Hàn Quốc nguy cơ đánh mất vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ ba, 11/5/2021 | 16:19 GMT+7

Xu hướng hình thành liên minh kiểm soát chất bán dẫn do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn Trung Quốc bắt kịp về mặt công nghệ đã đe dọa vị trí sản xuất chip nhớ số 1 của hãng điện tử Samsung Electronics.

Ảnh minh họa. (Nguồn: koreabizwire.com)

Theo tờ JoongAng Daily và Korea Times (Hàn Quốc), vị trí số 1 của hãng điện tử Samsung Electronics trong ngành công nghiệp sản xuất chip nhớ toàn cầu đang bị đe dọa bởi xu hướng hình thành liên minh kiểm soát chất bán dẫn do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn Trung Quốc bắt kịp về mặt công nghệ.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp không thể tự mình đối phó với xu thế cạnh tranh toàn cầu gay gắt này, Chính phủ Hàn Quốc cần đóng vai trò chủ động, đưa sản xuất chất bán dẫn trở thành một ngành chiến lược quan trọng gắn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Vị trí số 1 ngành công nghiệp bán dẫn bị lung lay

Vị thế thống trị ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc đang bị lung lay khi lĩnh vực này trở thành trọng tâm của cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhật Bản đang cố gắng hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn từng một thời hùng mạnh và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tự chủ về nguồn cung chip. Hàn Quốc đang bị cuốn vào một cuộc xung đột toàn cầu chưa biết đến hồi kết. Nhưng có một điều chắc chắn đó là vị trí số 1 của Samsung Electronics đang bị đe dọa.

[Cảnh báo về tình trạng thiếu hụt trầm trọng chip bán dẫn trên toàn cầu]

Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc gần như độc quyền kiểm soát chip nhớ. Mỹ đã từ bỏ vị trí thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip cho Nhật Bản vào thập niên 1980 và sau đó là Hàn Quốc từ thập niên 1990 đến nay.

Mỹ độc quyền việc thiết kế chip bán dẫn hệ thống không có đặc tính nhớ có vai trò quan trọng trong sản xuất máy tính và cho rằng không cần phải sản xuất chip nhớ, vốn có thể nhập khẩu giá rẻ từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhưng sự xuất hiện của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã thay đổi suy nghĩ của nước Mỹ. Việc ổn định nguồn cung chất bán dẫn hiệu suất cao trở nên thiết yếu, bởi điều đó giúp đảm bảo khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Hiện nhu cầu đối với xe tự động, trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng Internet siêu nhanh và thiết bị quân sự ngày một gia tăng.

Nhu cầu đối với chip bán dẫn tăng nhanh ở mức chưa từng có, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung bị khan hiếm do tác động tiêu cực dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tham vọng của Trung Quốc vượt qua Mỹ cả về sức mạnh kinh tế và quân sự vào năm 2050 đã khiến Mỹ tích cực thay đổi chính sách. Sản xuất chip là mục tiêu cuối cùng trong cuộc "thập tự chinh" của Trung Quốc để hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa."

Chip bán dẫn trở thành yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, sự thống trị của Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip có thể sẽ chấm dứt.

Chính phủ Mỹ đã triển khai gói kích thích tài chính trị giá 50 tỷ USD để khuyến khích sản xuất chip.

Các nhà sản xuất chip của Mỹ như Micron Technology và Intel cũng cam kết đầu tư quy mô lớn.

Samsung Electronics, công ty thống trị về chip nhớ và tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), công ty chế tạo chip lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố đầu tư mạnh vào Mỹ.

Mỹ nắm giữ công nghệ cốt lõi trong thiết kế chip, vì vậy các nhà sản xuất không thể phớt lờ yêu cầu của Washington.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 9/4 tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden tuyên bố chất bán dẫn là một phần của "cơ sở hạ tầng" quyết định hiện tại và tương lai của nước Mỹ.

Đây được cho là lời tuyên chiến của Mỹ với Trung Quốc. Mỹ cũng đang đầu tư mạnh mẽ để xây dựng Mạng truy cập vô tuyến mở (O-RAN) cho phép các nhà mạng di động sử dụng thiết bị của nhiều nhà cung cấp khác nhau nhằm từng bước loại bỏ sự thống trị của "gã khổng lồ" Huawei Technologies (Trung Quốc) trong lĩnh vực cung cấp thiết bị mạng viễn thông 5G. Samsung Electronics cũng rơi vào "thế kẹt" trong trận chiến này.

Tuy nhiên, Samsung đang trong tình trạng "rắn mất đầu" vì nhà lãnh đạo của tập đoàn này đang phải chịu án tù vì tội danh hối lộ cựu Tổng thống đã bị cách chức Park Geun-hye.

Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, đang bị biệt lập trong phòng giam thay vì thực hiện các chuyến công du khắp thế giới để ứng phó với những diễn biến phức tạp của ngành bán dẫn toàn cầu.

