Nhìn nhận đúng về 'bong bóng du lịch' tại châu Á-Thái Bình Dương

Chủ nhật, 30/5/2021 | 21:18 GMT+7

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc đóng cửa ngành du lịch, với lượng khách quốc tế giảm 84%, từ 360 triệu năm 2019 xuống còn 57 triệu trong năm 2020.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin đại dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống của nhiều người trên thế giới trở nên tĩnh tại hơn.

Ngoài việc các địa phương bị phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai, các cửa khẩu quốc tế cũng gần như dừng hoạt động trong khi ngành du lịch đình trệ.

Lượng khách quốc tế đã giảm khoảng 75% trong năm ngoái, từ 1,5 tỷ lượt du khách trong năm 2019 xuống chỉ còn 381 triệu lượt vào năm 2020.

Trước khi đại dịch bùng phát, người ta khó có thể tưởng tượng được các hoạt động đi lại toàn cầu sẽ suy giảm mạnh mẽ trong bối cảnh siêu toàn cầu hóa như hiện nay.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc đóng cửa ngành du lịch, với lượng khách quốc tế giảm 84%, từ 360 triệu năm 2019 xuống còn 57 triệu trong năm 2020.

[Hoãn “bong bóng du lịch” giữa Hong Kong-Singapore do dịch bùng phát]

COVID-19 đã đưa ngành du lịch trở lại giai đoạn khoảng ba thập kỷ trước, khi chỉ những người giàu có mới có thể đi du lịch, và phần lớn số này lại không phải là những người châu Á.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, du lịch quốc tế mới trở nên phổ biến hơn với người châu Á nhờ mức thu nhập sau thuế được cải thiện.

Sang đến năm 2012, khách du lịch từ Trung Quốc Đại lục bắt đầu tăng nhanh và trở thành nhóm khách lớn nhất trên thị trường du lịch quốc tế. Tuy nhiên, việc biên giới bị đóng cửa biên giới vì đại dịch đã khiến đà tăng trưởng này chững lại.

Bong bóng du lịch trở thành giải pháp tạm thời cho sự suy thoái của ngành du lịch. Các dàn xếp cụ thể về điểm đến và điểm đi của chính quyền sẽ giúp phân chia và quản lý hiệu quả phạm vi di chuyển của khách du lịch.

Một số địa điểm sẽ được mở cửa đón tiếp một bộ phận dân cư nhất định, trong khi những nơi khác bị đóng cửa.

Người dân từ các quốc gia “rủi ro thấp” mới được phép di chuyển trong những phạm vi này.

Điều này sẽ dẫn đến việc hình thành một hệ thống phân cấp linh hoạt mới, với các quy định đan xen từ chính quyền khu vực, nhà nước và các cơ quan an ninh y tế, khiến hoạt động quản trị xuyên biên giới và chính trường khu vực trở nên phức tạp hơn.

Tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp tại các nước châu Á-Thái Bình Dương đã giúp bong bóng du lịch trở thành giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, nhiều kế hoạch đã phải hoãn hoặc rút ngắn thời gian khi số ca lây nhiễm COVID-19 có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây.

Singapore là một trong những quốc gia tích cực nhất ở châu Á trong việc thiết lập các bong bóng du lịch một chiều và hai chiều, đặc biệt là vào thời điểm quốc gia này chuẩn bị đăng cai Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng Tám tới.

Singapore đã thử thiết lập bong bóng du lịch với Hong Kong từ tháng 11/2020, song kế hoạch này đã phải hoãn lại vì biến động trong số ca lây nhiễm COVID-19.

Singapore đã thông báo triển khai bong bóng du lịch dự kiến vào cuối tháng 5/2021 với khoảng 200 vé bay mỗi ngày với mỗi điểm đến. Ngay sau thông báo này, giá vé máy bay nhanh chóng tăng vọt khoảng 50%.

Tuy nhiên, bong bóng du lịch Singapore-Hong Kong đầu tiên này rất có thể sẽ bị hoãn lại do dịch bùng phát tại sân bay Changi ở Singapore.

Hong Kong cũng áp dụng việc tiêm phòng bắt buộc đối với du khách Hong Kong trước khi khởi hành, nhưng không yêu cầu tương tự đối với du khách Singapore nhập cảnh.

Quy định áp đặt và bất bình đẳng này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận đặc khu hành chính Hong Kong.

Bức tranh tại châu Á khá đa dạng màu sắc. Nhật Bản vẫn quyết định tổ chức Thế vận hội, sự kiện bị trì hoãn do đại dịch, theo phương thức hạn chế, bất chấp sự chỉ trích gay gắt của dư luận.

Thái Lan đã thiết lập bong bóng du lịch giới hạn bằng cách biến các khu nghỉ dưỡng tại Phuket trở thành “trung tâm cách ly” để thu hút khách du lịch ở lại lâu dài.

Việt Nam từng nỗ lực thúc đẩy bong bóng du lịch với Nhật Bản vào tháng 11/2020, nhưng nhiều hạn chế lớn đã cản trở những nỗ lực này. Trong khi đó, hòn đảo Đài Loan đã cùng Palau xây dựng bong bóng du lịch đầu tiên vào tháng Tư vừa qua.

Trung Quốc đã cho thấy khả năng kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, song nỗ lực triển khai bong bóng du lịch vẫn còn chậm và yếu ớt.

Bắc Kinh đã nới lỏng một số yêu cầu về cách ly vào cuối năm 2020, song chỉ áp dụng với các chuyến bay giữa một số thành phố của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Australia và New Zealand đã áp dụng các quy định phong tỏa chặt chẽ và thận trọng với việc mở cửa biên giới. Mãi đến tháng 4 vừa qua, hai bên mới thông qua kế hoạch thiết lập bong bóng du lịch xuyên Tasman.

Các sáng kiến về bong bóng du lịch tại châu Á-Thái Bình Dương đều quan trọng, song kết quả thu về cho đến nay chưa thực sự đáng kể.

Điều trớ trêu là các quốc gia làm tốt nhất trong việc kiểm soát COVID-19  và đang ở vị thế tốt nhất để phát triển bong bóng du lịch cũng chính là các quốc gia gặp nhiều rủi ro với việc kiểm soát dịch COVID-19.

Ngay cả trong trường hợp các bong bóng du lịch được duy trì ở quy mô nhỏ, thực tế này cũng đang phản ánh một sự thay đổi từ tập hợp các quy tắc quốc tế sang những dàn xếp cụ thể giữa một vài quốc gia riêng lẻ. Mọi quốc gia đều có cơ hội xem xét lại các quy định xuất nhập cảnh của mình.

Bong bóng du lịch được coi là một cách quản lý an ninh y tế thông qua các  chứng nhận về sức khỏe, kết quả xét nghiệm COVID-19, sổ tiêm chủng và lịch sử đi lại.

Tuy nhiên, đây cũng có thể trở thành công cụ phục vụ những mục đích địa chính trị khác không liên quan đến y tế. Trung Quốc và Australia khó có thể thiết lập các bong bóng du lịch ngắn hạn do hàng loạt mâu thuẫn về mặt ngoại giao, dù nguy cơ về y tế giữa hai bên khá thấp.

Những tác động và hệ lụy của COVID-19 sẽ tiếp tục diễn ra đan xen với các vấn đề khác cả ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Những thỏa thuận mới như bong bóng du lịch đã biến thế giới thành những khu vực lưu động nhất định.

Hình thức lưu động về mặt địa lý này sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế chính trị toàn cầu cũng như chính trường quyền lực thế giới vẫn là điều cần phải chờ xem./.

(Vietnam+)