Biến thể Delta tác động như thế nào tới tăng trưởng toàn cầu?

Thứ hai, 16/8/2021 | 12:10 GMT+7

Sự trở lại không mong muốn của các lệnh hạn chế đã reo rắc nỗi sợ mới với các nhà đầu tư rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta sẽ gây ra sự đình trệ cho tiến trình phục hồi toàn cầu.

Cảnh vắng vẻ tại Sydney của Australia, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 28/7 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bang New South Wales, khu vực đóng góp 1/3 tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia, đang bị phong tỏa do đợt bùng phát biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản vừa khai mạc Thế vận hội Tokyo 2020 vào cuối tuần trước bất chấp tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. Hà Lan, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã phải tái áp đặt lệnh hạn chế người dân đến các quán càphê, quán bar, câu lạc bộ và các dịch vụ kinh doanh về đêm.

Cảnh báo du lịch mới làm tiêu tan hy vọng của Tây Ban Nha về sự hồi sinh cho ngành du lịch. Người Italy có thể sớm phải xuất trình thẻ kiểm tra sức khỏe nếu muốn đi ra ngoài xem phim hay đi bơi, tương tự như những gì mà Pháp đã tiên phong áp dụng trong nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Sự trở lại không mong muốn của các lệnh hạn chế đã reo rắc một nỗi sợ mới trong tâm trí các nhà đầu tư rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta có thể một lần nữa gây ra sự đình trệ cho tiến trình phục hồi toàn cầu.

Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu bị lung lay?

Trong bài viết đăng tải trên tờ Financial Times, nhà phân tích Delphine Strauss cho biết, chỉ cách đây không lâu, các thị trường vô cùng lo lắng về nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, có thể dẫn đến lạm phát gia tăng. Điều này có thể gây áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách, khiến họ phải xem xét có nên cắt giảm các biện pháp kích thích duy trì trong thời đại dịch hay không.

Đầu tuần trước, các thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến đợt bán tháo mạnh do nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng không thể kiểm soát của biến thể Delta. Tuy nhiên, đến giữa tuần trước, giá cổ phiếu đã tăng trở lại, nhưng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn duy trì ở mức đáy, cho thấy những nghi ngờ đang gia tăng về sức mạnh phục hồi kinh tế toàn cầu.

Nhà nghiên cứu Ajay Rajadhyaksha của công ty dịch vụ tài chính Barclays (Anh) nhận xét: “Khi biến thể Delta xuất hiện, câu chuyện dường như đã thay đổi từ ‘xem xét lạm phát đang tăng lên như thế nào’ sang ‘xem xét tăng trưởng bị chậm lại như thế nào.’"

Theo nhà phân tích chiến lược quốc tế của công ty chứng khoán Deutsche Bank Securities, Alan Ruskin, những gì đang diễn ra cho thấy sự phục hồi nhu cầu của các nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro, nhưng chính họ cũng đã phải trả giá cho một “cái nhìn mù quáng về niềm tin thế giới đồng loạt mở cửa trở lại như trước đây.”

Sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm COVID-19 hầu hết liên quan tới biến thể mới Delta, khiến lây lan mạnh hơn. Tình huống này khiến các mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng trở lại vị trí hàng đầu tại tất cả mọi quốc gia. Trên thế giới, nhiều chính phủ đã buộc phải tạm dừng hoặc đảo ngược kế hoạch mở cửa nền kinh tế.

[Dịch COVID-19: Bang New South Wales của Australia mở rộng phong tỏa]

Nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Oxford Economics, Gregory Daco, nói: “Đó là một rủi ro mà chúng tôi ngày càng chú trọng hơn.” Ông cảnh báo sẽ có thể xuất hiện sự phục hồi không đồng đều trên toàn cầu, “với một số nền kinh tế có khả năng quay trở lại trạng thái phong tỏa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.”

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Vào ngày 22/7 vừa qua, bà Lagarde nói biến thể Delta là một yếu tố không chắc chắn và ECB sẽ phải chấp nhận rủi ro lạm phát nhiều hơn, trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất.

Kinh nghiệm mở cửa nền kinh tế của Anh

Tình hình tại Anh cũng cho thấy ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao, nước này cũng không có cách thức nào để có thể tránh được sự gián đoạn kinh tế có thể xảy ra, một khi biến thể Delta đã xâm nhập vào cộng đồng.

