Biến thể Delta “phá tan” mô hình chống COVID-19 ở Đông Á

Thứ tư, 22/9/2021 | 15:51 GMT+7

Khủng hoảng COVID-19 kéo dài và sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm thay đổi cuộc chơi và gây căng thẳng cho Đông Á, khu vực chậm chạp trong việc phát triển hoặc mua vaccine ngừa COVID-19.

Trang eastasiaforum.org, hầu hết các quốc gia ở Đông Á và châu Đại Dương đã từng giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hồi năm 2020.

Bằng cách thực thi các biện pháp nghiêm ngặt một cách nhanh chóng và hiệu quả, các quốc gia này đã hạn chế được số ca lây nhiễm và tử vong ở mức thấp hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ.

Ngay cả những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất - Indonesia và Philippines - cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu về số ca tử vong do COVID-19.

Đến mùa Hè 2021, bức tranh tích cực này đã nhạt nhòa. Khủng hoảng COVID-19 kéo dài và sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm thay đổi cuộc chơi và gây căng thẳng cho Đông Á, khu vực chậm chạp trong việc phát triển hoặc mua vaccine ngừa COVID-19.

Nhiều ca nhiễm mới tăng mạnh ở Malaysia, Mông Cổ, Thái Lan và Nhật Bản. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng vọt trên khắp khu vực so với con số của năm 2020, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia.

Mô hình chống dịch của Đông Á và châu Đại Dương được chia thành 5 nhóm, dựa trên nhiều chiến lược (ngăn chặn, khống chế, giảm thiểu), mức độ mở cửa với bên ngoài và tiêm chủng.

Nhóm thứ nhất - gồm Australia, Trung Quốc, Hong Kong, New Zealand và Đài Loan - đã theo đuổi chiến lược loại bỏ COVID-19 hoặc không có COVID-19.

Nhóm này áp dụng biện pháp kiểm soát ở mức độ cao và liên tục để ngăn virus lây lan, rất ít ca lây nhiễm trong cộng đồng và có sự ủng hộ của công chúng đối với những hành động quyết liệt của chính phủ.

Việt Nam, Brunei và Campuchia cũng từng nằm trong nhóm này cho đến tháng 7/2021 trước khi phải đối mặt với các làn sóng Delta bất ngờ tấn công trong tháng Bảy và tháng 8/2021, khiến các chính phủ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt.

Dự kiến đến tháng 10 tới, những quốc gia này mới có thể giành lại quyền kiểm soát hoặc rơi vào nhóm thứ tư.

Do thành công sớm, các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm 1 đã chậm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Thay vào đó, họ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và các chiến lược loại bỏ COVID-19 tốn kém.

Một cuộc tranh luận sôi nổi hiện đang diễn ra ở Australia, Đài Loan và Trung Quốc về tổn thất về con người và kinh tế liên quan đến phương pháp “Không COVID” của họ.

Australia hiện đang chuyển dần khỏi cách tiếp cận “Không COVID” này, còn Hong Kong cũng có thể sớm chuyển sang nhóm 2.

Nhóm thứ 2 - gồm Hàn Quốc và Singapore - đang theo đuổi chiến lược kiểm soát quyết liệt, thích ứng linh hoạt và mở cửa biên giới có mục tiêu.

Hai quốc gia này đang thực thi chiến lược kiểm soát cấp độ cao thông qua xét nghiệm đại trà, truy vết bằng công nghệ cao và kiểm dịch hiệu quả.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Singapore là nước dẫn đầu trong nhóm này, bằng việc kết hợp năng lực ngăn chặn hiệu quả với tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Á (77%).

Hàn Quốc cũng đã thành công trong cách tiếp cận này (với tổng số 45 ca tử vong/1 triệu người và chỉ có 34 ca mắc mới/1 triệu người), nhưng vẫn dễ bị tổn thương do tỷ lệ tiêm chủng thấp (37%).

Mặc dù công chúng Hàn Quốc tiếp tục đánh giá cao các hành động của chính phủ, song vẫn có 61% cho rằng xã hội đang chia rẽ hơn do COVID-19.

