Châu Âu lạc quan về triển vọng tăng trưởng bất chấp dịch COVID-19

Thứ tư, 04/8/2021 | 13:55 GMT+7

Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết nền kinh tế của khối 19 quốc gia "đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý thứ ba.

Khu vực Tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi Chính phủ Hà Lan đảo ngược quyết định cho phép các sự kiện công cộng trực tiếp diễn ra vào mùa Hè này, ngành công nghiệp giải trí đã có những phản ứng nhanh chóng và quyết liệt.

Công ty quảng bá lễ hội âm nhạc ID&T ngay lập tức có hành động pháp lý để cố gắng đảo ngược lệnh cấm. Sau đó, hơn 40 nhà tổ chức sự kiện trong nước đã tham gia vào vụ kiện cùng với ID&T.

Các nhà tổ chức sự kiện, bao gồm cả những người đứng sau giải đua xe công thức 1 Grand Prix của Hà Lan vào tháng Chín tới, cũng đang kháng nghị lệnh của Chính phủ Hà Lan về việc áp dụng lại các biện pháp hạn chế đối với nhà hàng, quán bar, quán cà phê, câu lạc bộ đêm và các sự kiện công cộng.

Quyết định của Amsterdam được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh gấp hơn 10 lần, lên khoảng 7.000 ca mỗi ngày, mà nguyên nhân chủ yếu là "xảy ra ở những nơi có cuộc sống về đêm và những bữa tiệc đông người."

Động thái này cũng cho thấy triển vọng kinh tế của châu Âu đang manh nha có chiều hướng cải thiện lại sắp có nguy cơ bị kìm lại bởi sự lây lan của biến thể Delta với khả năng lây nhiễm mạnh hơn và chiếm đến 90% số trường hợp nhiễm COVID-19 mới của châu Âu.

Mặc dù vậy, ở đâu đó phía bên trong "Lục địa Già," vẫn tồn tại những tia hy vọng về một triển vọng kinh tế khởi sắc hơn bất chấp đại dịch.

COVID-19 tiếp tục là một ẩn số...

 Rosanne Janmaat, Trưởng bộ phận điều phối hoạt động của ID&T, cho biết đây là đòn mạnh giáng vào công ty này, khi công ty phải hủy bỏ lễ hội âm nhạc khiêu vũ quan trọng Mysteryland dù đã bán hết hơn 125.000 vé. Đây cũng là sự kiện thứ sáu công ty này buộc phải hủy bỏ vào mùa Hè năm nay.

Giám đốc điều hành ID&T cho biết: "Âm nhạc điện tử có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa Hà Lan, vì vậy nó giống như một thứ đáng để chiến đấu", đồng thời cho biết thêm rằng lĩnh vực tổ chức sự kiện, như hội chợ thương mại, đã tạo ra 7,2 tỷ euro doanh thu hàng năm và hỗ trợ 100.000 việc làm. Vì thế, "đây là một cuộc chiến cho tương lai của ngành."

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 trên khắp châu Âu đạt 151/100.000 người trong tuần tính đến ngày 18/7, tăng so với mức dưới 90/100.000 người của một tuần trước đó. Dự báo tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi vào tháng Tám.

Ở châu Âu ngoài Hà Lan, nhiều chính phủ khác đã thắt chặt hạn chế đi lại đối với những người chưa được tiêm chủng đầy đủ đến từ các quốc gia có tỷ lệ nhiễm cao như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan. Các sự kiện công cộng lớn bị hủy bỏ, các câu lạc bộ đêm và quán bar tại Ibiza và Mykonos đều phải đóng cửa hoặc được yêu cầu đóng cửa sớm.

Quốc hội Pháp cũng đã thông qua luật bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 đối với nhân viên y tế, trong khi cả Italy và Pháp đều có kế hoạch yêu cầu mọi người xuất trình "giấy chứng nhận sức khỏe" để vào các địa điểm công cộng như rạp chiếu phim, nhà hàng và phòng tập thể dục.

Sự bùng phát mạnh trở lại của đại dịch là một trong những yếu tố khiến chuyên gia kinh tế phải vật lộn với các đánh giá về xu hướng phục hồi sắp tới của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Những yếu tố rủi ro khác bao gồm sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của các nhà sản xuất ôtô và các nhà sản xuất khác, cũng như nguy cơ các chính phủ châu Âu cắt giảm hỗ trợ tài chính quá sớm, tương tự như họ đã làm trong cuộc khủng hoảng nợ công năm 2012.

