Bài học từ BRI của Trung Quốc với Liên minh châu Âu

Chủ nhật, 15/8/2021 | 21:09 GMT+7

EU có thể áp dụng chuyên môn trong kết nối và hoạch định các hành lang kinh tế thúc đẩy các lợi ích chiến lược của mình, để có thể đạt được những gì BRI đề ra nhưng không thực hiện được.

Trụ sở Hội đồng châu Âu. (Nguồn: Sputnik)

Theo bài phân tích mới đây trên trang mạng Merics, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua các kết luận về "Một châu Âu kết nối toàn cầu."

Việc thông qua văn bản chính sách này là cột mốc mới nhất trong nỗ lực hiện nay của châu Âu để điều chỉnh một chiến lược kết nối mới, một phần nhằm cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Năm 2018, tuyên bố chung của EU về "Kết nối châu Âu và châu Á" đã thiết lập các nền tảng cho một chiến lược kết nối "bền vững, toàn diện và dựa trên quy tắc". Trong năm 2021, chủ đề kết nối đã trở nên sôi nổi, với việc Nghị viện châu Âu thúc giục EU có một chiến lược kết nối toàn cầu.

Ngoài ra, EU đã thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao hàm các vấn đề liên quan đến kết nối và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thống nhất về sáng kiến cơ sở hạ tầng mang tên "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W).

Mặc dù các kết luận của Hội đồng EU không đề cập đến Trung Quốc, nhưng tiềm ẩn trong những lời kêu gọi về một chiến lược mới là sự thừa nhận rằng EU cần điều chỉnh hướng tiếp cận đối với những ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh thông qua BRI. EU, nơi có ngân hàng phát triển đa phương lớn nhất thế giới (Ngân hàng Đầu tư châu Âu), đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ.

[Khó khăn của EU trong cân bằng chiến lược với Trung Quốc]

Theo dữ liệu của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, hỗ trợ phát triển của EU trong giai đoạn 2013-2018 là 414 tỷ euro (490 tỷ USD), thấp hơn đôi chút so với con số 434 tỷ euro của Trung Quốc tài trợ cho các dự án BRI. Sự khác biệt lớn hơn giữa hai con số này là EU viện trợ không hoàn lại, trong khi Trung Quốc hỗ trợ dưới hình thức cho vay.

Kết luận của Hội đồng EU thừa nhận rằng EU đã không có được "danh tiếng" liên quan đến các nỗ lực hợp tác kết nối của mình. Cách mà Hội đồng EU khuyến nghị để giải quyết vấn đề này là "đảm bảo sự rõ ràng của các hành động kết nối toàn cầu của EU thông qua một "nội dung thống nhất" cũng như một "thương hiệu và biểu tượng dễ nhận biết."

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của BRI không chỉ nhờ vào xây dựng thương hiệu, thành công của các dự án này còn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động chính trị ở các nước sở tại. Ví dụ ở Serbia, một chương trình nghị sự ủng hộ Trung Quốc đang phục vụ cho tham vọng chính trị của Tổng thống Serbia, và các phương tiện truyền thông Serbia đang quảng bá cho BRI.

Bên cạnh đó, nguồn vốn của Trung Quốc đi kèm với các điều kiện tương đối dễ dàng là một phần lý do khác khiến BRI hấp dẫn đối với các nước tiếp nhận khoản vay. Việc ràng buộc các hợp đồng kỹ thuật của Trung Quốc với vấn đề tài chính nhà nước giúp các quốc gia dễ tiếp cận với các khoản vay hơn, nhất là với những chính phủ có nguồn lực hạn chế.

Khuyến nghị của Hội đồng EU về "các kế hoạch tài chính hợp lý và chặt chẽ" có thể giúp giải quyết vấn đề này. Việc thành lập Quỹ châu Âu toàn cầu, thống nhất một số công cụ hành động bên ngoài của EU, dường như là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, EU nên đảm bảo rằng những nỗ lực đó có thể giảm bớt nạn quan liêu và các quy trình xin tài trợ trở nên rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước tiếp nhận tài trợ.

Về việc gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn, Hội đồng EU khuyến nghị huy động vốn từ khu vực tư nhân để tài trợ và thực hiện các dự án. Tuy nhiên, việc thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng có lợi suất ngắn hạn thấp, rủi ro cao là nhiệm vụ rất khó khăn. Vấn đề là thiếu các dự án cơ sở hạ tầng có khả năng tạo ra lợi nhuận lớn, dẫn đến đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển giảm 36% trong 10 năm qua.

Hội đồng EU đã kêu gọi việc thành lập một "Nhóm tư vấn kinh doanh" để tham vấn và điều phối vấn đề tư nhân-công cộng trong các dự án.

Liên quan đến vấn đề này, BRI cũng hấp dẫn các nước chủ nhà vì Trung Quốc thường tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn và không thể thu hút tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế hiện tại vì chúng bị coi là quá rủi ro hoặc không bền vững. Ví dụ, đường cao tốc gây tranh cãi do Trung Quốc tài trợ ở Montenegro trước đó đã bị Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) từ chối vì không khả thi về mặt thương mại.

Những dự án như vậy hấp dẫn giới tinh hoa địa phương bởi vì chúng được coi là những khoản đầu tư dài hạn cần thiết để phát triển kinh tế, và có thể đi kèm với những lợi ích chính trị khác. Một cây cầu lớn đơn giản là mang lại hình ảnh đẹp hơn cho chính trị gia cho chiến dịch tranh cử.

Nếu EU đặt mình vào vị trí của giới tinh hoa địa phương và đánh giá cao những cân nhắc chính trị của họ, thì EU có thể làm tăng sức hấp dẫn và tác động của các kế hoạch kết nối của mình. Kết luận của Hội đồng EU kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) "xác định và thực hiện một loạt dự án có tác động cao và có thể nhìn thấy được" như một phần của chiến lược kết nối mới.

Hiện nay, các số liệu cho thấy các khoản vay lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc BRI đang thụt lùi. Mặc dù các chi tiết cụ thể còn đang là vấn đề gây tranh cãi, nhưng bằng chứng và dữ liệu từ Đại học Boston (Mỹ) cho thấy các khoản vay ngân hàng chính sách từ Trung Quốc đạt đỉnh vào đầu năm 2016 và giảm dần kể từ đó.

Mặc dù BRI thường được coi là một hành lang kinh tế chiến lược, nhưng các dự án của BRI hiếm khi được lập kế hoạch theo mạng lưới cụ thể. Trong khi đó, EU có thể áp dụng chuyên môn trong kết nối và hoạch định các hành lang kinh tế thúc đẩy các lợi ích chiến lược của mình, để có thể đạt được những gì BRI đề ra nhưng không thực hiện được.

Việc đóng khung chiến lược kết nối mới là một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc có thể là không cần thiết. EU cũng không cần bắt chước BRI. Thay vào đó, EU nên bắt tay vào điều chỉnh lộ trình của mình, lấy thành công và thất bại của BRI làm nguồn cảm hứng./.

(Vietnam+)