Nhân tài - động lực mới để Trung Quốc phát triển kinh tế bền vững

Thứ bảy, 29/5/2021 | 16:32 GMT+7

Trước đây, Trung Quốc có thể dựa vào lợi ích kinh tế từ dân số khổng lồ nhưng trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 12," lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra "chiến lược nhân tài chấn hưng quốc gia."

(Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 11/5, Chính phủ Trung Quốc công bố kết quả tổng điều tra dân số lần thứ bảy. Khác với dự đoán tiêu cực của giới bên ngoài, tổng dân số Trung Quốc vẫn vượt mức 1,4 tỷ người.

Theo thông báo của của Cục trưởng Cục thống kế quốc gia Trung Quốc Ninh Cát Triết tại buổi họp báo, tổng dân số Trung Quốc là 1.411.780.000 người, tăng 72,06 triệu người so với năm 2010, tương ứng 5,38%, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 0,53%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2000-2010.

Số liệu cho thấy dân số Trung Quốc liên tục duy trì xu hướng tăng trưởng thấp trong 10 năm qua.

Ngoài ra, trong cơ cấu dân số toàn Trung Quốc, nam giới chiếm 51,24% với 723.339.956 người, và nữ giới chiếm 48,76% với 688.438.768 người. Tỷ lệ giới tính khi sinh (SRB) là 105,07.

[Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học]

Mặc dù tổng dân số Trung Quốc vẫn vượt mức 1,4 tỷ người, nhưng có vẻ như nước này đã bước vào giai đoạn phát triển mới và hiệu suất cận biên của lợi ích kinh tế từ sự thay đổi cơ cấu dân số giảm dần đã trở thành xu hướng lớn.

Do đó, sau giai đoạn hưởng lợi ích kinh tế từ sự thay đổi cơ cấu dân số, Trung Quốc cần phải đẩy nhanh phát triển nền kinh tế dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài, và đây cũng là biện pháp cần thiết để ứng phó với xu hướng dân số tăng trưởng chậm.

Nền kinh tế dựa vào nhân tài đang là động lực mới của phát triển bền vững kinh tế xã hội và là mũi nhọn đi đầu, trong khi tăng trưởng việc làm được coi là chìa khóa then chốt của phát triển kinh tế và là vấn đề mang tính nền tảng.

Trên thực tế, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, các nước đều đang tập trung bảo đảm việc làm, đồng thời hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể.

Chẳng hạn Nhật Bản nới lỏng trợ cấp việc làm, tìm kiếm lao động chung; Malaysia phát triển nền kinh tế việc làm tự do, khuyến khích việc làm linh hoạt; Nga xây dựng nền tảng kết nối, tăng cường cơ hội thực tế; Tây Ban Nha mở rộng đào tạo nghề, đẩy mạnh chứng nhận kỹ năng…

Tại kỳ họp Lưỡng hội năm 2020, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường xác định rõ trong báo cáo công tác chính phủ rằng cần hướng dẫn các bên tập trung nắm chắc và thực hiện tốt "6 ổn định," "6 bảo đảm", đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường công tác "6 ổn định," bảo đảm việc làm cho người dân, bảo đảm dân sinh cơ bản, bảo đảm chủ thể thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, bảo đảm ổn định chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, bảo đảm hoạt động của sơ sở. Trong đó, cho dù là "6 bảo đảm" hay "6 ổn định," thì bảo đảm việc làm đều nằm ở vị trí quan trọng hàng đầu.

Bảo đảm việc làm là rất quan trọng. Tuy nhiên, cùng với giai đoạn phát triển mới đang đến, một mặt cần thực hiện việc làm đầy đủ hơn, chất lượng cao hơn, chẳng hạn như để giải quyết vấn đề khó khăn về việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, cần nỗ lực cải thiện nhu cầu, tạo ra nhiều việc làm loại hình tri thức, công nghệ, sáng tạo hơn. Mặt khác cần phải phát triển nhanh nền kinh tế dựa vào nguồn nhân lực là nhân tài.

