Lý do Mỹ không được phép để thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ

Thứ hai, 12/7/2021 | 11:15 GMT+7

Nếu không nhanh chóng trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh tàn khốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/6 vừa qua tuyên bố rằng Iran sẽ “không bao giờ có được vũ khí hạt nhân.”

Sáng cùng ngày hôm đó, ông Biden đã tiến hành cuộc không kích lần thứ hai nhằm vào các nhóm phiến quân thân Iran ở Iraq và Syria.

Các cuộc không kích diễn ra chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận tạm thời giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sụp đổ, khiến các thanh sát viên quốc tế không thể tiếp cận được các địa điểm hạt nhân của Iran.

Diễn biến ngày càng khó lường này sẽ chỉ tiếp tục vượt ra ngoài tầm kiểm soát nếu không có sự quay trở lại các hoạt động ngoại giao, đây vẫn là biện pháp khả thi duy nhất để ông Biden thực hiện cam kết “không để Iran phát triển vũ khí hạt nhân.”

Nếu không nhanh chóng trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh tàn khốc.

[Khi các đồng minh chưa thực sự tin "Nước Mỹ đã trở lại"]

Sau cuộc không kích, các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân dự kiến sẽ một lần nữa nhóm họp tại Vienna (Áo) cho vòng đàm phán thứ 7 nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trong khi các báo cáo chỉ ra rằng một thỏa thuận có thể đạt được, một quan chức Mỹ thừa nhận các cuộc đàm phán không thể tiếp tục “vô thời hạn.”

Ba năm sau khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, giờ đây chúng ta đang tiến đến thời điểm quyết định đối với ngoại giao Mỹ-Iran, với những tác động lớn về lâu dài đối với tương lai của Trung Đông.

Tại thời điểm then chốt này, việc các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân - tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) - là rất quan trọng.

Trong khi JCPOA được công chúng ủng hộ rộng rãi và được tán thành mạnh mẽ trong cương lĩnh của đảng Dân chủ, có một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng của đảng Dân chủ, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez (bang New Jersey), lại có quan điểm cho rằng Biden nên chờ đợi để có một "thỏa thuận tốt hơn" nhằm giải quyết một danh sách dài các vấn đề phi hạt nhân khác, bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, sự ủng hộ cho các tổ chức phi nhà nước có vũ trang xung quanh khu vực và vi phạm nhân quyền. Đây là những lo lắng chính đáng.

Nhưng khi căng thẳng leo thang gần đây cho thấy rõ cách tiếp cận "một mất một còn" này nhiều khả năng không dẫn đến một thỏa thuận nào cả, một mối đe dọa chiến tranh lại hiện hữu và điều này là không thể chấp nhận được.

Mặc dù mọi người đều muốn thấy một thỏa thuận “lâu dài và mạnh mẽ hơn,” nhưng cách duy nhất để đạt được thỏa thuận đó là phải nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân, khôi phục mức độ tin cậy giữa Mỹ và Iran và xây dựng trên tiến trình đó để theo đuổi chính sách ngoại giao khu vực nhiều tham vọng hơn.

JCPOA không phải và không bao giờ có ý định trở thành một thỏa thuận bao trùm giải quyết mọi vấn đề tranh chấp giữa Mỹ và Iran.

Thỏa thuận này nhằm ngăn chặn bất kỳ con đường tiềm tàng nào dẫn đến vũ khí hạt nhân của Iran, bản thân nó là một thành tựu ngoại giao lịch sử.

Theo những thông tin thu thập được, thỏa thuận đã hoạt động chính xác như dự định cho đến khi Trump rút khỏi nó. Iran vẫn tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình ngay cả một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Nhưng để đối phó với việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran đã dần thực hiện các bước đi nằm ngoài các điều khoản của JCPOA, rút ngắn “thời gian đột phá” để chế tạo một vũ khí hạt nhân tiềm năng và hủy bỏ cam kết để các thanh sát viên quốc tế kiểm tra. Đây chỉ là một trong nhiều hậu quả của cách tiếp cận gây "áp lực tối đa" tai hại của Trump, vốn đã đẩy hai nước đến gần bờ vực chiến tranh toàn diện một cách đáng sợ và gây ra những đau khổ không đáng có cho người dân Iran, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Mặc dù các thành viên đảng Dân chủ Mỹ trong Quốc hội chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch gây “áp lực tối đa” của Trump, nhưng cách tiếp cận "thỏa thuận tốt hơn" của Thượng nghị sỹ Menendez về cơ bản không thoát khỏi hiện trạng nghiệt ngã.

Ngay cả khi có chủ đích tốt, cách tiếp cận này không tính đến thực tế chính trị nội bộ cũng như tầm quan trọng của việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Mặc dù các lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân thường Iran, các nhà lãnh đạo Iran vẫn cam kết vượt qua cơn bão và chống lại áp lực của Mỹ.

Khác với việc khiến công chúng Iran chống lại chính phủ, các lệnh trừng phạt đã thổi bùng thêm ngọn lửa chống Mỹ ở Iran, với đỉnh điểm là chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây của Ebrahim Raisi, một người theo đường lối cứng rắn, để thay thế Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một nhà cải cách luôn ủng hộ JCPOA.

Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để thúc đẩy các nhượng bộ của Iran đã không hiệu quả dưới thời Trump và cũng sẽ không hiệu quả dưới thời Biden.

Đảng Dân chủ phải đảm bảo thỏa thuận hạt nhân, có lẽ là thành tựu chính sách đối ngoại lớn của chính quyền Obama-Biden, không được phép sụp đổ mà thay vào đó đem lại hy vọng về ngoại giao ngắn hạn giữa Mỹ và Iran./.

(Vietnam+)