Vai trò của Kazakhstan trong hoạt động hỗ trợ tái thiết Afghanistan

Thứ sáu, 17/9/2021 | 17:47 GMT+7

Kazakhstan đang làm những gì có thể để giúp phái bộ Liên hợp quốc tổ chức lại bộ máy, nhưng công cuộc tái thiết Afghanistan đã được chứng minh là nhiệm vụ không dễ dàng.

Lực lượng Taliban gác trên một đường phố ở Kabul, Afghanistan, ngày 8/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, trong lúc cộng đồng quốc tế đang có những phản ứng với việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, một đề xuất đã được đưa ra là triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới Kabul để thiết lập một khu vực an toàn phục vụ các hoạt động sơ tán trong tương lai.

Trong bối cảnh hỗn loạn tiếp diễn, có thể dễ dàng quên rằng Liên hợp quốc đã có một phái bộ ở Afghanistan - Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), hiện đã tạm thời điều chuyển một số nhân sự đến Kazakhstan để tiếp tục hoạt động.

Đây không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, vì Kazakhstan có lịch sử hợp tác lâu đời và chặt chẽ với Liên hợp quốc.

Tháng 8 vừa qua, trong bối cảnh tình hình ở Afghanistan ngày càng trở nên hỗn loạn, Liên hợp quốc đã yêu cầu Kazakhstan cho phép chuyển một số nhân viên của họ đến Almaty, thủ đô tài chính của Kazakhstan, để tiếp tục công việc từ một nơi an toàn hơn.

Trên tinh thần hợp tác với Liên hợp quốc và trong khuôn khổ các nghĩa vụ của Kazakhstan đối với Liên hợp quốc, Chính phủ Kazakhstan đã chấp nhận yêu cầu này.

Báo cáo ngày 8/9 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về tình hình hiện tại đã nhấn mạnh sự chuyển giao nhân sự mang tính chiến lược này, đề cập sự hiện diện của Liên hợp quốc bên cạnh Afghanistan “thông qua việc tạm thời di dời, bao gồm một phần nhân sự,… đến Almaty, Kazakhstan, nơi họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ về tình hình Afghanistan."

Hoạt động này chính xác diễn ra như thế nào? Báo cáo ngày 23/8 của RFE/RL cho biết ít nhất 2 chuyến bay đã chở các nhân viên Liên hợp quốc, bao gồm “thành viên của một số tổ chức phi chính phủ Afghanistan, những người đã hợp tác với UNAMA và các cơ quan khác của Liên hợp quốc trong thời kỳ chiến tranh ở quốc gia Tây Nam Á bị tàn phá này."

Tháng 8 vừa qua, người đứng đầu UNAMA Deborah Lyons cho biết 60 thành viên trong nhóm của bà sẽ ở lại Kazakhstan để điều phối từ xa các hoạt động của nhóm ở Afghanistan. Trong khi đó, một thông cáo báo chí của Liên hợp quốc hôm 20/8 cho biết “khoảng 100 nhân viên Liên hợp quốc ở Afghanistan sẽ thành lập một văn phòng tạm thời tại Almaty."

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, Chính phủ Kazakhstan đang hợp tác với các nhân viên của Liên hợp quốc để giúp họ sắp xếp và trở lại làm việc. Một thông cáo báo chí ngày 18/8 của Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết việc triển khai này dự kiến sẽ kéo dài 6 tháng và “mọi chi phí cho sinh hoạt của nhân viên, thuê văn phòng, v.v. sẽ do ngân sách của Liên hợp quốc tài trợ toàn bộ."

UNAMA, một phái bộ chính trị của Liên hợp quốc mà không có lực lượng gìn giữ hòa bình nào được giao phó, vẫn chưa tiết lộ bất cứ thông tin nào về vị trí chính xác của họ ở Almaty.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev được cho là đã quyết định “đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc như một phần cam kết của Kazakhstan với tư cách là thành viên chính thức của tổ chức”, qua đó thể hiện ý muốn ủng hộ của Nur-Sultan.

[EU cam kết bổ sung viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan]

Sáng kiến này không phải là chưa từng có tiền lệ, vì quốc gia Trung Á này đặt mục tiêu trở thành một thành viên năng động của cộng đồng quốc tế và tạo dựng tên tuổi thông qua các sáng kiến giải quyết xung đột và hướng tới hòa bình.

Ví dụ, Kazakhstan từng đóng một vai trò khi nỗ lực giải quyết cuộc chiến ở Syria thông qua Tiến trình Hòa bình Astana, nhằm cung cấp một nền tảng đối thoại cho tất cả các bên xung đột. Mặc dù đáng tiếc là nỗ lực này đã không mang lại một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, nhưng điều quan trọng là duy trì các phương pháp liên lạc cởi mở.

Kazakhstan cũng đã hợp tác với các cơ quan đại diện của Liên hợp quốc bằng cách cung cấp lực lượng “Mũ nồi xanh”. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến ngày 31/7 vừa qua, có 36 binh sĩ Kazakhstan tham gia phái bộ của Liên hợp quốc ở Liban (UNIFIL) và 5 chuyên gia Kazakhstan trong phái bộ ở Tây Sahara (MINURSO). Kazakhstan là quốc gia khu vực duy nhất giành được ghế không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2017-2018).

Về vai trò của Kazakhstan tại Afghanistan trong những tháng gần đây, các máy bay của Không quân Kazakhstan được cho là đã sơ tán các nhà ngoại giao Kazakhstan ở Kabul cùng với 14 công dân Kyrgyzstan, một công dân Nga và một công dân Litva (người đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan ngoại giao Kazakhstan).

Ngoài ra, Kazakhstan và Uzbekistan cũng là những quốc gia tiếp nhận một số lượng lớn người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ trẻ, theo học các chương trình giáo dục đại học. Một trong nhiều câu hỏi chưa được giải đáp là tương lai của các chương trình giáo dục do Liên hợp quốc tài trợ này sẽ ra sao.

Khi tình hình trên thực địa vẫn căng thẳng và bạo lực vẫn tiếp diễn, các nhân viên nhân đạo quốc tế ở lại Afghanistan để tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan gặp khó khăn.

Do đó, văn phòng tạm thời từ xa ở Almaty sẽ là trung tâm liên lạc và điều phối quan trọng hỗ trợ các nhân viên của UNAMA trong những tháng tới, trong khi khả năng hoạt động của một phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Afghanistan đang được thảo luận.

Khi thế giới thích nghi với một Afghanistan “mới”, có rất nhiều việc phải làm để giúp đỡ những người Afghanistan đang gặp khó khăn; từ trụ sở tạm thời ở Almaty, UNAMA sẽ tiếp tục làm việc để hướng tới mục tiêu này.

Tình hình ở Afghanistan rõ ràng đã trở thành một bài kiểm tra thực sự đối với cộng đồng quốc tế về mức độ sẵn sàng ủng hộ các giá trị dân chủ và các nguyên tắc tương trợ lẫn nhau.

Kazakhstan đang làm những gì có thể để giúp phái bộ Liên hợp quốc tổ chức lại bộ máy, nhưng công cuộc tái thiết Afghanistan đã được chứng minh là nhiệm vụ không dễ dàng./.

(Vietnam+)