Christian Odendahl, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung tâm Cải cách châu Âu, cho biết: "Sự bùng nổ chi tiêu sau đại dịch sẽ giảm bớt vào năm tới khi người dân đã giải phóng xong các khoản chi tiêu dồn nén của mình nhưng sau đó chính phủ sẽ giảm chi tiêu tài chính của họ. Điều này khiến tôi nhớ đến giai đoạn 2010 và 2011, khi Đức và những nước khác chuyển sang quá trình 'thắt lưng buộc bụng quá sớm.'"

Tăng trưởng của châu Âu đã tụt hậu so với Mỹ, vốn đã phục hồi trở lại mức sản lượng trước đại dịch nhờ vào các chương trình kích thích trị giá hàng tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ được nới rộng.

... nhưng sự lạc quan đã quay trở lại

 Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại này, hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng của khu vực Eurozone. Các số liệu tăng trưởng là tín hiệu mới nhất cho thấy châu Âu đang tiến vững chắc trên con đường phục hồi. Khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ vào tháng Tư và tháng Năm, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tăng lên. Doanh số bán lẻ đã phục hồi lên mức trước đại dịch và thị trường chứng khoán của khu vực đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Eurozone được dự đoán sẽ tăng trưởng từ 4 đến 5% trong cả năm 2021 và năm 2022, từ mức giảm kỷ lục 6,6% của năm 2020. Đây là tốc độ phục hồi tăng trưởng nhanh nhất kể từ khi Eurozone được thành lập cách đây hơn hai thập kỷ.

Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết nền kinh tế của khối 19 quốc gia "đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý thứ ba."

Tuy nhiên, khi được hỏi về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, bà Lagarde nói: "Tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc tất cả vào những người thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo rằng sự lây lan không tạo ra những tác động kinh tế tiêu cực mà chúng tôi đã thấy trong quá khứ."

Hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn tự tin rằng, châu Âu sẽ tránh được một "đợt cấm vận" khác có thể làm tê liệt nền kinh tế như những đợt đã kéo khu vực này vào hai cuộc suy thoái trong 18 tháng qua. Sự lạc quan này xuất phát từ dữ liệu cho thấy số ca nhập viện ở châu Âu không tăng mạnh theo số ca nhiễm COVID-19, do nhiều người trong số những người bị nhiễm hiện ở độ tuổi 20 hoặc 30, độ tuổi có ít khả năng mắc các triệu chứng nghiêm trọng nhất do virus gây ra.

Các chuyên gia phân tích cũng cảm thấy tự tin hơn trước xu hướng sụt giảm gần đây của số lượng lây nhiễm ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta, đặc biệt là Anh, khi nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vào ngày 19/7.

Chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding tại ngân hàng đầu tư Berenberg của Đức cho biết: "Dữ liệu tiếp tục cho thấy việc tiêm phòng đã làm suy yếu mối liên hệ giữa số ca lây nhiễm và các biến chứng y tế một cách đáng kể. Có thể sẽ không có các biện pháp hạn chế quy mô lớn nào được áp dụng ở châu Âu trong thời gian tới."

Chiến dịch tiêm chủng của châu Âu đã tăng tốc để đảm bảo rằng gần 70% người lớn ở Liên minh châu Âu (EU) được tiêm ít nhất một mũi, và hiện hơn 50% đã được tiêm chủng đủ liều. Trong số những người dễ bị tổn thương hơn 80 tuổi, hơn 83% được tiêm chủng đầy đủ.

Maria Demertzis, Phó Giám đốc của Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, nói: "Tôi thực sự không nghĩ rằng nền kinh tế sẽ phải đóng cửa thêm lần nào nữa. Có thể có một số biện pháp hạn chế cục bộ hoặc hạn chế nhẹ đối với cuộc sống về đêm, nhưng chỉ có vậy."

