Chiến thuật dài hơi của Trung Quốc trong cuộc đua an ninh mạng

Chủ nhật, 01/8/2021 | 14:43 GMT+7

Theo tinh thần của “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 13, dự kiến đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có một cấu trúc phòng ngự vững chắc trước các cuộc tấn công mạng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: logsign.com)

Theo trang mạng asiatimes.com, giới lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng tăng cường năng lực an ninh mạng của nước này lên một tầm cao mới.

Lâu nay, Trung Quốc đã “bỏ rơi” an ninh mạng, trong khi những khía cạnh khác về năng lực trên không gian mạng của nước này - đa phần liên quan đến kinh tế - lại phát triển mạnh.

Theo tinh thần của “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 13, dự kiến đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có một cấu trúc phòng ngự vững chắc trước các cuộc tấn công mạng, đồng thời phát động các cuộc tấn công chống lại những nước đối thủ (chẳng hạn như Mỹ).

Wu Yunkun, Chủ tịch tập đoàn công nghệ Qi An Xin, mô tả lĩnh vực an ninh quốc gia trên không gian mạng là “cuộc chiến trên mạng giữa các nước.”

Wu đánh giá rằng “quá trình thông tin hóa sẽ hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, xã hội và quốc gia. Nếu quá trình này bị phá hủy, những yếu tố trên sẽ không tồn tại được.”

Trong một bài phát biểu với truyền thông nhà nước, Wu đã bày tỏ lo ngại về các điểm yếu trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc và mong muốn của Bắc Kinh nhằm phát triển các năng lực “mất cân đối” trong lĩnh vực không gian mạng.

Trong cuộc trao đổi gần đây, tôi (nhà báo Brandon J. Weichert) đã cùng một chuyên gia cao cấp về an ninh mạng của chính phủ Mỹ làm rõ thực tế nói trên, bên cạnh những điểm yếu trong chuỗi cung ứng, không chỉ của Mỹ mà còn của cả Trung Quốc. Hai quốc gia bên bờ Thái Bình Dương này đều đang có cùng hướng suy nghĩ.

[Hàng loạt quốc gia tăng cường chiến lược an ninh mạng]

Tương tự như vụ “SolarWinds,” với việc Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào hệ thống Colonial Pipeline - làm gián đoạn phần lớn dòng năng lượng của Mỹ - và các nhà máy đóng gói thịt của công ty JBS, các chiến lược gia an ninh mạng của Trung Quốc và Mỹ đang tỏ ra lo ngại về các điểm yếu trong hệ thống của họ, cũng như cảnh giác trước khả năng đối thủ có thể đe dọa một số chuỗi cung ứng nhạy cảm trên không gian mạng.

Mặc dù tin tưởng Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ về an ninh mạng, song Wu cho rằng Bắc Kinh sẽ cần phải đi trước Washington trong lĩnh vực chiến lược quan trọng này.

Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc cần phát triển cân bằng các năng lực về an ninh mạng. Theo ông Wu, Trung Quốc cần tận dụng các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như vi tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo, nhằm nâng cao sức mạnh của nước này trong các chiến dịch tấn công mạng, cũng như tăng cường khả năng bảo mật các hệ thống quan trọng và dữ liệu nhạy cảm.

Đây chính là mô hình phát triển sáng tạo, “nhảy vọt" vốn đã giúp Trung Quốc trỗi dậy thần tốc kể từ khi Mao Trạch Đông tiến hành mở cửa với phương Tây vào năm 1972.

Kể từ đó, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng - từ một vùng đất nông nghiệp lạc hậu dưới ách thống trị hà khắc - trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ngày nay, Trung Quốc đang theo đuổi một mô hình phát triển nhanh chóng, năng động và có tính cạnh tranh cao, nhằm hướng tới mục tiêu mà Mao Trạch Đông từng đề ra vào năm 1949 là “theo kịp người Anh và đánh bại người Mỹ.”

Nước này đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên. Từ sự phát triển lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc ngày nay, có thể nhận định rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng để hoàn thành mục tiêu thứ hai, trừ khi Mỹ quyết liệt hơn trong cuộc cạnh tranh này.

