Nền tảng cung cấp vật tư y tế châu Phi: Hình mẫu cho thế giới

Thứ năm, 20/5/2021 | 13:14 GMT+7

Nền tảng cung cấp vật tư y tế châu Phi mang lại những ý tưởng từ khu vực tư nhân, dù có những thiếu sót nội tại nhưng lại nhanh hơn đáng kể so với chính phủ.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Khartoum, Sudan, ngày 9/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang dailymaverick.co.za mới đây đăng bài của tác giả Zachary Donnenfeld, tư vấn nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS), phân tích mô hình nền tảng cung cấp vật tư y tế châu Phi - thể hiện rõ quan điểm “Giải pháp châu Phi cho các vấn đề châu Phi” - với hiệu quả rõ rệt và minh bạch trong hỗ trợ châu Phi mua sắm vật tư y tế đối phó với đại dịch COVID-19. Nội dung như sau:

Tháng 3/2020, thế giới tranh giành những chiếc khẩu trang N95, găng tay và các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) khác. Các nhà lãnh đạo chạy đua với thời gian để đàm phán với các nhà cung cấp y tế nhằm đạt được những giao dịch vào phút cuối với giá cắt cổ.

Tháng 4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận giá khẩu trang phẫu thuật đã tăng gấp 6 lần. Ở châu Phi, khẩu trang N95 có giá hơn 20 USD/chiếc và PPE giả tràn lan. Thị trường toàn cầu cho vật tư y tế mở cửa cho mọi chủ thể, cộng thêm sự thao túng và các mặt hàng “thường được bán cho người trả giá cao nhất” theo như đánh giá của WHO.

Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến Liên minh Đổi mới sáng tạo chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch bệnh (CEPI), Liên minh vaccine (Gavi - một nhà cung cấp dịch vụ y tế), WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã phối hợp thiết lập COVAX (Cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu).

Mục tiêu của COVAX là nhằm “đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới.”

Dự án COVAX đặt mục tiêu tiêm chủng cho 20% dân số ở các quốc gia đủ điều kiện “ngay sau khi có vaccine” và đưa ra các hỗ trợ để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch.

[Các nước châu Phi đối mặt tình trạng thiếu vaccine nghiêm trọng]

[Mặc dù COVAX là một nỗ lực cần thiết và đáng khen ngợi, nhưng tham vọng và lịch trình của cơ chế này thường không đáp ứng được nhu cầu của thế giới đang phát triển, trong đó có phần lớn châu Phi.

Vì vậy, trong khi các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đang tất bật với các cuộc điện đàm, doanh nhân và nhà từ thiện Zimbabwe Strive Masiyiwa đã thực hiện các cuộc gọi điện video để thiết lập một điều gì đó hơi khác biệt.

Ông Masiyiwa và khoảng 30 đồng nghiệp châu Phi đã thành lập Nền tảng cung cấp vật tư y tế châu Phi (AMSP) mang tính phi lợi nhuận. AMSP được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) và được điều hành bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) thông qua Liên minh châu Phi (AU), với sự hỗ trợ của Ủy ban Kinh tế châu Phi của LHQ (ECA).

Minh chứng cho thực tế của thời đại COVID-19, các thành viên AMSP chưa bao giờ nhóm họp trực tiếp. Toàn bộ nền tảng được xây dựng một cách trực tuyến, nhằm tránh những rủi ro do các cuộc họp trực tiếp và di chuyển quốc tế gây ra.

AMSP là một nền tảng thương mại điện tử tương đối đơn giản, đã tạo ra một cuộc cách mạng về phản ứng của châu Phi đối với đại dịch - giống như mô hình Amazon hoặc Alibaba của các bệnh viện.

Ý tưởng là kết nối các nhà cung cấp vật tư y tế với các nhà cung cấp dịch vụ y tế và loại bỏ những người trung gian. Việc mua hàng thông qua AMSP chỉ được áp dụng đối với các chính phủ, các hệ thống y tế quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tài trợ.

Trên trang mạng của AMSP, bạn có thể tìm thấy khẩu trang N95, nước sát khuẩn tay, áo choàng phẫu thuật, bộ dụng cụ xét nghiệm, thậm chí cả máy thở. Ngoài ra còn có danh mục “Sản xuất tại châu Phi” để các chính phủ có thể hỗ trợ các nhà sản xuất vật tư y tế lục địa.

Mục tiêu của AMSP là tận dụng sức mua lớn của châu Phi để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả, thông qua tổng hợp các đơn đặt hàng và đảm bảo tính minh bạch để các quốc gia châu Phi có thể cạnh tranh hàng hóa với các nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Nhà đồng sáng lập Masiyiwa cho rằng dịch vụ của Nền tảng cung cấp vật tư y tế châu Phi tổng hợp các giao dịch mua, do đó các nhà cung cấp không phải giao dịch với quá nhiều quốc gia.

