Trọng tâm của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ: Phục hồi hay tăng trưởng?

Thứ năm, 29/7/2021 | 17:36 GMT+7

Trong kỷ nguyên này, khi “các đợt sóng dữ” liên tục xảy ra, nhiệm vụ đầu tiên của các nhà lãnh đạo là xây dựng khả năng phục hồi để dẫn tới thay đổi căn bản, cho người dân của họ và cho cả thế giới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo scmp.com, các chuyên gia thường "đóng khung" cạnh tranh Mỹ-Trung trên phương diện kinh tế, quân sự và ngoại giao. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh này thực tế còn liên quan đến một điều gì đó quan trọng hơn nhiều.

Cạnh tranh Mỹ-Trung không chỉ là về kinh tế. Khi Trung Quốc xây dựng nền kinh tế tiêu dùng của riêng mình và ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu để tăng trưởng, cuộc cạnh tranh kinh tế với Mỹ sẽ trở nên ít quan trọng hơn.

Khi Trung Quốc và Mỹ quyết tâm phát triển nền kinh tế tri thức của mình, cả hai chắc chắn đều không có đủ nguồn lao động lành nghề. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh nhằm thu hút nhân tài nước ngoài sẽ cần tới “những củ cà rốt” chứ không phải “những cây gậy.”

Mặc dù việc có sẵn một lực lượng lao động kỹ năng thấp cũng sẽ là một thách thức ngày càng lớn, nhưng vấn đề này có thể được giải quyết thông qua các biện pháp khuyến khích ở trong nước và chính sách nhập cư. Trung Quốc hiện chuyển nhiều hoạt động gia công sản xuất có kỹ năng thấp ra nước ngoài.

Trong thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể quản lý nền kinh tế của mình mà không có sự hợp tác của thế giới. Việc hai nước này tách rời là điều không mong muốn đối với tất cả mọi người có liên quan và cũng là điều không thể nếu xét tới vấn đề nợ quốc tế, tiền tệ kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia khổng lồ và sự tích lũy của cải xuyên biên giới.

[Trung Quốc và Mỹ mong muốn đối thoại thường xuyên, xóa bỏ hiểu lầm]

Về chủ nghĩa bành trướng quân sự, căng thẳng Mỹ-Trung sẽ rất gay cấn. Tuy nhiên, so với các đế chế lâu đời hơn, Mỹ đã chia sẻ ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi.

Xung đột “vùng xám” sẽ gia tăng nhưng không một chính trị gia hay người lính biết suy nghĩ nào muốn lặp lại cuộc rượt đuổi “mèo vờn chuột” Xô-Mỹ.

Cạnh tranh Mỹ-Trung cũng không phải là về vấn đề quản trị. Mỹ không nhanh nhẹn như người ta nghĩ. Mặc dù giới lãnh đạo chính phủ thay đổi vài năm một lần, song có một nhóm nhỏ các nhà kỹ trị không được dân bầu sẽ viết ra và quản lý chính sách của đất nước trong nhiều thập kỷ.

Trong bối cảnh công nghệ làm thay đổi những gì chính phủ có thể và nên kiểm soát, các công ty đang đảm nhận các trách nhiệm quản trị truyền thống, điều tiết tiền tệ và thị trường. Họ kích thích tiêu dùng bằng những cách mà các chính sách của quốc gia không bao giờ có thể làm được.

Cả Washington và Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm cách tái khẳng định quyền kiểm soát của mình đối với cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia.

Cạnh tranh Mỹ-Trung cũng không phải là cạnh tranh về khế ước xã hội. Mỹ coi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người độc tài, còn Mỹ là “ngọn hải đăng” của tự do chính trị.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép tranh luận nhiều hơn so với mức mà phương Tây công nhận, trong khi đó, Mỹ lại xét xử những người biểu tình ở đồi Capitol, vốn phần lớn là những người biểu tình hòa bình.

Nếu những điều kể trên không phải là trọng tâm của cạnh tranh Trung-Mỹ, vậy đâu mới là mục đích chính của cuộc cạnh tranh này? Đó là về khả năng phục hồi trước “những đợt sóng dữ”. Tất cả những điều kể trên đều là những “làn sóng thay đổi” có thể quản lý được một cách riêng rẽ, nhưng chúng trở nên không thể kiểm soát được khi chúng hòa vào nhau và tạo ra những cú sốc lớn - “những đợt sóng dữ.”

Khả năng phục hồi là chỉ số quan trọng duy nhất khi tình hình "có biến", chẳng hạn như dịch COVID-19 bùng phát. Khi thế giới chuyển động nhanh hơn và kết nối chặt chẽ hơn, chúng ta sẽ thấy “những làn sóng dữ” xuất hiện thường xuyên hơn.

Chúng bao gồm tình trạng biến đổi khí hậu, nguyên nhân bắt nguồn từ tăng trưởng kinh tế, các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng tài chính, kỹ thuật số và cả cơ sở hạ tầng vật lý, và các đại dịch vốn được đẩy nhanh bởi mật độ dân số tăng và việc đi lại bằng đường hàng không.

Mỗi một vấn đề kể trên là một trong những mối đe dọa đòi hỏi các nước phải có khả năng phục hồi sau những cú sốc lặp đi lại lại. Tất cả phải được giải quyết bằng sự hợp tác, chứ không phải cưỡng ép. Không ai là kẻ thắng nếu cả thế giới lụi tàn.

Khi “những đợt sóng dữ” ập đến, chủ nghĩa bành trướng làm cho các quốc gia trở nên dễ bị sụp đổ hơn. Điều đó đã khiến Liên Xô, các đế chế Anh và La Mã sụp đổ. Trò chơi địa chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn nguy hiểm hơn cả, khiến thế giới sao nhãng khỏi những thử thách thực sự.

Trong kỷ nguyên hiện nay, khi “các đợt sóng dữ” liên tục xảy ra, nhiệm vụ đầu tiên của các nhà lãnh đạo là xây dựng khả năng phục hồi để dẫn tới những thay đổi căn bản, cho người dân của họ và cho cả thế giới.

Khả năng phục hồi là nền tảng của sức mạnh, chứ không phải sự tăng trưởng. Nếu bạn không thể chơi, bạn không thể chiến thắng. Mỹ đã không chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Liên Xô cũng thua cuộc.

Tiền bạc, sức mạnh và ảnh hưởng có thể biến những thay đổi thành tăng trưởng, nhưng trước tiên, bạn cần phải trụ vững để tiếp tục tồn tại./.

(Vietnam+)