Để đạt được mục tiêu trên, công ty của Wu đã trở thành thành viên của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, theo đó đi tiên phong trong lĩnh vực “khuôn khổ an ninh nội sinh,” ứng dụng chủ yếu trong các tổ chức chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Đây là phương pháp để xây dựng lại một mạng lưới dễ bị tấn công thành một cấu trúc mới, có thể ngăn chặn bất kỳ đối tượng tin tặc nào truy cập và/hoặc làm gián đoạn các hệ thống đó.

Việc bảo mật các luồng dữ liệu hiện là yếu tố cốt lõi trong chiến lược an ninh mạng mà Trung Quốc đang phát triển. Ví dụ, trước mối lo ngại về bảo mật dữ liệu, vừa qua Trung Quốc đã yêu cầu xóa nền tảng gọi xe Didi khỏi các kho ứng dụng của nước này.

Do dòng chảy dữ liệu đi qua nhiều nền tảng trên không gian mạng - và xuyên qua cả các đường biên giới quốc tế - nên Bắc Kinh lo ngại rằng Didi và các ứng dụng khác có thể trở thành công cụ để các cơ quan tình báo Mỹ mở rộng khả năng giám sát hoặc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào Trung Quốc.

Nhà báo David P. Goldman cũng đồng tình với đánh giá này. Như Goldman đã trình bày trong cuốn sách có tựa đề “You Will Be Assimilated: China’s Plan to Sino-Form the World” (tạm dịch là “Kế hoạch đồng hóa thế giới của Trung Quốc”), Mỹ đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng viễn thông đầu tiên vào thế kỷ trước, do đó cộng đồng tình báo nước này đã được hưởng quyền truy cập chưa từng có tiền lệ vào các luồng dữ liệu quốc tế.

Giờ đây, khi Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ để giành vị thế tối cao, Bắc Kinh không còn bằng lòng với mô hình đó nữa.

Tương tự như cách mà các công ty công nghệ Trung Quốc tước đoạt công nghệ sản xuất chip máy tính thiết yếu, việc từ chối dữ liệu quan trọng là một vũ khí khác trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày nay. Cuộc đua về an ninh mạng giữa hai nước mới chỉ bắt đầu. Theo lập luận của Wu Yunkun, Mỹ đã tỏ ra quá tự mãn trong lĩnh vực này.

Năm 2020 đã đánh dấu tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh mạng ở Trung Quốc, không chỉ để sánh ngang mà còn để vượt qua Mỹ. Washington và các đồng minh đã tỏ ra chủ quan đối với an ninh mạng, cũng như năng lực tổng thể về công nghệ thông tin của họ.

Trước thực tế Trung Quốc đang tìm cách tự chủ hơn trên không gian mạng (mà không phải tách biệt khỏi thế giới), các chuyên gia của nước này đang làm sống lại cơ sở hạ tầng an ninh mạng.

Qua đó, Trung Quốc hy vọng sẽ lấp kín bất kỳ khoảng trống nào có thể tồn tại trong hệ thống an ninh mạng của nước này, đồng thời trở thành thị trường độc quyền trong việc tạo ra các dịch vụ và thiết bị mới về công nghệ thông tin.

Như mọi khi, tương tác Mỹ-Trung không hề tĩnh lặng. Mỹ có lợi thế đáng kể so với Trung Quốc trên không gian mạng, nhưng thực tế này không khiến Bắc Kinh cảm thấy bối rối.

Các chuyên gia kỹ thuật Mỹ không nên ngủ quên trên đỉnh vinh quang về công nghệ. Họ nên lắng nghe những lời của Wu Yunkun và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc.

Nếu Mỹ muốn giữ vị thế dẫn đầu về an ninh mạng, họ cần chuẩn bị sẵn sàng các công nghệ mới - chẳng hạn như vi tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo - để chống lại Trung Quốc, đồng thời bảo vệ các mạng lưới quan trọng của Mỹ trước sự tấn công của Trung Quốc, trước khi Bắc Kinh có thể làm điều tương tự. Trung Quốc đang mạnh lên từng ngày và sẽ vượt qua Mỹ nếu Washington không hành động quyết liệt hơn./.

(Vietnam+)