Cuộc cạnh tranh giành vị trí trên “bàn cờ” mới ở Afghanistan

Thứ bảy, 04/9/2021 | 17:00 GMT+7

Khi Taliban trở lại nắm quyền cai trị Afghanistan, cuộc cạnh tranh mới nhằm kiểm soát quốc gia có vị trí chiến lược và không giáp biển này xuất hiện người chơi mới: Pakistan và Trung Quốc.

Theo Reuters, vào thế kỷ 19, các đế quốc Nga và Anh đã đưa quân đến Afghanistan, và sang thế kỷ 20 đến lượt Liên Xô và Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến hao người tốn của ở quốc gia Tây Nam Á này.

Khi Taliban trở lại nắm quyền cai trị quốc gia có vị trí chiến lược và không giáp biển này, cuộc cạnh tranh mới nhằm kiểm soát Trung Á xuất hiện người chơi mới: Pakistan và đồng minh của họ là Trung Quốc - gã khổng lồ châu Á đang tìm cách củng cố vị thế trong khu vực.

Pakistan có mối quan hệ chặt chẽ với Taliban và bị cáo buộc ủng hộ lực lượng chính trị và quân sự Hồi giáo cực đoan này trong cuộc chiến giữa nhóm này với chính phủ ở Kabul do Mỹ hậu thuẫn - những cáo buộc bị Islamabad bác bỏ.

Khi Taliban chiếm được Kabul hồi tuần trước, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố người Afghanistan đã phá bỏ “xiềng xích của chế độ nô lệ.”

Khi Taliban tiến hành các cuộc thảo luận để quyết định mô hình chính phủ của họ, các phương tiện truyền thông cho biết một số quan chức Pakistan có liên quan đến tiến trình này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết Islamabad muốn có một dàn xếp chính trị toàn diện ở Afghanistan để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực, nhưng cũng nói thêm rằng “vai trò chủ chốt vẫn thuộc về người Afghanistan.”

Trung Quốc, trước đó không can dự vào Afghanistan nhưng có liên minh mạnh mẽ với Pakistan, đã chìa "cành ôliu" cho Taliban, một phần do bị cám dỗ bởi nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của quốc gia Nam Á, đặc biệt là trữ lượng lớn lithium.

Trung Quốc cũng đang xem xét khả năng tăng cường an ninh cho tuyến đường bộ nhỏ hẹp qua dãy núi Karakoram tới Pakistan.

Tiếp đến là Ấn Độ - kẻ thù truyền kiếp của Pakistan, vốn đang bị mắc kẹt trong các cuộc đụng độ quân sự với Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước hơn một năm qua.

Ấn Độ là nước ủng hộ mạnh mẽ chế độ vừa bị lật đổ ở Kabul, và khi cả Pakistan và Trung Quốc đều trở thành những người đóng vai trò quan trọng ở một Afghanistan do Taliban cai trị, mối lo ngại của New Delhi ngày càng tăng.

Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết mục tiêu chính của họ khi tiếp cận Taliban là bảo vệ khu vực phía Tây Tân Cương trước các chiến binh thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) chống Bắc Kinh.

["Lò lửa" mới ở Afghanistan đe dọa tới an ninh, ổn định tại khu vực]

Lực lượng này có thể tìm kiếm nơi ẩn náu bên trong lãnh thổ Afghanistan. Zhang Li, Giáo sư nghiên cứu về Nam Á tại trường Đại học Tứ Xuyên, nhận định: “Cho dù Pakistan có thể nghĩ đến việc lợi dụng Afghanistan để chống Ấn Độ, nhưng điều này không nhất thiết đúng với trường hợp Trung Quốc. Mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là Taliban xây dựng một chế độ ôn hòa và có sự tham gia của các phe phái khác nhau để chủ nghĩa khủng bố không tràn sang Tân Cương và khu vực. Bất cứ tính toán nào khác vẫn đang được xem xét.”

Chính phủ Mỹ cho biết ETIM không còn tồn tại như một tổ chức chính thức và thay vào đó là một cụm từ không chính xác được Trung Quốc sử dụng rộng rãi để đàn áp nhiều nhóm sắc tộc Hồi giáo, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, ở khu vực Tân Cương.

Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc ngược đãi đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo ở tỉnh tự trị này.

Lực lượng Taliban tuần tra bên ngoài cổng chính của sân bay Kabul ngày 28/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, cho rằng Trung Quốc có khả năng cung cấp 2 thứ mà Taliban cần để cai trị Afghanistan: sự công nhận ngoại giao, và sự trợ giúp về cơ sở hạ tầng tối cần thiết cũng như sự hỗ trợ về kinh tế.