Nhiều người đã cho rằng Samsung Electronics là "bất khả chiến bại," nhưng suy nghĩ này dường như đang lung lay trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt hiện nay.

Tham vọng vượt qua TSMC để giành lấy vị trí số 1 trong phân khúc sản xuất chip nhờ khoản đầu tư 133.000 tỷ won (111,9 tỷ USD) vào năm 2030 đang ngày càng xa rời thực tế.

Công ty Đài Loan đã công bố một kế hoạch đầu tư lớn vào tháng 1/2021. TSMC cũng đã bắt tay vào việc xây dựng một nhà máy chế tạo chip ở bang Arizona (Mỹ) và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Nhật Bản đã đề nghị TSMC xây dựng một Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Nhật Bản sau khi công ty Đài Loan chọn Mỹ thay vì Nhật Bản để xây dựng nhà máy chế tạo chip ở nước ngoài.

Cấu trúc của ngành công nghệ sản xuất chip đang tái định hình và tác động đến khả năng sản xuất chip của Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã dựa vào Samsung để giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, nhưng với việc các cường quốc toàn cầu đều nhảy vào cuộc chơi, tương lai trở nên khó đoán định.

Samsung không thể bảo vệ quyền thống trị ở thế đơn độc, Chính phủ cần góp phần bảo vệ ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc.

Thành lập Ủy ban đặc biệt về chiến lược bán dẫn

Ngày 23/4, đảng Dân chủ cầm quyền (DP) đã thành lập một ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ đưa ra các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc.

Ngay trong những ngày đầu làm việc, ủy ban này đã đề xuất soạn thảo một dự luật đặc biệt về cách thức hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước và dự kiến thông qua trước tháng Tám tới.

Ủy ban này bao gồm 25 nhà lập pháp và quan chức chính phủ, các cựu giám đốc điều hành của Samsung Electronics và SK Hynix tham gia với tư cách cố vấn.

Sự ra đời của ủy ban này tuy hơi muộn nhưng được chào đón trong bối cảnh toàn cầu đang thiếu hụt trầm trọng chất bán dẫn, đặc biệt là chất bán dẫn sử dụng trong sản xuất ôtô.

Động thái này diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức vào đầu tháng này để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip.

Tuy nhiên, đáng tiếc là chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã chưa thể khắc phục tình trạng thiếu hụt chip khiến hoạt động của các dây chuyền lắp ráp xe hơi tại Hyundai Motor và các nhà sản xuất ôtô khác bị đình trệ.

Chính phủ không thể tránh khỏi những lời chỉ trích vì đã "khoanh tay đứng nhìn," bất chấp "cuộc chiến chất bán dẫn" toàn cầu đang diễn ra.

Mỹ bắt đầu thành lập một liên minh bán dẫn với Nhật Bản, Đài Loan và EU để tạo ra chuỗi cung ứng riêng và ngăn chặn Trung Quốc bắt kịp về mặt công nghệ.

Trong hội nghị thượng đỉnh với các CEO của 19 nhà sản xuất toàn cầu bao gồm TSMC và Samsung Electronics, Tổng thống Biden đã kêu gọi các nhà sản xuất chip đầu tư vào nước Mỹ.

Chất bán dẫn đang nổi lên như một thành tố chiến lược liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao cuộc đua về chip đang ngày càng gay gắt do sự cạnh tranh về địa chính trị và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Liên minh bán dẫn do Mỹ dẫn đầu dường như đang chuyển thành một liên minh công nghệ gắn chặt với liên minh an ninh chống lại Trung Quốc.

Đáng chú ý, Mỹ quyết định khấu trừ 40% thuế đối với các khoản đầu tư vào các cơ sở bán dẫn tại nước này.

Theo Nhà Trắng, gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden bao gồm 50 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. EU có kế hoạch đầu tư rất lớn để giảm sự phụ thuộc vào chip do nước ngoài sản xuất.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách tăng tỷ lệ tự cung cấp chất bán dẫn từ 15,7% năm 2019 lên 70% vào năm 2025.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp không thể tự mình đối phó với xu thế cạnh tranh toàn cầu gay gắt này, Chính phủ Hàn Quốc cần đóng vai trò chủ động, biến sản xuất chất bán dẫn trở thành một ngành chiến lược quan trọng gắn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ủy ban đặc biệt của Hàn Quốc nên phối hợp với chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để đề ra một chiến lược mới nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Bất kỳ dự luật đặc biệt nào đều nên đi kèm các điều khoản ưu đãi cho các nhà sản xuất chip bán dẫn, bao gồm các khoản khấu trừ thuế đối với đầu tư cơ sở vật chất và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trước mắt, Hàn Quốc cần bãi bỏ các quy định có thể cản trở việc xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tự do hơn./.

(Vietnam+)