Đến tháng 5/2021, các quốc gia trên khắp châu Phi đang mua các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) chất lượng cao với mức giá của thị trường. Khẩu trang N95 có giá khoảng 2 USD/chiếc và mọi thứ trên trang mạng của AMSP đều đến trực tiếp từ nhà sản xuất để giảm thiểu gian lận.

Mặc dù AMSP đang vận hành tương đối lặng lẽ ở châu Phi, các khu vực khác trên thế giới đang chú ý đến nền tảng hiệu quả này. Cuối năm 2020, 15 quốc gia của Cộng đồng Caribe (CARICOM) đã được cấp quyền truy cập vào nền tảng AMSP.

Các quốc gia khác ở Mỹ Latinh và các đảo Thái Bình Dương đề nghị mượn một số mã cơ bản để phát triển các nền tảng của riêng họ. Tuy nhiên, AMSP không tự giới hạn ở PPE và bộ xét nghiệm. Nếu không có bất ngờ nào xảy ra, COVID-19 vẫn sẽ tiếp diễn và Masiyiwa dự đoán đại dịch còn tiếp tục.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Hill (Mỹ), Masiyiwa cho rằng “tùy từng thời điểm, đó có thể là về máy thở, hay bộ dụng cụ xét nghiệm và phương pháp điều trị. Hôm nay là về vaccine.”

Thật vậy, giai đoạn tiếp theo của AMSP bao gồm nỗ lực tích cực mua sắm vaccine để hỗ trợ Nhóm đặc nhiệm mua sắm vaccine châu Phi (AVATT) do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch AU năm 2020 thành lập hồi tháng 1/2021.

Afreximbank đang xem xét tài trợ thêm 2 tỷ USD nhằm “đảm bảo rằng các quốc gia châu Phi có thể tiếp cận nhanh chóng với vaccine ngừa COVID-19, với giá cả cạnh tranh và kịp thời.”

AMSP cũng đưa ra một danh mục mới trên trang mạng của nền tảng này dành cho các phụ kiện vaccine. Điều này sẽ giúp các quốc gia thành viên đảm bảo các vật dụng như tủ đông nhiệt độ cực thấp, kim tiêm và ống tiêm cần thiết để bảo quản và sử dụng vaccine một cách hiệu quả.

Nếu AMSP có thể mang lại mức độ minh bạch và ổn định cho việc phân phối vaccine như đã đạt được đối với mua sắm PPE, người dân châu Phi có thể không phải đợi đến năm 2022 để nhận được các mũi tiêm chủng COVID-19.

AVATT đã nhận được 270 triệu liều vaccine từ Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca, cùng với 300 triệu liều vaccine Sputnik V từ Nga. Con số này đáp ứng được khoảng 1/3 dân số châu Phi trên 15 tuổi. Các quốc gia cũng có thể đặt hàng trước bất kỳ loại vaccine nào trong số 4 loại vaccine được liệt kê, khi nhiều loại vaccine hơn được cung cấp.

Cuộc đua vaccine vẫn còn dài. Việc phân phối chưa công bằng. Các nước giàu hơn đang tích trữ nhiều nguồn cung vaccine giống như đã làm với PPE vào năm 2020 và thậm chí mua số liều nhiều hơn mức cần thiết.

Sự chậm trễ trong sản xuất bắt nguồn từ các vấn đề đông máu khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson, gây tốn kém thời gian và rất nhiều sinh mạng. Tình trạng “khủng hoảng trong khủng hoảng” như ở Ấn Độ sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, dù tình hình thảm khốc như vậy, vẫn có những tia hy vọng le lói.

Đảo ngược quan điểm trước đó về thương mại quốc tế, chính quyền Biden hôm 5/5 thông báo Mỹ sẽ ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến việc phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19. Mặc dù vẫn còn những rào cản phải vượt qua - ngành dược phẩm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phản đối mạnh mẽ - đây là bước đầu tiên cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất vaccine trên toàn cầu.

Nếu sự thay đổi về quyền sở hữu trí tuệ đi kèm với sáng kiến chuyển giao công nghệ, như một số chuyên gia khuyến nghị, điều đó có thể giúp tăng cường năng lực công nghiệp của châu Phi.

Mặc dù việc xây dựng nền tảng sản xuất của châu Phi vượt ngoài nhiệm vụ của AMSP, điều đó không có nghĩa là nên bỏ qua khả năng này. AMSP đã được chứng minh là nhanh nhẹn và nhạy bén, vì vậy có thể lạc quan cho rằng ý tưởng sẽ không bị bỏ qua.

Điều quan trọng là AMSP đang vận hành khẩn trương, trong khi COVAX luôn phải gồng mình để hoạt động.

Quan trọng hơn, do được điều hành hoàn toàn bởi những người châu Phi, AMSP nhận thức được những thách thức phía trước và sẽ phù hợp hơn để giải quyết những trở ngại này./.

(Vietnam+)