Nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thứ ba, 28/9/2021 | 15:56 GMT+7

Việc Washington quyết định xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Mỹ liên quan đến lực đẩy tàu ngầm cho Australia là một tin xấu xét từ góc độ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: 9news.com.au)

Báo Le Monde (Pháp) mới đây cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược mới trong khuôn khổ “Hiệp ước AUKUS” giữa Australia, Mỹ và Anh - trong đó có việc Mỹ cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia - có thể khuyến khích các quốc gia khác muốn có được những chiếc tàu ngầm như vậy.

Việc Washington quyết định xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Mỹ liên quan đến lực đẩy tàu ngầm cho Australia là một tin xấu xét từ góc độ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Liên minh AUKUS ra đời ngày 15/9/2021 không đề cập đến vũ khí nguyên tử và theo thỏa thuận được công bố, các tàu ngầm tương lai của Australia được đưa vào hoạt động từ năm 2040 sẽ chỉ được trang bị tên lửa Tomahawk thông thường.

Tuy nhiên, việc mua bán này sẽ khiến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành nơi thứ 7 trên thế giới có các tàu ngầm tấn công hạt nhân - các nồi hơi hạt nhân trên tàu có thể cung cấp quyền tự chủ, sự kín đáo và khả năng tiếp cận tầm xa đáng kể cho các tàu chiến.

Ngoài ra, hợp đồng có thể cung cấp công nghệ sử dụng urani được làm giàu ở mức độ cao.

Theo đánh giá của Antoine Bondaz, chuyên gia Quỹ nghiên cứu chiến lược Paris (FRS), xét trên phương diện hạt nhân, châu Âu và Pháp - vốn chỉ chú ý nhiều đến Iran - nay sẽ phải đầu tư nhiều công sức hơn cho chủ đề then chốt và ngày càng phức tạp là phổ biến vũ khí hạt nhân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là khu vực có các quốc gia dễ phổ biến vũ khí hạt nhân như Triều Tiên, các thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) như Trung Quốc, các quốc gia khác không ký kết NPT như Ấn Độ và Pakistan, nhưng cũng có các quốc gia đang tranh luận về việc sở hữu vũ khí hạt nhân như Hàn Quốc.

[Những ẩn ý đằng sau liên minh mới Mỹ-Anh-Australia]

Đối với Hàn Quốc, quốc gia đang phát triển bệ phóng từ tàu ngầm và tên lửa tầm xa, rõ ràng đây là câu chuyện được đặt ra. Câu hỏi trước hết là về sức đẩy, nhưng ở đất nước này trong 10 năm qua, người dân ủng hộ phi hạt nhân hóa, hoặc bằng cách tái sử dụng vũ khí của Mỹ hoặc tự phát triển năng lực quốc gia.

Đối với chuyên gia này, việc chuyển giao công nghệ trong một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất chắc chắn đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới trong khu vực. Do đó, nguy cơ trước hết là các quốc gia khác sẽ bị kéo vào cuộc trang bị tàu ngầm hạt nhân, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. “Mỹ làm sao khước từ các đồng minh khác của mình?” Elie Tenenbaum, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), đặt câu hỏi.

Sau đó, một câu hỏi chiến lược khác được đặt ra mà các chuyên gia chưa thể trả lời: Liệu các lò phản ứng của Australia có sử dụng urani làm giàu ở mức độ cao (HEU) như Hải quân Mỹ, hay chỉ làm giàu ở mức thấp như các tàu của Pháp và Trung Quốc?

Emmanuelle Maitre, một chuyên gia về phổ biến vũ khí thuộc FRS, nhận định rằng việc nhập khẩu các lò phản ứng hạt nhân trước hết cho phép Australia lấy nguyên liệu phân hạch ra khỏi kho dự trữ dân sự và làm những gì họ muốn trong lĩnh vực quân sự, với sự kiểm soát ít hơn từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Hiện chỉ có 3 quốc gia là Mỹ, Anh và Nga sử dụng HEU cho động cơ đẩy tàu ngầm hoặc tàu sân bay. Chuyên gia này giải thích rằng “việc sử dụng HEU được lý giải là nhằm tăng hiệu suất của các lò phản ứng, nhưng bị chỉ trích vì hậu quả của nó xét ở góc độ phổ biến và an toàn hạt nhân, và việc lưu trữ liên quan đến một khối lượng lớn HEU.”

