Điểm mạnh và điểm yếu của châu Âu trong thế giới ngày nay

Thứ tư, 08/9/2021 | 07:06 GMT+7

Nếu châu Âu muốn củng cố vị thế toàn cầu của mình, họ phải học cách sống theo châm ngôn sau: EU mạnh hơn với tư cách một khối thống nhất.

Ảnh minh họa. (Nguồn: aa.com.tr)

Theo trang project-syndicate.org, châu Âu không được ngừng tự mãn qua việc chấp nhận chủ nghĩa suy tàn. Thay vì cam chịu trước sự suy tàn không thể tránh khỏi, châu Âu nên công nhận và tôn vinh những điểm mạnh của mình, thừa nhận rằng sự vĩ đại của họ là ở chỗ họ hoạt động hiệu quả hơn với tư cách là một khối thay vì từng quốc gia đơn lẻ.

Câu chuyện đang trở thành một phép ẩn dụ: Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào cuộc chiến giành vị thế bá chủ toàn cầu trong vô số lĩnh vực như công nghệ, thương mại, quốc phòng, không gian mạng và thậm chí cả ngoài không gian.

Rất ít chuyên gia đặt câu hỏi về sự đồng thuận chung rằng quan hệ Trung-Mỹ sẽ định hình lịch sử của thế kỷ XXI. Nhưng việc phân tích bối cảnh địa chính trị ngày nay như một sản phẩm thứ cấp của cuộc đua song mã thì quá đơn giản và cổ hủ.

Thế giới của chúng ta được mô tả không chỉ bằng hai màu đen và trắng, mà như một kính vạn hoa với các mô hình dịch chuyển. Một trong những màu sắc chủ đạo là Liên minh châu Âu (EU).

Trong môi trường quốc tế hiện nay, EU ít được chú ý hơn so với mức độ mà lẽ ra họ đáng được nhận nhưng lại nhiều hơn những gì họ nghĩ.

Đúng vậy, châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn và điện toán lượng tử.

[Cơ hội cho sự tự chủ chiến lược và có nhiều tiếng nói hơn của châu Âu]

Khi EU nói chuyện với phần còn lại của thế giới, bài diễn thuyết của họ thường nghe giống như một bản tạp âm hơn là bản giao hưởng. Những đoạn hòa âm hiếm hoi thường nghe không rõ. Và nhiều công dân của khối, có lẽ còn nuối tiếc thời kỳ châu Âu là mảnh đất của các cường quốc không thể tranh cãi trên thế giới, giờ đây có xu hướng coi thường những đóng góp của EU và coi thường khả năng điều động của khối.

Nhưng người châu Âu nên tin tưởng vào chính họ nhiều hơn. Ngay cả những người hoài nghi cũng phải thừa nhận rằng, ít nhất châu Âu đã thành lập một thị trường chung duy nhất với những quy định phụ thuộc hoàn toàn vào các thể chế của EU.

Tuy nhiên, trong khi tác động thương mại của EU vì thế được đo lường ở dạng tổng hợp, các khuôn khổ phân tích truyền thống lại mang lại ưu thế cho các quốc gia.

Cách tiếp cận này, cùng với “chiến tranh thương mại” Trung-Mỹ, đã khiến chúng ta phóng đại sức nặng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, gây tổn hại cho châu Âu.

Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào sự thật. EU là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu lớn thứ hai (chỉ sau Mỹ một chút). Về dịch vụ, châu Âu dẫn đầu về cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Ngoài ra, EU còn sánh ngang với Mỹ và bỏ xa Trung Quốc với tư cách vừa là nhà cung cấp vừa là nơi tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (không bao gồm đầu tư giữa các quốc gia thành viên). Và khi nói đến hỗ trợ phát triển chính thức, EU dẫn đầu rõ ràng, với tổng số vốn đầu tư lớn hơn gấp đôi so với Mỹ.

Một chỉ trích phổ biến đối với EU là khối này thiếu “quyền lực cứng.” Câu chuyện phần nào đúng như vậy. Rốt cuộc, EU không bao giờ có ý định trở thành một liên minh quân sự; họ không phải là NATO. Sự thất bại ở Afghanistan nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố khả năng quân sự của châu Âu, vốn vẫn còn quá phân mảnh và phụ thuộc vào Mỹ. Nhưng chúng chắc chắn là không liên quan, bằng chứng là châu Âu đã triển khai rất nhiều lực lượng quân sự ở nước ngoài.

