Tập trận Mỹ-Hàn khiến "đường dây nóng" liên Triều thành "dây nguội”?

Thứ tư, 18/8/2021 | 08:07 GMT+7

Triều Tiên cảnh báo rằng họ muốn Mỹ-Hàn đình chỉ các cuộc tập trận song phương, đồng thời tỏ thái độ phản ứng rõ ràng về vấn đề này.

Binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận đổ bộ chung tại Pohang, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com/peoplenewschronicle.com/Reuters, trung tuần tháng 8/2021, các lực lượng của Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiến hành tập trận. Đây sẽ là thách thức đối với cả giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng lẫn những người ở Hàn Quốc ủng hộ việc can dự với Triều Tiên.

Thời gian qua, dư luận Hàn Quốc đã đặt nhiều câu hỏi về việc có nên tiến hành các cuộc tập trận Mỹ-Hàn vào mùa Hè này hay không. Tuy nhiên, ngày 9/8, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News cho biết cuộc tập trận vẫn sẽ diễn ra.

Yonhap News dẫn lời một số nguồn tin giấu tên cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cuộc tập trận sẽ được tổ chức theo hình thức thu gọn và sẽ diễn ra từ ngày 16-26/8.

Trong khi đó, một báo cáo khác của Yonhap cho biết một đợt huấn luyện liên quan đến việc giải quyết khủng hoảng kéo dài 4 ngày sẽ diễn ra trước cuộc tập trận nói trên.

Các báo cáo đã xác nhận thông tin - do hãng Asia Times khai thác từ một nguồn thân cận với Lực lượng của Mỹ tại Hàn Quốc vào tuần trước - cho biết Mỹ vừa tăng cường vận chuyển nhân lực và thiết bị đến bán đảo Triều Tiên để chuẩn bị cho các cuộc tập trận sắp tới.

Đợt tập trận lần này được gọi là “diễn tập tình huống giả lập” - tức là thông qua các ứng dụng mô phỏng trên máy tính được tổ chức trong các sở chỉ huy kín, thay vì các cuộc tập trận bắn đạn thật, sử dụng quân đội và thiết bị động lực học.

Tại Hàn Quốc, hiện có một cuộc tranh luận về việc tiến hành các cuộc tập trận vào mùa Hè này có phải là quyết định đúng đắn hay không. Hãng Asia Times cho rằng chính phủ Hàn Quốc đang có những bất đồng liên quan đến đợt tập trận, trong đó “phe bồ câu” thuộc Bộ Thống nhất đưa ra ý kiến phản đối, còn “phe diều hâu” thuộc Bộ Quốc phòng lại ủng hộ.

Đây thực sự là lựa chọn khó khăn đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Một mặt, bản thân Moon Jae-in, một người ủng hộ mạnh mẽ tiến trình hòa đàm với Triều Tiên, sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống duy nhất theo hiến pháp Hàn Quốc.

Dự kiến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của nước này sẽ diễn ra vào tháng 3/2022. Có khả năng Moon Jae-in đang tìm cách tạo tiền đề nhằm cải thiện các mối quan hệ, coi đây như một di sản cá nhân cũng như một lộ trình mà người kế nhiệm của ông sẽ buộc phải đi theo.

Mặt khác, ông cũng muốn Hàn Quốc đẩy nhanh quá trình tiếp nhận quyền kiểm soát hoạt động quân sự của các lực lượng nước này từ tay Mỹ - còn được gọi là “OPCON Transfer.” Các cuộc tập trận chung giữa hai bên được xem là những phép thử cho quá trình này.

Triều Tiên cảnh giác

Bình Nhưỡng thường coi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ở trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên là hành động xâm lược, đồng thời đặt ưu tiên hàng đầu cho việc chấm dứt các cuộc tập trận này.

Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2018, Mỹ đã tạm dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc như một biện pháp để xây dựng lòng tin.

