Đi tìm lời giải cho bài toán người tị nạn Afghanistan

Chủ nhật, 05/9/2021 | 16:15 GMT+7

Taliban lần đầu tiên kêu gọi thống nhất, yêu cầu các lãnh đạo thuyết phục người dân không rời khỏi Afghanistan trong bối cảnh hỗn loạn tại sân bay, các cuộc biểu tình và bạo lực.

Người dân tập trung tại sân bay quốc tế Kabul chờ được sơ tán khỏi Afghanistan. (Ảnh: AP/TTXVN)

Theo Reuters, tốc độ chiếm Afghanistan nhanh chóng của phiến quân Hồi giáo Taliban giữa lúc Mỹ và quân đội các nước khác đang rút quân đã khiến các lực lượng nước ngoài này ngạc nhiên.

Tiếp cận các khoảng trống quyền lực mà phương Tây để lại, Taliban lần đầu tiên kêu gọi thống nhất trước các buổi cầu nguyện hôm 20/8, yêu cầu các lãnh đạo thuyết phục người dân không rời khỏi Afghanistan trong bối cảnh hỗn loạn tại sân bay, các cuộc biểu tình và bạo lực.

Hỗn loạn tiềm tàng

Trước đó, hôm 19/8, Reuters cũng dẫn tin từ một nhân chứng về việc nhiều người đã thiệt mạng ở phía Đông thành phố Asadabad khi các tay súng Taliban xả súng vào một đám đông thể hiện lòng trung thành với nước cộng hòa Afghanistan.

Ít nhất hai thành phố khác là Jalalabad và Khost ở phía Đông cũng gặp những thách thức tương tự khi người Afghanistan tổ chức lễ kỷ niệm quốc gia độc lập năm 1919 khỏi sự kiểm soát của Anh để trút giận lên sự tiếp quản của Taliban.

Reuters cũng dẫn nguồn tin từ một quan chức NATO ngày 20/8 cho biết, đã di tản hơn 18.000 người khỏi Kabul kể từ khi Taliban tiếp quản thủ đô của Afghanistan, cam kết tăng gấp đôi nỗ lực sơ tán khi ngày càng có nhiều chỉ trích về cách xử lý khủng hoảng của phương Tây.

Sự chỉ trích NATO và các cường quốc phương Tây khác đang ngày tăng khi những hình ảnh về tình trạng hỗn loạn và nỗi sợ hãi tuyệt vọng đối với sự cai trị của Taliban được chia sẻ trên khắp thế giới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với NBC News (Mỹ), Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ đã “tập trung cao độ” vào “khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố” từ một nhóm như Nhà nước Hồi giáo (IS) trong quá trình sơ tán.

Truyền thông Anh đưa tin các lãnh đạo tình báo nước này có thể phải đối mặt với việc bị truy vấn về thất bại của hoạt động tình báo. Một số quan chức Anh hiện vẫn trong kỳ nghỉ khi cuộc khủng hoảng ở Afghanistan nổ ra và Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab đã bị chỉ trích dữ dội vì phản ứng ban đầu của ông đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Chính phủ Đức và Australia cũng phải đối mặt với những lời kêu gọi hành động tích cực hơn nữa và đẩy nhanh việc sơ tán công dân và những người Afghanistan đang lo sợ có thể bị Taliban trả thù.

Ngày 19/8 các ngoại trưởng G7 kêu gọi một phản ứng quốc tế thống nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Các nước, trong đó có Nga, đều hưởng ứng lời kêu gọi này.

[Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc họp phiên đặc biệt về Afghanistan]

Tuy nhiên, báo Le Monde (Pháp) khi đề cập tới dòng người tị nạn Afghanistan đã nhấn mạnh tới sự đối lập trong - ngoài tại sân bay Kabul: bên trong sân bay, tình hình an ninh do 6.000 lính Mỹ bảo đảm, còn những ngả đường dẫn đến sân bay lại do Taliban kiểm soát với rất nhiều chốt kiểm tra.

Đồng thời, Le Monde cũng cho rằng việc Pháp và châu Âu tiếp nhận người tị nạn bị Taliban đe dọa phải được bảo đảm thông qua các công ước quốc tế, chứ không phải trở thành nạn nhân của những tính toán về tranh cử.

EU chần chừ

Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/8 đã kêu gọi các nước thành viên đón nhận nhiều người tị nạn Afghanistan hơn dự kiến và ngưng trục xuất về Afghanistan những di dân hiện giờ đã đến châu Âu.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) kêu gọi việc cấm đưa người Afghanistan trở lại các tình huống nguy hiểm và nhắc nhở các nhà nước về “trách nhiệm pháp lý và đạo đức” trong việc cho phép đến lãnh thổ các nước những người đã phải chạy trốn khỏi Afghanistan để tìm kiếm sự an toàn và không trục xuất người tị nạn, cho đến khi nào “tình hình an ninh, Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền được cải thiện” đủ để người dân Afghanistan hồi hương an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm.

Đài RFI lại nhấn mạnh tới việc EU không đạt được đồng thuận về vấn đề di dân như thỏa thuận. Đan Mạch, Bỉ và các nước thuộc nhóm Visegrad (Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia) có thái độ chống đối kịch liệt đối với bất kỳ chính sách di cư nào. Còn Slovenia, hiện là chủ tịch luân phiên EU, không muốn có bất kỳ cuộc tranh luận nào về vấn đề tị nạn hoặc nhập cư.

