Chuyên gia Israel lo ngại Taliban lan truyền tư tưởng cực đoan

Thứ sáu, 10/9/2021 | 14:32 GMT+7

Giáo sư Uzi Rabi bày tỏ lo ngại việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan sẽ truyền cảm hứng cực đoan cho các tổ chức khủng bố trong khu vực như IS, al-Qaeda và phong trào Hồi giáo Hamas.

Các tay súng và phiến quân Taliban trên một ngọn đồi tại Maydan Shahr thuộc tỉnh Wardak, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc lực lượng Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và tuyên bố sớm thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo” đã làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ tái hiện tư tưởng cực đoan và khủng bố tại Trung Đông, trong đó Israel là một trong những quốc gia lo ngại nhất.

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Uzi Rabi, Giám đốc Trung tâm Moshe Dayan nghiên cứu Trung Đông, châu Phi thuộc trường Đại học Tel Aviv về vấn đề này.

Trong các ngày 24-27/8 vừa qua, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã thăm Mỹ. Cuộc hội đàm trực tiếp của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải lùi lại 1 ngày do xảy ra vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại sân bay Kabul của Afghanistan.

Hơn 100 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom này, hầu hết là dân thường. Ước tính trong vòng 1 tháng qua, hơn 1.100 người dân tại các nước có cộng đồng Hồi giáo đã thiệt mạng vì các vụ tấn công khủng bố. Trước đó vài ngày, 36 người bị sát hại tại Nigieria. 80 người khác thiệt mạng tại Burkina Faso vì những kẻ mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Tại Israel, một số nhà quan sát lo ngại sự trỗi dậy của Taliban tại Afghanistan sẽ kích động các phong trào thánh chiến trong khu vực, nhất là lực lượng Hamas đang kiểm soát Dải Gaza, một tổ chức mà Israel vẫn coi là “khủng bố.”

Là một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo, Hamas có tư tưởng thiết lập một vương quốc Hồi giáo bao gồm “các nước Mỹ lớn và nhỏ,” hàm ý sẽ thống trị cả Mỹ và Israel.

[Taliban kêu gọi các lực lượng cũ hòa nhập chế độ mới]

Về vấn đề này, Giáo sư Uzi Rabi bày tỏ lo ngại việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan sẽ truyền cảm hứng cực đoan cho các tổ chức khủng bố trong khu vực như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), al-Qaeda và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.

Trên thực tế, Taliban đã 2 lần giành quyền kiểm soát Afghanistan, lần đầu tiên là giai đoạn 1996-2001 và lần thứ 2 là từ tháng 8/2021. Đây là tín hiệu xấu đối với cả thế giới, đặc biệt là người dân Afghanistan và những người mong muốn khu vực Trung Đông-Trung Á trở nên hòa bình hơn khi các quốc gia tích cực đối thoại với nhau.

Khi Mỹ rút đi, người dân Afghanistan đang hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn thì Taliban xuất hiện và kéo lịch sử của quốc gia Trung Nam Á vào giai đoạn tồi tệ mới.

Theo Giáo sư Uzi Rabi, dự báo đây sẽ là chương đen tối mới trong lịch sử Afghanistan khi Taliban chủ trương lãnh đạo đất nước bằng tôn giáo và cố gắng thiết lập một mô hình tôn giáo chính trị tại Afghanistan. Điều này không có lợi cho người dân Afghanistan bởi Taliban không biết cách điều hành nhà nước và xã hội, chỉ hô hào những câu khẩu hiệu cũ và cuối cùng sẽ đưa tất cả tới thảm họa.

Chiến thắng của Taliban trước quân chính phủ Afghanistan được nhìn nhận dưới góc độ đây là những kẻ cực đoan đang đánh bại nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là các tổ chức như IS, al-Qaeda, Hamas và các nhóm vũ trang khác sẽ khiến dư luận có cảm giác tiêu cực hơn. Việc lan truyền ‎ý thức hệ của các nhóm cực đoan này cũng sẽ gây hại cho khu vực Trung Đông.

Afghanistan có khoảng cách tương đối xa so với Israel, nhưng việc Taliban lên nắm quyền ở Kabul là tín hiệu xấu đối với Israel cũng như các quốc gia Arập ôn hòa. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để có thể đánh giá những tác động của sự kiện này đối với Israel.

Thực tế là Taliban sẽ điều hành Afghanistan trong thời gian tới, mặc dù có một số phong trào nổi dậy khác nhưng chưa có một đảng phái chính trị nào có khả năng tập hợp họ lại.

Trong số các siêu cường thế giới cũng chưa có quốc gia nào có thể can thiệp để thay đổi tình hình hiện nay tại Afghanistan. Hy vọng Nga, Trung Quốc và châu Âu sẽ dàn xếp về tình hình Afghanistan, và Taliban sẽ bị quốc tế trừng phạt, cuố cùng đi đến sụp đổ.

Tuy nhiên, vấn đề là hiện không có cường quốc nào có ý định và đủ kiên nhẫn giải quyết vấn đề Afghanistan. Mỹ đã hiện diện ở Afghanistan gần 20 năm và đã chi hàng nghìn tỷ USD nhưng không mang lại hiệu quả. Quân đội Afghanistan đã tan rã nhanh chóng trước sức tấn công của Taliban.

Giáo sư Rabi cho rằng điều Taliban cần làm là đối thoại với nhiều quốc gia nhằm tìm kiếm viện trợ về kinh tế bởi Afghanistan là một quốc gia vô cùng nghèo khó sau nhiều năm chiến tranh.

Taliban cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nội bộ của đất nước và phong trào này không phải là một đảng phái chính trị có thể mang lại lối thoát cho người dân Afghanistan.

Nhận định về mối liên quan giữa Afghanistan và Iran, Giáo sư Rabi cho rằng hiện vẫn chưa rõ vai trò của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran bởi Iran là quốc gia theo dòng Shi'ite, còn Taliban theo dòng Sunni, chắc chắn có khác biệt giữa 2 dòng Hồi giáo này.

Tuy nhiên, hai bên có thể sẽ có sự giao lưu về kinh tế. Sự kiện tại Afghanistan là vấn đề rất đáng quan ngại đối với Israel và nước này cần phải phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để loại trừ những nguy cơ (mối đe dọa Iran) đối với sự tồn tại của Nhà nước Do Thái./.

(Vietnam+)