Sau đó, khi tiến trình đàm phán còn chưa mang lại một bước đột phá nào, COVID-19 đã tiếp tục khiến các cuộc tập trận phải hoãn lại. Hiện nay, với việc chính quyền Joe Biden bước vào mùa Hè đầu tiên kể từ khi đắc cử, các chiến dịch tiêm chủng đã phần nào giúp khống chế được dịch COVID-19, và với việc Triều Tiên im lặng trước yêu cầu đối thoại của Hàn Quốc và Mỹ, đã có lời kêu gọi nối lại các cuộc tập trận.

Có 2 yếu tố ủng hộ quyết định trên. Thứ nhất, quân đội Mỹ-Hàn cần duy trì sự sẵn sàng tác chiến chung - một vấn đề mà Bình Nhưỡng không phải đối mặt do chiến đấu đơn lẻ thay vì có lực lượng đồng minh.

Thứ hai, các cuộc tập trận này sẽ tạo áp lực đối với một Bình Nhưỡng luôn cố chấp. Lúc này, có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn trên nhiều phương diện. Họ đang duy trì việc đóng cửa biên giới nhằm đối phó với COVID-19, trong khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt.

[Triều Tiên chỉ trích cuộc tập trận chung của Hàn Quốc và Mỹ]

Triều Tiên cũng được cho là đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ trở thành thảm họa.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cảnh báo rằng họ muốn Mỹ-Hàn đình chỉ các cuộc tập trận, đồng thời tỏ thái độ phản ứng rõ ràng.

Ngày 10/8, phía Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã không trả lời các cuộc gọi hàng ngày qua đường dâu nóng liên Triều mà 2 miền vừa nối lại.

Kim Yo-jong, người em gái đầy quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cáo buộc Hàn Quốc "hành xử theo hướng phản bội" khi xúc tiến các cuộc tập trận với Mỹ dù hai miền đã nối lại các đường dây liên lạc nóng hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Trong một tuyên bố được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, bà nêu rõ: "Đã vài lần tôi nghe nói về một việc khó có thể chấp nhận, rằng có khả năng quân đội Hàn Quốc và các lực lượng của Mỹ sẽ tiến hành tập trận chung theo lịch trình... Tôi coi đây là một động khiêu khích, làm suy yếu nghiêm trọng ý chí của các nhà lãnh đạo hàng đầu hai miền Triều Tiên - vốn mong muốn đạt được một bước tiến nhằm khôi phục lòng tin lẫn nhau - và điều này sẽ càng khiến quan hệ hai bên xấu đi... Cho dù quy mô và hình thức của cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là gì đi nữa thì nó vẫn mang bản chất hiếu chiến vì đây là các cuộc tập trận chiến tranh và chiến tranh hạt nhân.”

Bà Kim Yo-jong cũng cho rằng các hành động quân sự của Mỹ chứng tỏ những lời nói ngoại giao của Washington chỉ là "đạo đức giả," nhằm che giấu tư tưởng hiếu chiến. Bà cũng cho rằng chỉ có thể đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ rút hết binh lính khỏi Hàn Quốc.

Bà Kim Yong-jong cũng tuyên bố thẳng thừng rằng Triều Tiên sẽ đẩy mạnh "khả năng răn đe," bao gồm cả "tấn công phủ đầu mạnh mẽ" để chống lại mối đe dọa quân sự lớn chưa từng thấy từ Mỹ. Theo bà, các cuộc tập trận Mỹ-Hàn "giống như một hành động tự hủy diệt và sẽ phải trả giá đắt vì đã đe dọa đến sự an nguy của người dân Triều Tiên và làm xấu hơn nữa tình hình Bán đảo Triều Tiên".

Giáo sư Yang Moo-jin, làm việc tại trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho rằng có thể Bình Nhưỡng đang củng cố vị thế trước khi diễn ra các cuộc đàm phán trong tương lai với Hàn Quốc và Mỹ.

