh coi Washington là người bảo đảm an ninh cho họ, trong khi Mỹ coi họ là nhà cung cấp năng lượng toàn cầu đáng tin cậy.

Tuy nhiên, nhập khẩu dầu của Mỹ từ khu vực này đã giảm rõ rệt trong 10 năm qua do sự bùng nổ dầu đá phiến ở Bắc Mỹ.

Ngược lại, nhu cầu dầu ở châu Á tăng vọt, và khi mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc, thì quan hệ Trung Quốc-vùng Vịnh ngày nay cũng thắt chặt hơn.

Với thế hệ lãnh đạo vùng Vịnh trẻ và tham vọng đang tìm cách hiện đại hóa quốc gia của mình, họ đang tìm cách khai thác công nghệ và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc cho các thành phố thông minh, cũng như máy bay không người lái có vũ trang, hệ thống chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo.

Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ nói rằng yếu tố Trung Quốc đã trở thành một “điểm gây tranh cãi thực sự” trong quan hệ với UAE.

Nhà ngoại giao này nói: “Đây là một trong những vấn đề khiến mối quan hệ hiện tại với Abu Dhabi và các quốc gia vùng Vịnh khác trở nên khó khăn.”

Yếu tố Huawei

Các quan chức vùng Vịnh nhấn mạnh rằng Washington vẫn là đồng minh số một của họ bởi mối quan hệ an ninh và các khoản đầu tư lớn vào Mỹ.

Họ nói thêm rằng không có khả năng Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc quân sự nước ngoài thống trị trong khu vực, hoặc nhà xuất khẩu vũ khí chính cho các cường quốc vùng Vịnh.

Nhưng khi các nhà cầm quyền quyết đoán hơn ở Saudi Arabia và UAE - hai nền kinh tế lớn nhất Trung Đông và đều là các đối tác truyền thống của Mỹ - muốn đa dạng hóa quan hệ và thể hiện sức mạnh của mình thông qua các liên minh rộng lớn hơn, họ càng hướng về phía Đông.

Các quan chức cho biết đây là một lựa chọn thực dụng vì Trung Quốc cung cấp công nghệ rẻ hơn và sẵn có hơn so với các lựa chọn của phương Tây, với công nghệ mạng viễn thông 5G của tập đoàn Huawei là một ví dụ điển hình. Bắc Kinh cũng sẵn sàng bán thiết bị cho các quốc gia vùng Vịnh và không kèm theo các điều kiện chính trị.

Ảnh minh họa. (Nguồn: argaam.com)

Ali Shihabi, một nhà phân tích tại Saudi Arabia, cho biết: “Ngày càng nhiều hợp tác sẽ được thực hiện với Trung Quốc vì những lý do rõ ràng. Trước hết, người Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ và Trung Quốc không phải thông qua Quốc hội để phê chuẩn các thương vụ này. Thứ hai, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của chúng tôi và thứ ba, Trung Quốc có ảnh hưởng với Iran (đối thủ của Saudi Arabia).”

Lấy ví dụ về mối quan hệ đang “nở rộ” giữa Trung Quốc và Saudi Arabia, ông Ali Shihabi trích dẫn quyết định của Riyadh trong việc sử dụng thiết bị mạng 5G của Huawei ở Neom - dự án phát triển trị giá 500 tỷ USD của Thái tử Mohammed bin Salman để xây dựng một thành phố tương lai.

Huawei đang xây dựng cửa hàng bán lẻ ở nước ngoài lớn nhất tại vương quốc này khi Trung Quốc củng cố vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia.

Trong hai thập kỷ qua, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng từ dưới 4 tỷ USD vào năm 2001 lên 60 tỷ USD vào năm 2020, gần một nửa trong số đó là hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của Saudi Arabia cho biết, “chúng tôi không thực sự xoay trục sang Trung Quốc, nhưng chúng tôi hướng tới Trung Quốc.”

Về vấn đề thiết bị mạng 5G, quan chức này giải thích rằng Riyadh chỉ đang tận dụng những gì tốt nhất hiện có. Nếu Mỹ có những thiết bị tương tự thì Saudi Arabia có thể sẽ mua hàng của Mỹ.

Tranh giành ảnh hưởng trong khu vực

Việc Mỹ từ chối bán máy bay không người lái vũ trang cho các quốc gia vùng Vịnh đã khiến cả Riyadh và Abu Dhabi quay sang mua vũ khí từ Trung Quốc.

Sau khi Quốc vương Saudi Arabia Salman và Thái tử Mohammed hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào năm 2017, hai bên đã đạt được thỏa thuận xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái của Trung Quốc - nhà máy đầu tiên của vùng Vịnh - tại Thành phố Khoa học và Công nghệ King Abdulaziz của Saudi Arabia.

Ba năm sau, khi đại dịch COVID-19 tấn công khu vực, UAE đã tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong một nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Nhóm 42, một công ty trực thuộc nhà nước dưới sự chủ trì của cố vấn an ninh quốc gia của UAE Sheikh Tahnoon bin Zayed al-Nahyan, đã nhanh chóng thành lập liên doanh với công ty BGI của Trung Quốc để mở một phòng thí nghiệm ở Abu Dhabi và tiến hành thử nghiệm vaccine COVID-19.

Ngược lại, khi phía UAE liên hệ với tập đoàn Honeywell (Mỹ) về vấn đề mua thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), tập đoàn này đã không thể cung cấp vì lệnh cấm của Mỹ đối với xuất khẩu PPE.