Mặc dù các quy định giãn cách xã hội tại Anh kết thúc vào ngày 19/7, nhưng hàng trăm nghìn công nhân đã phải tự cách ly tại nhà sau khi tiếp xúc với một số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính phủ Anh đã phải cố gắng ngăn chặn không để các dịch vụ công bị ngừng hoạt động và các kệ hàng siêu thị trống rỗng do người dân hoảng loạn đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Tuy nhiên, bất chấp rủi ro ngày càng tăng do biến thể Delta gây ra đối với triển vọng toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và kinh tế học vẫn tin rằng tác động của virus chỉ có khả năng làm chậm lại chứ không gây chệch hướng sự phục hồi ở các nền kinh tế lớn. Tại các nước này, chương trình tiêm chủng vaccine quy mô lớn đã giúp làm số người bị bệnh nặng và phải nhập viện điều trị.

Chuyên gia của công ty tư vấn Capital Economics, Jennifer McKeown, cho biết có một số dấu hiệu cho thấy người dân ở Anh trở nên thận trọng hơn khi đi ra ngoài. Xu hướng gia tăng của các hoạt động mua sắm, giải trí và việc làm dần chững lại, bất chấp các lệnh hạn chế ngày càng được nới lỏng. Bà McKeown nói “có vẻ như mọi người cố gắng tránh bị cách ly khi kỳ nghỉ lễ đang tới gần.”

Một khảo sát mới được thực hiện chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt nhân viên và nguyên vật liệu bắt đầu đè nặng lên hoạt động kinh doanh. Ngay cả tại Anh, khi người tiêu dùng vẫn đang “mở hầu bao” và các doanh nghiệp vẫn khẩn trương thuê thêm nhân viên.

Tuy nhiên, tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), hoạt động kinh doanh của tháng Bảy ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 21 năm qua, nhờ nhiều quốc gia tiếp tục dỡ bỏ hạn chế phòng dịch COVID-19. Sự bùng phát các ca nhiễm virus mới hầu như không làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Bà Lagarde cho biết các cuộc khảo sát kinh doanh và số liệu thống kê xác nhận dự báo tháng Sáu vừa qua của ECB, trong đó giả định một số lệnh hạn chế sẽ được duy trì đến cuối năm. ECB nhấn mạnh sự phục hồi của khu vực Eurozone đang trên đà phát triển, song khu vực này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng.

Sự chú ý của Mỹ tập trung vào lạm phát

Tại Mỹ, lo ngại về tình trạng tăng trưởng quá nóng và lạm phát cao vượt ngưỡng vẫn đang chiếm ưu thế. Trong hai ngày điều trần trước Quốc hội vào tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã trả lời câu hỏi về việc ngân hàng trung ương quản lý và đánh giá tình trạng giá cả tăng, nhiều hơn là những yêu cầu giải trình về các tác động kinh tế do biến thể Delta gây ra.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ có một vùng đệm đáng kể để hấp thụ một đợt tấn công mới của virus SARS-CoV-2 mà không lo ngại suy thoái sẽ quay trở lại. Các quan chức Fed vào tháng Sáu vừa qua dự đoán rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng với tốc độ 7% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4,5% vào cuối năm 2021.

Giáo sư Đại học Harvard, đồng thời là cựu cố vấn kinh tế cho Tổng thống Barack Obama, Jason Furman, nói rằng mặc dù có một số lo lắng về biến thể Delta, nhưng những tác động của biến thể mới này sẽ không làm thay đổi quỹ đạo kinh tế vĩ mô của nước Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả trong một nền kinh tế phát triển như Mỹ, nơi áp lực tiền lương ngày càng rõ ràng, sự gia tăng của biến thể Delta cũng có thể khiến các quan chức Fed thận trọng hơn khi cân nhắc việc có nên sớm dừng các chương trình kích thích tài chính quy mô lớn hay không. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi, các nhà hoạch định chính sách sẽ bị đặt vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan,” vì họ đang hướng tới việc loại bỏ dần các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ, chứ không muốn duy trì hoặc thúc đẩy chúng hơn nữa.

Một số quan chức của Fed cảnh báo rằng ngân hàng trung ương cần chuẩn bị đối mặt với nguy cơ nền kinh tế quay lại suy thoái do biến thể virus mới bùng phát. Chủ tịch Fed tại San Francisco Mary Daly, nói: “Tôi cho rằng một trong những rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu là chúng ta đã tuyên bố chiến thắng dịch COVID-19 quá sớm.”

Bà Dary đặt câu hỏi, giờ đây khi kỳ vọng vào những gói tài chính khổng lồ không còn nhiều, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi như thế nào nếu không có giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.

Những cơn gió ngược

Sự gia tăng của biến thể Delta cũng đang làm phức tạp thêm cuộc tranh luận chính sách ở các nước khác. Tại Anh, lạm phát tăng mạnh gần đây khiến các quan chức Ngân hàng trung ương Anh (BoE) không khỏi bất ngờ và một số người tiết lộ rằng họ có thể bỏ phiếu cho việc chấm dứt sớm các biện pháp nới lỏng định lượng (QE).