Ông nói: "Dù bà Kim Yong-jong đã nói đến 'cách hành xử theo hướng phản bội', song giọng điệu của bà dường như tương đối kiềm chế vì bà không đe dọa sẽ có những hành động cụ thể giống như trước đây."

Những thách thức và yếu tố nhạy cảm

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc kết nối lại các đường dây nóng xuyên biên giới, một số người lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng hoạt động của đường dây này.

Xét cho cùng, việc ngắt kết nối chỉ là một vấn đề đơn giản. Choi Jin-wook, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Văn hóa, nói: “Triều Tiên muốn chìa 'củ cà rốt' ra với chúng tôi (Hàn Quốc)... Nếu chúng tôi không mong đợi bất kỳ điều gì từ Triều Tiên thì hẳn 'củ cà rốt' đó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng đằng này, thực tế là chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in rất nóng lòng muốn nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên.”

Ông cũng cho rằng việc chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là “mục tiêu dài hạn của Triều Tiên."

Ngay cả các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cũng thừa nhận Triều Tiên có lý khi cho rằng các cuộc tập trận này liên quan đến hoạt động chuẩn bị xâm lược.

Chun In-bum, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Hàn Quốc, nói: “Những gì chúng tôi làm (trong các cuộc tập trận) là vô hiệu hóa các cuộc tấn công, sau đó phản công - và phần phản công có thể sẽ được áp dụng trong thực tế.”

Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng nêu rõ: “Đó là một đợt phản công - không phải là một đợt tấn công được tính toán từ trước.” Chun In-bum cũng cho rằng Triều Tiên hiểu điều này. Tuy nhiên, các cuộc tập trận có thể trở thành một công cụ thuận lợi để Bình Nhưỡng khiến chính người dân trong nước lo ngại.

Ông nói: “Tôi nghĩ Bình Nhưỡng làm điều này chỉ để tạo tâm lý lo sợ cho người dân của họ rằng Hàn Quốc và Mỹ đang cố gắng tấn công họ, hòng tạo ra một cuộc khủng hoảng.”

Trước tình trạng đóng cửa biên giới, ngừng giao thương, thiếu lương thực và những thách thức tiềm ẩn từ COVID-19, Triều Tiên đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nội bộ toàn diện. Do đó, một cuộc khủng hoảng bên ngoài có thể trở thành yếu tố hữu ích để giới tinh hoa Bình Nhưỡng chuyển sự chú ý của người dân ra khỏi những thách thức ở trong nước.

Trung Quốc lên tiếng

Theo trang peoplenewschronicle.com, cùng với Triều Tiên, Trung Quốc đã yêu cầu ngừng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Hàn, đồng thời đề nghị nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã thể hiện sự đồng thuận bằng cách đăng tải các tuyên bố của Trung Quốc lên trang chủ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng “với tình hình hiện nay, các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ không mang tính xây dựng và cũng là điều nên tránh... Cách hiệu quả để phá vỡ thế bế tắc hiện nay là giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và tạo ra một bầu không khí tích cực, giúp nối lại các cuộc đối thoại và tham vấn.”

Đảng Quyền lực Nhân dân đối lập ở Hàn Quốc đã phản đối tuyên bố của Trung Quốc và cho rằng đây là “hành động can thiệp vào công việc nội bộ.”

Trong một bài phát biểu, ứng cử viên tổng thống của đảng đối lập, cựu Tổng Kiểm toán Hàn Quốc Choi Jae-hyung - đã chỉ trích: “Không thể chấp nhận được rằng Trung Quốc, với tư cách là một bên thứ ba, lại tranh luận về việc liệu có nên tổ chức cuộc tập trận hay không.”

Đại biểu Park Jin của đảng này, người cũng đang tham gia tranh cử tổng thống, chỉ ra rằng “đó là một nhận xét có tính toán nhằm tác động đến liên minh Hàn-Mỹ bằng cách dựa trên những tuyên bố mang tính răn đe của Triều Tiên”./.

(Vietnam+)