Honeywell cuối cùng đã tìm nguồn cung cấp từ công ty con của mình ở Trung Quốc khi Bắc Kinh cho phép vận chuyển thiết bị đến UAE.

Sau đó, Honeywell thiết lập liên doanh với Mubadala - một quỹ đầu tư nhà nước của UAE để sản xuất thiết bị này ở quốc gia vùng Vịnh.

Khaldoon Khalifa Al Mubarak, Giám đốc điều hành của Mubadala và đại diện đặc biệt của UAE về quan hệ với Trung Quốc, nói với tờ Financial Times rằng hơn 100 tỷ USD trong số 232 tỷ USD tài sản của quỹ nhà nước đã được đầu tư vào Mỹ, trước khi nói thêm rằng họ đang tìm cách tăng đầu tư vào Trung Quốc.

Mubadala đang tìm cách tăng cường đầu tư vào công nghệ, chăm sóc sức khỏe và các ngành công nghiệp mang tính đột phá. Ông Mubarak cho biết: “Các lĩnh vực chúng tôi thích đều có quỹ đạo tăng trưởng đáng kể ở Trung Quốc.”

Một quan chức cấp cao khác của UAE nhấn mạnh rằng, mặc dù mối quan hệ với Trung Quốc rất bền chặt nhưng sẽ không gây nguy hiểm cho mối quan hệ của Abu Dhabi với Washington.

Ông nói UAE muốn làm mọi việc một cách nhanh chóng và đôi khi các cơ quan quan liêu và tập đoàn phương Tây thường tỏ ra chậm chạp và dường như không nhận thấy mối quan hệ chiến lược rõ ràng như cách mà các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc đã làm.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc với UAE sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ luôn được đưa vào xem xét thận trọng.

Ví dụ mới nhất là việc Mỹ lo ngại rằng việc bán máy bay chiến đấu F-35 cho UAE có nguy cơ khiến Trung Quốc tiếp cận với một số công nghệ quân sự mới nhất của Mỹ.

Sự hấp dẫn của Bắc Kinh

Saudi Arabia và UAE đều đã có bước đi chính thức nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ của họ với Trung Quốc trong những năm gần đây.

Vào tháng 1/2016, Bắc Kinh đã phát hành “tài liệu chính sách Arab” đầu tiên, trong đó đề cập đến nhiều khía cạnh, từ an ninh đến thương mại và chống khủng bố.

Cùng tháng, Saudi Arabia và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” để tăng cường quan hệ chính trị, văn hóa, an ninh và quân sự trong chuyến thăm của ông Tập tới vương quốc này.

Các quốc gia vùng Vịnh đang tìm cách hưởng lợi từ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Bắc Kinh, và Thái tử Mohammed - đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp cấp cao Trung Quốc-Saudi Arabia - đã liên kết BRI với chiến lược “Tầm nhìn Kinh tế 2030.”

UAE và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện,” tập trung vào quan hệ kinh tế, chuyển giao công nghệ, công nghệ thông tin và năng lượng khi Chủ tịch Trung Quốc thăm Abu Dhabi vào năm 2018.

Nhưng cũng có các khía cạnh chính trị và quân sự trong các thỏa thuận của họ, bao gồm mong muốn “tăng cường hợp tác thực tế giữa hai quân đội” trong “các lực lượng và vũ khí khác nhau, huấn luyện chung và đào tạo nhân viên và các lĩnh vực khác.”

Một báo cáo của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, được công bố vào năm ngoái, đã liệt kê UAE trong số các quốc gia mà họ tin rằng Bắc Kinh “có thể coi” là địa điểm đặt “các cơ sở hậu cần quân sự.”

Và từ quan điểm của vùng Vịnh, Trung Quốc đưa ra điều mà Mỹ và các cường quốc phương Tây khác không thể, đó là một mô hình phát triển chuyên quyền, do nhà nước lãnh đạo, phù hợp với các nhà cai trị hàng đầu của vùng Vịnh.

Một quan chức Saudi Arabia nói Saudi Arabia đang nghiên cứu các thành phố công nghiệp của Trung Quốc và xem cách họ xây dựng chúng thành công như thế nào.

Các quốc gia vùng Vịnh và Trung Quốc cũng đánh giá cao cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ.

Jonathan Fulton, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Trung Đông tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi, mô tả mối quan hệ của các cường quốc vùng Vịnh với Bắc Kinh như một “hàng rào khá tốt cho các nhà lãnh đạo vùng Vịnh.”

Trong khi các nước phương Tây có xu hướng ràng buộc các vấn đề nhân quyền hoặc hệ tư tưởng chính trị, thì Trung Quốc đã đưa nguyên tắc không can thiệp rất vững chắc này vào chính sách đối ngoại của nước này.

Ông tin rằng Mỹ vẫn có khả năng ảnh hưởng đến xu hướng quan hệ giữa Trung Quốc và vùng Vịnh, nhưng “không có cách nào Mỹ có thể ngăn điều đó xảy ra.”

Ông cũng nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ có bất kỳ sự thay đổi nào, chỉ cần nhìn vào các thị trường và dự báo về dân số có thể thấy, trọng tâm toàn cầu, trọng lực kinh tế đang liên tục di chuyển về phía Đông”./.

(Vietnam+)