Nhưng những người khác trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) lại có quan điểm khác. Jonathan Haskel, một thành viên của MPC, mới đây nói rằng việc áp dụng trở lại các chính sách thắt chặt tiền tệ là không phù hợp vào thời điểm hiện nay. Nguyên nhân là vì nền kinh tế Anh đang đối mặt với hai “cơn gió ngược,” đó là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm rất cao và lập trường thắt chặt tài khóa.

Tại khu vực Eurozone, mặc dù triển vọng kinh tế được cải thiện nhanh chóng, nhưng không có áp lực tức thời nào yêu cầu khu vực này phải thắt chặt chính sách. Các dự báo của ECB cho thấy lạm phát hiện nay vẫn giảm và ECB cũng cam kết giữ lãi suất ở mức thấp hiện tại cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu 2% một cách ổn định và lâu dài vào cuối năm 2023.

Trái ngược với sự thay đổi ở những nơi khác, triển vọng kinh tế của khu vực châu Á tương đối ít biến động, ngay cả khi biến thể Delta đã bùng phát mạnh mẽ ở một số quốc gia. Lộ trình tiêm chủng ở châu Á diễn ra tương đối chậm, kết hợp với các gói kích tích tài chính nhỏ hơn. Do đó, khó có thể dự đoán thời điểm tăng trưởng kinh tế bùng nổ và sự phát triển quá nóng có thế xảy ra.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chẳng hạn, lạm phát của Nhật Bản khó có thể đạt được mục tiêu 2% trong tương lai, nên Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất. Triển vọng về sự phục hồi của Nhật Bản đã mờ đi khi các ca nhiễm COVID-19 tăng lên, làm tăng kỳ vọng về một đợt kích thích tài khóa mới.

Các nhà kinh tế cũng ít lạc quan hơn về triển vọng của các nền kinh tế tiên tiến khác, nơi có chiến dịch tiêm chủng tương đối chậm chạp. Australia và New Zealand là hai trong số đó. Và các nhà hoạch định chính sách hiện đang phải chạy đua để bắt kịp với tình hình mới, trước khi biến thể Delta vượt qua họ.

Chính sách của Trung Quốc để kiểm soát dịch COVID-19 cho phép nền kinh tế nước này phục hồi nhanh hơn Mỹ, nhưng cũng tạo ra trở ngại lớn cho việc mở cửa trở lại hoàn toàn. Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đi lại hoặc đóng cửa các khu vực lân cận bất cứ khi nào có ca nhiễm COVID-19 mới bùng phát.

Mặc dù tăng trưởng quý 2 vừa qua của Trung Quốc vượt xa so với kỳ vọng của hầu hết các nhà kinh tế, nhưng Bắc Kinh đã cảnh báo về một sự phục hồi “không cân bằng” và những rủi ro bắt nguồn từ các biến thể mới.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra những yếu tố khác ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc. Cụ thể là, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, rủi ro tín dụng trong nước gia tăng, sụt giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng do nhà nước hậu thuẫn và lệnh cấm đầu tư vào công nghệ Trung Quốc của chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, đối tượng dễ bị tổn thương nhất do sự bùng phát của biến thể Delta chính là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và châu Phi, nơi tỷ lệ tử vong đang tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách gặp nhiều khó khăn trong việc áp đặt các biện pháp hạn chế mới hay hỗ trợ tăng trưởng.

Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Gita Gopinath, nhấn mạnh có “sự phân hóa nguy hiểm” giữa các nền kinh tế tiên tiến, các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Nhiều nền kinh tế đang phát triển gặp hạn chế trong việc tiếp cận với vaccine, hỗ trợ tài chính bị cắt giảm nhanh chóng, và họ sẽ phải đối mặt với lãi suất tăng nếu Fed giảm hỗ trợ tài chính.

Catherine Mann, người vừa rời vị trí nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Citibank để tham gia vào Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoA, lập luận rằng “vận may” khác nhau của các nền kinh tế tiên tiến, và sự phân hóa rõ rệt giữa các nền kinh tế mới nổi, khiến sự phục hồi toàn cầu trở nên mong manh hơn nhiều so với các dự báo đã được đưa ra.

Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quốc hội Anh, bà Catherine Mann nhận định, tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện là 6% và nhiều người nghĩ rằng đây là một điều tuyệt vời. Nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại đáng kể trong năm tới và đang ngày càng phụ thuộc vào sự phục hồi bền vững của Mỹ. Đồng thời, tiến trình phục hồi toàn cầu cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn ở các thị trường mới nổi.

Bà Catherine Mann nhấn mạnh: “Khi hiểu được những thách thức và rủi ro liên quan đến virus, tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần hơn đến ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng rủi ro mới này (biến thể Delta) đã thực sự gây ra lo ngại (toàn cầu)”./.

(Vietnam+)