Riêng tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã ủng hộ mạnh mẽ, chào đón không chỉ những người Afghanistan làm việc cho quân đội hoặc đại sứ quán, mà còn cả những nhà bảo vệ nhân quyền, nghệ sĩ, nhà báo có thể bị đe dọa vì các hoạt động của họ.

Tổng thống Macron gọi đó là “niềm vinh dự của nước Pháp” khi được “sát cánh với những người chia sẻ các giá trị” của nước Pháp. Thế nhưng, cũng trong bài phát biểu đó, một ngày sau khi thủ đô Kabul thất thủ, ông Macron lại có những lời lẽ rất cứng rắn về việc Pháp và châu Âu phải đề phòng những luồng di dân ồ ạt, bất hợp pháp.

Tờ Le Monde đánh giá, thái độ của ông Macron chắc chắn bị ảnh hưởng do nước Pháp sắp bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022. Một số hiệp hội bảo vệ nhân quyền tố cáo những phát biểu của tổng thống “không xứng đáng” với truyền thống tiếp nhận di dân và người tị nạn của Pháp.

Le Monde nhấn mạnh cả Tổng thống Emmanuel Macron, nước Pháp và châu Âu cần ghi nhớ những thực tế sau: Thứ nhất, tất cả mọi người đều thích sống ở quê nhà hơn và chỉ có 1% nhân loại hiện giờ đang phải di cư hoặc sống tị nạn ở nước ngoài.

Thứ hai, những người Afghanistan bị Taliban đe dọa là những người hoàn toàn có quyền và có nhiều quyền nhất để xin tị nạn ở nước ngoài. Quyền này được luật pháp quốc tế, Công ước Geneva và nhiều văn bản của EU bảo vệ. Tiếp nhận những người Afghanistan có nguy cơ bị truy bức vì thế không chỉ là vấn đề manh tính nhân đạo, mà còn là một nghĩa vụ.

Balkan rộng mở

Nhật báo Libération (Pháp) ngày 20/8 lại phản ánh việc các nước vùng Balkan như Albania, Bắc Macedonia và Kosovo là những nước đầu tiên tình nguyện đón những người Afghanistan chạy trốn khỏi đất nước của họ vì lý do chính trị.

Tờ báo Pháp cho rằng đằng sau quyết định này là truyền thống hiếu khách lâu đời và mong muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ. Tuy chưa nắm được số lượng người được tiếp đón chính thức hay ngày đến của họ vì kế hoạch thay đổi liên tục, nhưng Albania, Bắc Macedonia và Kosovo đã cam kết chào đón họ theo yêu cầu của Washington. Giải pháp này được cho là tạm thời, trong khi chờ tiến hành thủ tục nhập cư của người Afghanistan đến Mỹ, có thể sẽ mất ít nhất một năm.

Khi Kabul thất thủ hôm 15/8, Thủ tướng Albani Edi Rama cho biết: “Trong những ngày gần đây, chính phủ Mỹ đã hỏi chúng tôi liệu có thể đóng vai trò là quốc gia trung chuyển để đón những người tị nạn chính trị Afghanistan, và để sau đó họ sẽ nhập cảnh vào Mỹ hay không? Tất nhiên là chúng tôi không từ chối.”

Albania dự kiến đón đợt đầu khoảng 250 người và đã chuẩn bị sẵn nơi để những người tị nạn tá túc ở các ký túc xá ở Tirana, Durrës và Berat. Bắc Macedonia cũng dự kiến tiếp nhận khoảng 400 người tị nạn tại các khách sạn và trung tâm nghỉ dưỡng.

Hiện chưa rõ số lượng người sẽ tới Kosovo, nhưng nước này cho biết sẵn sàng chào đón tới 10.000 người tại các căn cứ quân sự cũ của NATO.

Trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani khẳng định: “Không ai hiểu rõ hơn chúng tôi về ý nghĩa của việc bị buộc phải rời bỏ quê hương bằng vũ lực, bị chia cắt khỏi những người bạn yêu thương, buộc phải chạy trốn vì cuộc sống của mình.”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC, bà kêu gọi tất cả các nền dân chủ giải cứu những người Afghanistan bị buộc phải lưu vong, với một lập luận không thể thuyết phục hơn: “Nếu Kosovo, một quốc gia nhỏ bé ở Balkan, làm được điều này thì các nước khác cũng có thể làm được.”

Lý do của sự giúp đỡ này một phần cũng là vì những nét tương đồng về văn hóa và lịch sử. Sau các cuộc nội chiến tàn phá khu vực vào những năm 1990, người dân của ba quốc gia này (chủ yếu là người Hồi giáo ở Kosovo và Albania) rất cảm thông với hoàn cảnh của những người tị nạn.

Ngoài ra, Albania, Kosovo và Bắc Macedonia, cũng có lợi ích ngoại giao trong việc đáp ứng tích cực các yêu cầu của Washington, đồng minh trung thành nhất của họ.

Libération nhấn mạnh vào thời điểm mà đối với cả ba nước, mong muốn gia nhập EU dường như trở nên xa vời hơn bao giờ hết, cuộc khủng hoảng Afghanistan là một cơ hội hoàn hảo để tăng cường quan hệ với đồng minh Mỹ./.

(Vietnam+)