Hơn nữa, chúng ta không nên bỏ qua khía cạnh kinh tế của quyền lực “cứng.” Nói chung, về danh nghĩa, EU chứ không phải Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thêm vào đó là các mối quan hệ thương mại và đầu tư, và EU không cần ghen tị với các đối thủ cạnh tranh của mình.

Đối với “quyền lực mềm” bao gồm sức hút và tính thuyết phục, điều đó có vẻ quá xa xỉ để tính đến trong bối cảnh toàn cầu được đánh dấu bằng những căng thẳng địa chính trị rõ rệt. Nhưng quyền lực mềm phản ánh các xu hướng chính trị, xã hội và kinh tế quyết định kết quả hoạt động ngắn hạn và dài hạn của bất kỳ quốc gia hoặc khối nào. Trong trường hợp này, EU cũng có vẻ đang hoạt động hiệu quả.

Chỉ số “quyền lực mềm” 30 (Soft Power 30) đánh giá các quốc gia theo 6 hạng mục: phạm vi tiếp cận và sức hấp dẫn về văn hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và năng lực ngoại giao kỹ thuật số, nguồn nhân lực và sức hấp dẫn giáo dục, mức độ thân thiện với doanh nghiệp và năng lực đổi mới, mạng lưới ngoại giao và chất lượng của các thể chế chính trị.

Theo thước đo này, 5 trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách - và 16 trong top 30 quốc gia hàng đầu - là thành viên của EU. Mỹ xếp với vị trí thứ 5 và Trung Quốc đứng thứ 27.

Đó là vào năm 2019, khi danh sách được tổng hợp lần cuối cho đến nay. Hiện nay, chỉ số tương tự chắc chắn sẽ xem xét nhiều hơn đến một thước đo quan trọng khác là sức khỏe cộng đồng. Và trong khi EU, với hệ thống y tế hàng đầu thế giới, đã phải chống đỡ nhiều hơn dự kiến từ đại dịch COVID-19, chiến dịch tiêm chủng của họ vẫn đang tiếp tục với tốc độ ổn định.

Mặc dù khởi đầu chậm, tỷ lệ tiêm chủng ở 4 quốc gia đông dân nhất trong EU-Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha - hiện đã vượt Mỹ. Và các cam kết của châu Âu trong việc cung cấp vaccine cho phần còn lại của thế giới ngày càng tăng. Ngoài ra còn có quỹ hồi phục sau COVID-19 khổng lồ và thành quả chống dịch của EU bắt đầu có vẻ đáng nể hơn.

EU cũng đang thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu trong các lĩnh vực quan trọng khác, đặc biệt là quá trình chuyển đổi xanh. EU lâu nay vẫn đi đầu trong các quy định về môi trường.

Ủy ban châu Âu mới đây đã công bố cái gọi là “Fit for 55”, một chiến lược nhằm giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 (so với mức của năm 1990). Nếu được thông qua, Fit for 55 rất có thể sẽ định hình các quy tắc và tiêu chuẩn đối với phần còn lại của thế giới, qua cái mà Anu Bradford của Đại học Columbia gọi là “hiệu ứng Brussels.”

Hiệu ứng này minh chứng cho phương thức hoạt động của EU: hoạt động đằng sau hậu trường để mang lại sự thay đổi có thể cảm nhận được, nếu không nhất thiết phải nhìn thấy.

Mặc dù châu Âu tiếp tục ở vị trí dễ bị tổn thương trong một số chuỗi cung ứng toàn cầu và mặc dù đã bỏ qua một số xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến EU (chẳng hạn như ở Syria và Libya), tác động của nó là không đáng kể.

Thế giới có xu hướng đánh giá cao - mặc dù âm thầm - ảnh hưởng của EU, vì chính sách của khối này thường dựa trên các biện pháp khuyến khích hơn là trừng phạt. Hơn nữa, ảnh hưởng của khối bắt nguồn từ cách tiếp cận đa phương và hợp tác. Và ảnh hưởng của họ đang phá vỡ sự kìm hãm ngột ngạt từ cuộc tranh giành Trung-Mỹ đối với hệ thống toàn cầu.

Châu Âu không cần tránh sự tự mãn bằng cách chấp nhận chủ nghĩa suy tàn, mà là bằng cách đánh giá cân bằng điểm mạnh và điểm yếu của mình. Màn trình diễn xuất sắc của các vận động viên của châu Âu tại Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2021 nhắc nhở chúng ta rằng châu Âu vẫn là một thế lực cần được tính đến. Và nếu châu Âu muốn củng cố vị thế toàn cầu của mình, họ phải học cách sống theo châm ngôn sau: EU mạnh hơn với tư cách một khối thống nhất./.

(Vietnam+)