[Dịch COVID-19: Các nước châu Á tăng tốc trên đường đua tiêm chủng]

Nhật Bản đại diện cho cách tiếp cận thứ 3 bằng cách kết hợp chiến lược giảm thiểu, các kiểm soát của chính phủ ở cấp độ thấp và các công cụ truy vết hạn chế cùng với việc phụ thuộc nhiều vào các hạn chế giãn cách xã hội tự nguyện (còn gọi là cách tiếp cận 3C: tránh tụ tập ở các không gian khép kín trong nhà, nơi công cộng đông người và môi trường tiếp xúc gần) và một hệ thống chăm sóc y tế mạnh.

Nhật Bản đã không thể phát triển vaccine cho dù sở hữu nhiều năng lực công nghiệp cao và chậm mua vaccine.

Khi Thế vận hội Tokyo 2020 khai mạc vào ngày 23/7 vừa qua, chưa đến 1/4 dân số được tiêm đủ 2 mũi vaccine, nhưng tính đến ngày 7/9, con số này đã lên tới 49%.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi tại tỉnh Nagano, Nhật Bản, ngày 21/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thành quả phòng chống COVID-19 của Nhật Bản tốt hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng nhìn chung vẫn gây thất vọng (131 ca tử vong/1 triệu người).

Tokyo đã nỗ lực hết sức để tránh tổ chức một sự kiện Thế vận hội rầm rộ, nhưng các cuộc tụ tập xã hội trong thời gian diễn ra Thế vận hội đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Kết quả là công chúng Nhật Bản rất thất vọng: 59% ý kiến cho rằng đất nước đang bị chia rẽ nhiều hơn và 64% cho rằng chính phủ đã xử lý kém dịch COVID-19.

Sự phẫn nộ của công chúng đã đóng vai trò lớn trong việc khiến Thủ tướng Suga từ chức. Nhật Bản hầu như vẫn đóng cửa đối với đi lại quốc tế, nhưng nền kinh tế của nước này đang thể hiện sự phục hồi tích cực.

Nhóm thứ tư áp dụng phương pháp ngăn chặn sự quá tải và đảo ngược các kết quả tích cực của năm 2020.

Tại Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Mông Cổ, các lễ hội văn hóa và tôn giáo, sự mở cửa trở lại của nền kinh tế do sức ép xã hội và áp lực kinh doanh, sự xuất hiện của biến thể Delta và bất ổn chính trị đã làm suy yếu các giải pháp hiệu quả của chính phủ và gây hỗn loạn.

Trong hai tháng Bảy và Tám vừa qua, các quốc gia này đã mất kiểm soát khi các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh. Đến đầu tháng Chín, tình hình đang có một số dấu hiệu ổn định trở lại, ngoại trừ Mông Cổ.

Indonesia và Philippines đại diện cho nhóm 5 ở Đông Nam Á, nơi hệ thống chăm sóc y tế kém hơn, áp lực kinh tế và khó khăn trong việc tiếp cận vaccine đã khiến các ca bệnh gia tăng đột biến, cùng với một số xu hướng vẫn tiếp diễn từ năm 2020.

Tuy nhiên, hai quốc gia này cho đến nay vẫn duy trì được sự ổn định chính trị và tính hợp pháp.

Dựa trên dữ liệu chính thức về số ca mắc mới trên 1 triệu người (nhiều khả năng chưa được thống kê hết), cuộc chiến đối phó dịch bệnh của hai quốc gia này vẫn khả quan hơn so với Malaysia hoặc Thái Lan - vốn thay đổi đáng kể so với năm 2020.

Các phương pháp tiếp cận ở khu vực Đông Á dựa trên việc loại trừ và ngăn chặn đã được chứng minh là khó duy trì khi đối mặt với biến thể Delta và tổn thất kinh tế-xã hội ngày càng tăng. Do đó, mô hình chống COVID-19 từng được xem là một kỳ tích ở Đông Á năm 2020 đã bị vỡ tan từng mảnh vào năm 2021./.

(Vietnam+)