Mặc dù vậy, cũng không phải là sẽ không có những tác động tiêu cực. Đại dịch đã khiến nhu cầu đi du lịch, ăn uống và giao lưu xã hội của người tiêu dùng bị dồn nén. Các doanh nghiệp cũng tuyệt vọng không kém để chờ đợi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khi không thể chi tiền cho nhiều hoạt động thông thường, các hộ gia đình ở Eurozone đã tích lũy khoản tiết kiệm vượt quá mức họ thường làm, từ khoảng 5% GDP ở Đức cho đến 8,5% ở Italy. Tuy nhiên, các nhà kinh tế gặp khó khăn trong việc ước tính số tiền này sẽ được chi tiêu bao nhiêu và với tốc độ chi như thế nào.

Hiện tại, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta dường như có nhiều khả năng ảnh hưởng đến du lịch, lữ hành và khách sạn. Đây là tin xấu đối với các nền kinh tế Nam Âu phụ thuộc nhiều vào những lĩnh vực này. Tây Ban Nha chỉ hy vọng doanh thu từ khách du lịch nước ngoài sẽ đạt một nửa mức trước đại dịch vào mùa Hè này, tăng so với mức 1/5 năm ngoái. Đó là một đòn giáng nặng nề đối với một lĩnh vực đã tạo ra 12% GDP và 13% việc làm của quốc gia trong năm 2019.

Trong khi đó, sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong năm nay lẽ ra đã thúc đẩy nền kinh tế thiên về xuất khẩu của châu Âu với thặng dư tài khoản vãng lai cao. Nhưng thực tế, sản lượng công nghiệp của Eurozone có thể thấp hơn và thậm chí có thể xuống dưới mức trước đại dịch vào tháng Năm năm nay.

Các nhà sản xuất tại Đức, đặc biệt là các nhà sản xuất ôtô lớn, đã phải vật lộn để bắt kịp với nhu cầu gia tăng toàn cầu do sự thiếu hụt nhiều nguyên liệu, bao gồm chất bán dẫn, kim loại, nhựa và gỗ, cũng như tắc nghẽn trong vận chuyển container.

Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Ifo, một nhóm nghiên cứu kinh tế ở Munich, cho biết: "Có hai rủi ro, một là sự bùng phát của biển thể Delta và hai là hạn chế về nguồn cung."

Ông nói thêm rằng khoảng một nửa số công ty Đức đang báo cáo các vấn đề về nguồn cung, và cho đến nay là sự thiếu hụt nguồn cung cao nhất trong 20 năm qua trong các khảo sát hàng tháng về doanh nghiệp do Ifo tiến hành: "Chúng tôi nhận định rằng những hạn chế về nguồn cung này sẽ biến mất, nhưng chúng tôi không thực sự đánh giá được thời điểm."

Châu Âu đã học được từ những sai lầm của mình

Một trong những nỗi lo lớn nhất sau đại dịch đã đẩy nền kinh tế châu Âu vào thế khó trong năm ngoái, đó là làn sóng phá sản và mất việc làm sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng của khu vực, và kích hoạt lại cuộc khủng hoảng nợ đã khiến khu vực Eurozone phải điêu đứng một thập kỷ trước.

Điều này đã không thành hiện thực. Thay vào đó, hồ sơ phá sản trong khu vực đồng euro đã giảm 1/5 vào năm 2020 và vẫn ở dưới mức trước đại dịch trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp trong khối đã tăng từ mức thấp 7,1% lên 8,5% vào năm ngoái, nhưng sau đó đã giảm trở lại xuống ngưỡng dưới 8%.

Tác động của cuộc khủng hoảng được giảm nhẹ bởi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn giữ lãi suất ở gần mức thấp kỷ lục, và các chính phủ, vốn đã trả lương cho hàng triệu người theo các chương trình trợ cấp, các khoản vay được đảm bảo trị giá hàng trăm tỷ euro, đình chỉ áp dụng luật về vỡ nợ và ban hành các chính sách mới về việc trả nợ.

[Khó khăn của EU trong cân bằng chiến lược với Trung Quốc]

Vào tháng Bảy năm nay, ECB đã thay đổi chiến lược nâng mức lạm phát cần thiết trước khi tăng lãi suất, giúp các chính phủ có thêm thời gian với các điều khoản thuận lợi để hỗ trợ sự phục hồi.

Olli Rehn, người đứng đầu ngân hàng trung ương Phần Lan và là thành viên hội đồng quản lý ECB, cho biết: "Chúng tôi phải lưu ý đến việc không rút lại hỗ trợ kinh doanh và miễn trừ đối với các trường hợp phá sản sớm. Một khi sự phục hồi mạnh mẽ đang diễn ra, chúng ta sẽ áp dụng chính sách ngược vòng tuần hoàn của Keynes và giảm kích thích tài chính."

