Những người hưởng lợi từ việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan

Chủ nhật, 22/8/2021 | 14:26 GMT+7

Theo Jerusalem Post, những "người chiến thắng" tại Kabul là các nước hưởng lợi từ việc Taliban lên nắm quyền và các nước vui mừng trước việc Mỹ bị bẽ mặt.

Lực lượng Taliban tại thủ phủ Mehtarlam, tỉnh Laghman, Afghanistan ngày 15/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo FRI, những diễn biến chóng vánh tại Afghanistan đã khiến các nước chẳng được lợi gì từ sự thay đổi này vội vàng chuẩn bị cho kịch bản "hậu Afghanistan."

Theo giới phân tích, ở góc độ khác, cũng có những "người chiến thắng" tại Afghanistan mà thế giới cần nhìn nhận, đánh giá.

Theo Jerusalem Post, những "người chiến thắng" tại Kabul là các nước hưởng lợi từ việc Taliban lên nắm quyền và các nước vui mừng trước việc Mỹ bị bẽ mặt.

Trong số "những người chiến thắng" có Qatar, Nga, Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Điều này có thể được nhìn theo nhiều góc độ.

Đa phần trong các quốc gia này từng chứa chấp hoặc ngầm ủng hộ Taliban. Những nước khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, tìm cách giữ một vai trò nào đó tại Afghanistan thời hậu chiến. Hiện những nước này vừa hoàn toàn cảnh giác vừa tìm mọi cơ hội để khai thác điểm yếu của Mỹ.

Một số chuyên gia và nhà quan sát cho rằng thất bại của Mỹ tại Afghanistan là điều không thể tránh khỏi do bối cảnh địa chính trị bất lợi tại khu vực. Hầu hết các láng giềng của Afghanistan, ngoại trừ Ấn Độ, đều ủng hộ phe Taliban, ở các mức độ khác nhau.

Bình luận trên trang mạng The Conversation, Giáo sư Natasha Lindstaedt, Đại học Essex (Anh) cho rằng các can thiệp sâu sắc của nhiều thế lực láng giềng khiến cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía phong trào Hồi giáo Taliban.

Ví dụ, Pakistan ủng hộ Taliban vì một mặt lo ngại các phong trào ly khai của sắc tộc thiểu số Pachtoun, mặt khác Islamabad muốn có thêm “quốc gia chư hầu” để đối trọng lại với Ấn Độ.

Pakistan đã góp phần quan trọng cho việc Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 1996. Thông qua vai trò của cơ quan tình báo quốc gia (ISI), chính quyền Pakistan đã tài trợ cho nhiều hoạt động của Taliban như tuyển mộ binh sỹ, cung cấp vũ khí và hỗ trợ trong các chiến dịch quân sự. Người Pakistan thậm chí đôi khi còn chiến đấu trong hàng ngũ Taliban.

Mặc dù cũng đề cập đến vai trò của Nga, Trung Quốc và Iran, song Giáo sư Natasha Lindstaedt nhận định Pakistan đã can dự vào Afghanistan “hơn bất cứ quốc gia láng giềng nào khác." Afghanistan là một vùng đất có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với Pakistan. Quan hệ Trung Quốc với Taliban cũng có tác động đáng kể đến thất bại của Mỹ và phương Tây.

Theo phóng viên kỳ cựu Richard Arzt, kênh truyền hình Quốc hội Pháp, làm việc lâu năm tại Trung Quốc, về mặt chính thức, cho đến những tuần trước khi Kabul thất thủ, chính quyền Bắc Kinh vẫn tuyên bố ủng hộ chính quyền hợp pháp tại Kabul, nhưng Trung Quốc cũng song song tiến hành các đối thoại cấp cao với Taliban.

Bắc Kinh ủng hộ bất kể chính quyền nào tại Kabul vì hai mối quan tâm chính: Đảm bảo các hoạt động thương mại và kinh tế tại cửa ngõ của con đường giao thương sang phía Tây (Trung Quốc và Afghanistan có chung 75km biên giới) và không để Afghanistan trở thành hậu phương cho các hoạt động của những người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

[Biểu tình chống Taliban nổ ra ở nhiều thành phố tại Afghanistan]

Mối quan hệ tay ba Taliban-Trung Quốc-Pakistan có ý nghĩa đặc biệt. Pakistan vừa là “đồng minh” từ lâu của Bắc Kinh, vừa là thế lực hậu thuẫn cho Taliban.

Theo Richard Artz, Islamabad đã gây áp lực để Taliban duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, để bảo đảm rằng các chủ nhân tương lai ở Kabul không can thiệp vào số phận của hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại Tân Cương.

Giờ đây, với chiến thắng của Taliban, Bắc Kinh hy vọng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống đôi bên cùng có lợi khá lâu đời này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng chỉ ra rằng: "Chơi dao có ngày đứt tay."