Theo ước tính của Trung tâm quốc tế về vật liệu phân hạch (IPFM), trên thế giới mức tiêu thụ HEU liên quan đến động cơ đẩy của hải quân mỗi năm lên đến 4 tấn. Vì vậy, đã có nhiều kêu gọi hạn chế sử dụng vật liệu này: Nghị quyết 1887 tháng 9/2009 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thông cáo báo chí từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2012 về an toàn hạt nhân, kết luận của Hội nghị kiểm soát NPT năm 2010.

Theo chuyên gia Emmanuelle Maitre, “tại Mỹ luôn tồn tại suy nghĩ rằng sử dụng urani làm giàu mức thấp là một sự chuyển đổi tốn kém và ít hiệu quả đối với khả năng tự chủ của các tàu ngầm và vì vậy, không có động lực mạnh mẽ để chuyển đổi. Và nếu các tàu ngầm Australia hoạt động bằng công nghệ HEU, sẽ rất khó để ngăn chặn Iran có được vật liệu làm giàu 90%.”

Vấn đề về sức đẩy của các trang thiết bị quân sự vẫn nằm ở góc chết trong NPT có hiệu lực vào năm 1970, với nhiều điều khoản chi phối mạnh mẽ hoạt động vũ trang, quyền tiếp cận năng lượng hạt nhân dân sự và chuyển giao công nghệ. Chỉ riêng vấn đề sức đẩy hạt nhân không thấy được đả động.

Tuy nhiên đã thành thông lệ, cho đến nay 6 cường quốc vừa sở hữu vũ khí vừa có tàu ngầm hạt nhân - Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh và gần đây là Ấn Độ - đều không chia sẻ năng lực này.

Đó là một phần lý do giải thích tại sao năm 2016, Australia ký thỏa thuận với đối tác Pháp, cụ thể là Tập đoàn Naval, đóng 12 tàu ngầm diesel-điện thông thường. Đây cũng là điều tương tự với trường hợp của Brazil mà Pháp đã bán được một số tàu vào năm 2009.

Thực ra, Brazil đã cố gắng phát triển một lò hơi hạt nhân bản địa cho tàu ngầm của mình nhưng không thành công. Pakistan, Israel hay Triều Tiên - những nước có vũ khí hạt nhân - cũng không làm chủ được công nghệ phức tạp của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Về phần mình, đối mặt với nỗi sợ hãi nhất là "NATO Thái Bình Dương" trong bóng dáng của liên minh AUKUS, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí nguyên tử của mình, ước tính khoảng 350 vũ khí. Bắc Kinh đã khởi động chương trình 6 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (lớp Jin, Kiểu 094), được trang bị 12 ống tên lửa.

Đã có 4/6 tàu này được triển khai hoạt động. Theo chuyên gia Hans Kristensen thuộc Quỹ các nhà khoa học Mỹ (FAS), chưa rõ các tàu này có từng mang theo vũ khí hạt nhân khi đi tuần tra hay không và nước này đang trông chờ vào thế hệ kế nhiệm T096 để đạt được khả năng tàng hình thực sự.

Tuy nhiên, sự bành trướng quân sự nói chung của Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng lo lắng đến mức cũng phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang.

Ngày 16/9, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia quân sự giấu tên khẳng định rằng chỉ những quốc gia sở hữu bom hạt nhân mới triển khai tàu ngầm hạt nhân, thứ cho phép họ tấn công đáp trả trong một cuộc xung đột nguyên tử do một cường quốc khác khai mào.

Tờ báo này tin rằng Australia đang trở thành một mục tiêu tiềm năng cho một cuộc tấn công hạt nhân: “Bắc Kinh và Moskva sẽ không coi Australia là một cường quốc phi hạt nhân vô tội mà là một đồng minh của Mỹ, có thể được trang bị vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào”./.

(Vietnam+)