“Một Trung Quốc cơ hội chắc chắn sẽ khai thác sơ hở mới để xâm nhập chiến lược vào Afghanistan giàu khoáng sản và thâm nhập sâu hơn vào Pakistan, Iran và Trung Á.”

Những kỷ niệm đắng

Raza Ahmad Rumi, nhà bình luận chính trị và là giảng viên tại trường Đại học Ithaca ở New York, cho biết ở Pakistan có rất nhiều người vui mừng về tình thế khó xử của Ấn Độ trước việc Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan.

Hai quốc gia láng giếng ở Nam Á này đã trải qua 3 cuộc chiến tranh kể từ khi trở thành các quốc gia độc lập sau khi tiểu lục địa bị chia cắt vào năm 1947.

Rumi nói: “Sự hân hoan ở Pakistan, xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền hình, phần lớn liên quan đến sự mất ảnh hưởng của Ấn Độ, khi các phe phái chính trị chính thống coi mối liên hệ chặt chẽ của Ashraf Ghani (Tổng thống bị lật đổ của Afghanistan) với Ấn Độ là một mối đe dọa.”

Ấn Độ có những ký ức cay đắng về thời kỳ Taliban nắm quyền từ năm 1996 đến năm 2001 và các mối quan hệ của phong trào Hồi giáo này với Pakistan.

Năm 1999, một chiếc máy bay của Hãng hàng không Ấn Độ đã bị không tặc và phải hạ cánh xuống Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Cuối cùng New Delhi đã phải trả tự do cho 3 chiến binh cấp cao của Pakistan để đổi lấy các hành khách và Taliban đã cho phép những tên không tặc và các tù binh được thả đến Pakistan.

Jayant Prasad, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Kabul, nói: “Lập trường của chúng tôi hiện nay là điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Chúng tôi phải chơi ván cờ lâu dài ở Afghanistan. Chúng tôi không có biên giới tiếp giáp với Afghanistan nhưng chúng tôi có lợi ích ở đó.”

Các nguồn tin ngoại giao ở New Delhi cho biết trong năm qua, khi Taliban nổi lên như một lực lượng thống trị và các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian bắt đầu diễn ra ở Doha (Qatar), các nhà ngoại giao Ấn Độ đã mở rộng quan hệ với nhóm Hồi giáo này.

Một quan chức ngoại giao nói rằng Delhi “đối thoại với tất cả các bên liên quan,” nhưng từ chối đi sâu vào chi tiết của các cuộc thảo luận.

Ở Ấn Độ đã xuất hiện những lời chỉ trích về việc nước này đã bỏ tất cả trứng vào giỏ của chính phủ Ghani khi Mỹ bắt đầu đàm phán với Taliban, và rằng New Delhi đã... rút trứng ra quá muộn.

“Quá khứ sẽ không lặp lại”

Tuy nhiên, theo nguồn tin ngoại giao trên, Ấn Độ - với tư cách là một nền kinh tế lớn - có thể có sức hấp dẫn đối với Taliban, vốn đang tìm cách tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Ấn Độ có các dự án phát triển ở hầu hết trong số 34 tỉnh lớn nhỏ của Afghanistan, trong đó có tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kabul vừa bị những tay súng Taliban tấn công khi họ tràn vào thành phố này hồi tuần trước.

Myra MacDonald, cựu phóng viên của Reuters, tác giả của 3 cuốn sách về Nam Á, cho biết mặc dù việc Taliban trở lại nắm quyền là một bước lùi đối với Ấn Độ, nhưng cuộc chơi vẫn chưa kết thúc đối với New Delhi.

“Đây không phải là quá khứ lặp lại. Lần này, mọi người sẽ phải thận trọng hơn nhiều để chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không có cơ hội nở rộ ở Afghanistan như trước vụ 11/9.”

Hơn nữa, về mặt kinh tế, Ấn Độ mạnh hơn nhiều so với Pakistan. Một thành viên cấp cao của Taliban nói với Reuters rằng Afghanistan nghèo khó cần sự giúp đỡ của các nước trong khu vực, kể cả Iran, cũng như Mỹ và Nga.

Waheedullah Hashimi, người phát ngôn của Taliban, nói: “Chúng tôi mong họ sẽ giúp chúng tôi, hỗ trợ người dân của chúng tôi, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, kinh doanh và khai thác mỏ. Việc của chúng tôi là thuyết phục họ chấp nhận chúng tôi”./.

(Vietnam+)