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự gia tăng trong chi tiêu của chính phủ đã làm tăng thâm hụt ngân sách chung của khu vực Eurozone lên 7,2% GDP vào năm ngoái và gần 8% GDP trong năm nay, mặc dù con số này thấp hơn so với mức thâm hụt của Mỹ là gần 15% GDP vào năm ngoái và hơn 13% GDP trong năm 2021.

Nguồn tài chính bổ sung để hỗ trợ kinh tế châu Âu sẽ bắt đầu chảy khi việc phân phối Quỹ Phục hồi trị giá 800 tỷ euro của EU bắt đầu được thực hiện sau mùa Hè, qua đó cung cấp các khoản tài trợ và cho vay giá rẻ trong 5 năm để hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng xanh và số hóa để đổi lại các cam kết về cải cách cơ cấu.

Katharina Utermöhl, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty bảo hiểm Allianz của Đức, cho biết: "Châu Âu đã học được từ những sai lầm của mình. Chính sách tài khóa của châu Âu đã gây bất ngờ về chiều hướng tăng trong năm nay và mặc dù không nói về mức siêu kích thích mà chúng ta đã thấy ở Mỹ, nhưng chúng ta hiện đang nhìn thị trường lao động như một ly đầy hơn là một nửa trống rỗng."

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng châu Âu vẫn có thể lặp lại sai lầm của năm 2012, là "giết chết" sự phục hồi bằng cách chuyển quá sớm sang giai đoạn củng cố tài khóa.

Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng UniCredit của Italy, cho biết: "Kinh tế Mỹ đã vượt qua mức GDP trước đại dịch. Vào cuối năm nay, họ sẽ vượt qua ngưỡng tăng trưởng trước đó và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn để bù đắp cho giai đoạn thâm hụt. Nhưng ở châu Âu, tốt nhất chúng ta nên quay trở lại đường xu hướng trước đó vào năm 2024."

Yếu tố quyết định sẽ là những gì sẽ xảy ra với các quy tắc tài khóa của EU nhằm hạn chế quy mô thâm hụt ngân sách và mức nợ, được gọi là hiệp ước ổn định và tăng trưởng. Những quy định này đã bị đình chỉ từ năm ngoái và sẽ có hiệu lực trở lại vào năm 2023. Điều này sẽ buộc hầu hết các quốc gia cắt giảm thâm hụt dưới 3% GDP và bắt đầu nâng tổng mức nợ của họ xuống còn 60% GDP. Nhưng các quy tắc này được coi là không khả thi do quy mô vay nợ lớn kể từ khi đại dịch xảy ra đã khiến nợ công của nhiều quốc gia lên trên 100% GDP và riêng của Italy là gần 160%.

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đề xuất một gói cải cách các quy tắc vào cuối năm nay, điều dường như chắc chắn gây ra một cuộc đụng độ giữa các nền kinh tế Bắc Âu, vốn giàu có và tiết kiệm, và các quốc gia Địa Trung Hải, hiện đang ngập chìm trong nợ.

Vitor Constancio, cựu Phó Chủ tịch của ECB, cho biết: "Người Đức và người Hà Lan sẽ cố gắng thúc đẩy các quy tắc hết mức có thể, nhưng những quy tắc cần phải được nới lỏng. Các quốc gia quan trọng cần thúc đẩy cải cách là Pháp và Italy, với tình hình nợ nần sau giai đoạn dịch COVID-19."

Không khí cho cuộc tranh luận này sẽ được quyết định bởi các cuộc bầu cử ở Đức vào tháng Chín tới, nhằm xác định cả việc ai sẽ thay thế bà Angela Merkel làm Thủ tướng và đảng nào sẽ thành lập chính phủ tiếp theo.

Đảng Xanh hiện đang ở vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò với khoảng 20% cử tri ủng hộ và được dự đoán sẽ là một phần của liên minh cầm quyền tiếp theo của Đức. Điều này làm dấy lên hy vọng của các nhà kinh tế rằng các hạn chế chính sách tài khóa có thể được nới lỏng ở cả Berlin và trên toàn EU./.

(Vietnam+)