Nhân tài là một trong những yếu tố sản xuất, trên thực tế là một vấn đề không mới, nhưng cùng với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và làn sóng đổi mới sản xuất công nghiệp, thế giới bước vào cục diện thay đổi 100 năm hiếm có, thì vấn đề cũ này lại có ý nghĩa mới.

Trước đây, Trung Quốc có thể dựa vào lợi ích kinh tế từ dân số khổng lồ để đảm nhận vai trò "công xưởng thế giới," nhưng điều này đã không còn phù hợp trong thời đại thông tin ngày nay. Ngành sản xuất chế tạo hiện nay đã ngày càng được số hóa.

Ngoài ra, sự phát triển của xã hội hiện nay không chỉ sản sinh ra nhiều ngành công nghiệp mới nổi trong nền kinh tế kỹ thuật số, chẳng hạn như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), mà hơn nữa, rất nhiều ngành công nghiệp truyền thống cũng đang chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa, bao gồm chăm sóc sức khỏe trực tuyến, nông nghiệp chính xác, điều khiển tự động…, đây là những điều không thể tưởng tượng trong quá khứ.

Công nghệ đang tiến bộ, sản xuất đang thay đổi, nhiều mô hình bị lật đổ, song cơ cấu bồi dưỡng nhân tài hiện chưa thích ứng với nhu cầu điều chỉnh của kết cấu sản xuất công nghiệp, thậm chí lạc hậu so với việc nâng cấp kết cấu sản xuất công nghiệp.

Mặc dù Trung Quốc có hơn 200 triệu lao động lành nghề và hơn 50 triệu lao động tay nghề cao, song tỷ lệ tổng dân số có việc làm lại không cao.

Do đó, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là đẩy nhanh bồi dưỡng một lượng lớn lao động chất lượng cao và nhân tài kỹ năng công nghệ, thúc đẩy cơ chế đào tạo kỹ năng nghề trọn đời. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá và khuyến khích nhân tài.

Đồng thời, thông qua chính phủ hướng dẫn và kiện toàn các chính sách hỗ trợ cho lao động có tay nghề, các trường dạy nghề, nhằm khơi thông các kênh phát triển nhân tài và nâng cao tỷ lệ đào tạo nhân tài có có kỹ năng từ đầu nguồn.

Trong phát triển kinh tế, nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất. Trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 12," lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra "chiến lược nhân tài chấn hưng quốc gia."

Đến nay, trong năm mở đầu "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14" của Trung Quốc thì môi trường bên ngoài đã có nhiều thay đổi lớn, do đó xác định kinh tế nhân tài là nhu cầu để định hình lợi thế phát triển mới cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19, "sức mạnh kinh tế, sức mạnh khoa học công nghệ, sức mạnh tổng hợp quốc gia sẽ tăng mạnh," "thực hiện đột phá vượt bậc trong các công nghệ then chốt," "bước vào hàng ngũ những nước đứng đầu về mô hình đổi mới," "cơ bản thực hiện công nghiệp hóa, tin học hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hiện đại hóa mô hình mới, hoàn thành xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa"… đều cần đến nhân tài, hơn nữa là nhân tài kiểu mới phù hợp với nền kinh tế mới.

Những nhân tài kiểu mới này trưởng thành trong giai đoạn Trung Quốc phát triển với tốc độ cao nhất, thời kỳ xã hội Trung Quốc phân hóa giàu nghèo mạnh nhất, chắc chắn sẽ trở thành lực lượng trụ cột trong phát triển kinh tế xã hội.

Trong 4 năm qua, đối diện với cuộc chiến công nghệ do Mỹ phát động nhằm vào Huawei và ByteDance, người Trung Quốc ngày càng cảm nhận được cần phải tự chủ về công nghệ, không thể lệ thuộc vào người khác.

Điều này được thể hiện rõ trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 14," trong đó việc tăng cường sức mạnh công nghệ chiến lược quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp được đặt lên vị trí đầu tiên trong 13 nội dung lớn./.

(Vietnam+)