Về phía Bắc Kinh, truyền thông Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc sẽ không rơi vào bẫy Afghanistan” và sẽ không can thiệp trực tiếp vào đất nước Tây Á này.

Hãng Yonhap dẫn các nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết với việc Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, Bắc Kinh đang rất chú ý quan sát và tính toán các biện pháp đối phó.

Là nước láng giềng Afghanistan, Trung Quốc có mối quan tâm đặc biệt đến Phong trào Hồi giáo Đông Turkesta (ETIM), một tổ chức liên quan đến Khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ mà Trung Quốc coi là một tổ chức khủng bố.

Yonhap cũng dẫn nhận định của Pan Guang, một chuyên gia nghiên cứu về chống khủng bố và tình hình Afghanistan tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói rằng Bắc Kinh đã bắt đầu hợp tác chống khủng bố, bao gồm tăng cường kiểm soát biên giới với các nước khác như Tajikistan và Pakistan, nhằm ngăn chặn "ngọn lửa khủng hoảng" Afghanistan.

Ông Pan nói: “Những gì Trung Quốc có thể làm là tham gia vào quá trình tái thiết Afghanistan sau chiến tranh và đầu tư cho sự phát triển của nước này trong tương lai." Một khi Afghanistan ổn định, Trung Quốc có thể thúc đẩy dự án "Vành đai và Con đường" tại đất nước này.

Báo chí Bỉ bình luận Nga và Trung Quốc dường như đã định vị trên sân Afghanistan và cho thấy họ sẵn sàng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người cầm quyền.

Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Tanguy de Wilde d´Estmael tại Đại học Louvain (UCLouvain), điều này là do Nga và Trung Quốc là những quốc gia có khoảng cách địa lý gần với Afghanistan.

Báo chí Nga dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong đó có nội dung về tình hình Afghanistan.

Trả lời phỏng vấn của báo chí Nga ngày 16/8, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Afghanistan, kiêm Vụ trưởng Vụ châu Á 2 Bộ Ngoại giao Nga Z. Kabulov đã lần đầu tiên tiết lộ chính quyền Nga “đã thiết lập mối liên hệ với phong trào Taliban trong 7 năm qua, đã thảo luận về nhiều vấn đề."

Ông Kabulov khẳng định quá trình tiếp xúc lâu dài với Taliban tạo cơ hội cho Moskva chuẩn bị cơ sở trước cho cuộc đối thoại với chính phủ mới ở Afghanistan và “đây là thành công của chính sách đối ngoại của Nga vì lợi ích lâu dài của Liên bang Nga…”

Dự kiến, trong ngày 17/8, Đại sứ Nga gặp người đại diện toàn quyền của Taliban để thảo luận về các phương thức tiếp theo về hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại Kabul. Điều này có nghĩa là Nga có thể cân nhắc trong tương lai công nhận Taliban.

Nga và Trung Quốc đều từng đón các phái đoàn Taliban trong các năm, thậm chí là những cuộc gặp trong tháng gần đây. Họ muốn mở các kênh cho Taliban và cân nhắc công nhận Taliban là chính quyền mới. Điều này có ‎ý nghĩa quan trọng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, Taliban có thể giành được ảnh hưởng quốc tế cần thiết và hướng tới sự công nhận rộng rãi hơn.

Trong khi Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi nhờ mối liên hệ với các nhóm Hồi giáo và nhìn chung ủng hộ các phong trào hồi giáo cực hữu thì Iran hưởng lợi từ việc Mỹ rời khỏi khu vực. Iran cũng muốn Mỹ rời khỏi Iraq và sẽ tận dụng sự hỗn loạn tại Afghanistan cho mục tiêu này. Tất cả các nước này nhất trí rằng họ muốn Mỹ ra khỏi khu vực.

Nhìn chung, Nga muốn hợp tác với Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để bảo đảm rằng Taliban bị kiềm chế và lên nắm quyền theo cách ổn định. Các nước này có chung mối quan tâm. Họ muốn Mỹ rời khỏi khu vực và muốn Mỹ bị bẽ mặt. Họ cũng muốn chia sẻ nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản có thể qua Afghanistan. Đây là l‎ý do họ hỗ trợ đẩy nhanh thất bại của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, các nước này có chương trình nghị sự ‎ý thức hệ riêng.

Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Qatar có quan điểm Hồi giáo cực hữu về thế giới. Họ muốn hợp tác với Malaysia và cả Iran về các khái niệm mới liên quan đến một hệ thống Hồi giáo về thương mại hay các chương trình truyền hình để chống lại "chứng sợ hãi Hồi giáo."

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hình thành một trục ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo và các phong trào tương tự. Trung Quốc và Nga có những ‎ý định khác về cách thu lợi trên phạm vi thế giới./.

(Vietnam+)