Sức hấp dẫn của trái phiếu châu Âu đối với các nước châu Phi

Thứ ba, 04/5/2021 | 10:53 GMT+7

Sức hấp dẫn của trái phiếu châu Âu đối với các nước châu Phi đang trở nên rõ ràng hơn khi làn sóng phát hành mới Eurobond đang tái xuất hiện ở châu lục này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: romania-insider.com)

Trang qz.com mới đây đăng bài phân tích về sức hấp dẫn của trái phiếu châu Âu (Eurobond, trái phiếu đồng euro) đối với các nước châu Phi, khi ngày càng có nhiều nước thuộc khu vực này tìm kiếm nguồn tài chính thông qua phát hành Eurobond.

Theo tác giả bài viết, sức hấp dẫn của trái phiếu châu Âu đối với các nước châu Phi đang trở nên rõ ràng hơn khi làn sóng phát hành mới Eurobond đang tái xuất hiện ở châu lục này.

Triển vọng xếp hạng tín dụng của Benin có sự cải thiện tích cực sau khi phát hành Eurobond thành công vào tháng 1/2021.

Tháng Hai vừa qua, Côte d’Ivoire đã huy động được 1,03 tỷ USD thông qua đợt phát hành trái phiếu châu Âu rất thành công, khi các nhà đầu tư đặt mua với số tiền cao gấp 3 lần giá khởi điểm.

[Vì sao nhiều nước châu Phi chưa “mặn mà” với gói cứu trợ?]

Động thái này tiếp nối đợt phát hành Eurobond tháng 11/2020 của Côte d’Ivoire - đợt phát hành trái phiếu châu Âu đầu tiên ở châu Phi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Kenya đang có kế hoạch sử dụng công cụ nợ này để huy động 1 tỷ USD vào tháng Sáu tới, trong khi Ghana và Nigeria cũng đang chuẩn bị phát hành Eurobond thời gian tới.

Churchill Ogutu, Trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng chuyên về đầu tư Genghis Capital (Nairobi, Kenya), cho biết đại dịch COVID-19 khiến hoạt động phát hành nợ kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, sau đó chính phủ các nước và nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn về triển vọng của châu Phi, một phần nhờ các gói trợ giúp phục hồi COVID-19 trị giá hàng tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức cho vay đa phương khác.

Theo chuyên gia Ogutu, các quốc gia châu Phi đã tránh phát hành nợ khi COVID-19 bùng phát bởi rủi ro về điều khoản tài chính kém.

Dù những rủi ro đó vẫn tồn tại, nhưng khi thế giới bắt đầu chuẩn bị cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, thì vẫn tồn tại những cơ hội có thể nắm bắt.

Eurobond là trái phiếu quốc tế do một quốc gia phát hành bằng đơn vị tiền tệ khác với loại tiền của quốc gia đó.

Do thị trường trái phiếu trong nước hầu hết có khối lượng thấp so với các thị trường giao dịch bằng các loại tiền tệ khác, các quốc gia châu Phi thường chọn các trái phiếu đồng euro để đa dạng hóa các nguồn tài trợ.

Việc sử dụng ngoại tệ cũng có thể cho phép nước phát hành trái phiếu vay với số tiền lớn hơn, mặc dù điều đó đi kèm với rủi ro tiền tệ đáng kể cho người đi vay.

Xu hướng phát hành Eurobond của châu Phi bắt đầu với việc Nam Phi sử dụng công cụ này vào năm 1995.

Nhưng chỉ đến năm 2006 mới có quốc gia thứ hai thuộc khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi, Seychelles, phát hành Eurobond.

Kể từ đó, ít nhất 21 nước đã gia nhập trào lưu, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn Nigeria, Kenya và Ethiopia, với trái phiếu chủ yếu niêm yết trên các sàn chứng khoán London và Ireland.

Trong những năm qua, các thực thể doanh nghiệp trong khu vực cũng đã phát hành thành công Eurobond.

Các quốc gia châu Phi thường sử dụng quỹ Eurobond để chi trả cho các nghĩa vụ nợ sắp đáo hạn và các dự án cơ sở hạ tầng lớn - đặc trưng này vẫn duy trì trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Ghana dự kiến sử dụng nguồn thu từ phát hành Eurobond trong năm nay để hỗ trợ ngân sách và xử lý nợ của nước này.

Nhiều chuyên gia đã chỉ trích mức lãi suất mà các nước châu Phi phải trả cho các trái phiếu Eurobond - từ 5% đến 16% đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, so với lãi suất gần bằng 0 hoặc âm ở châu Âu và Mỹ vào năm 2019.

Giảng viên Đại học Cape Town, Nam Phi Misheck Mutize, cho rằng mức lợi suất cao nói trên một phần do xếp hạng tín nhiệm kém của các nước châu Phi, nhưng cũng không phù hợp giữa thời hạn thanh toán và mục đích sử dụng nguồn tài chính thu được từ phát hành Eurobond, chẳng hạn như cho các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn.

Chuyên gia Churchill Ogutu cho rằng Eurobond đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi suất trái phiếu cao hơn so với lợi suất của các nước phát triển.

Thực tế này cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hấp dẫn của Eurobond hoặc tình trạng đổ xô đăng ký mua đối với những loại trái phiếu đồng euro đã phát hành.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với rủi ro.

Eurobond của Ethiopia lao dốc vào tháng 2/2021 khi nước này tìm cách tái cơ cấu nợ nước ngoài và khiến xếp hạng quốc gia này bị hạ thấp.

Zambia đã vỡ nợ khi phải thanh toán trái phiếu châu Âu trị giá 42,5 triệu euro (khoảng 51 triệu USD) vào cuối năm 2020, trong bối cảnh nước này phải vật lộn để chống lại đại dịch và vực dậy nền kinh tế.

Nhà nghiên cứu cấp cao Martin Kirimi của Standard Investment Bank (Nairobi, Kenya) cho rằng hoàn cảnh của mỗi quốc gia khác nhau về kinh tế vĩ mô hoặc các nguyên tắc cơ bản.

Thêm vào đó, trái phiếu đồng euro của các quốc gia khác nhau có lợi suất khác nhau, dựa trên nhận thức rủi ro của mỗi nước.

Thị trường Eurobond đã mở ra một loạt cơ hội tài chính hứa hẹn cho các nước châu Phi. Như đã từng xảy ra trong quá khứ, điều quan trọng là liệu các chính phủ châu Phi có phải trả quá nhiều cho các khoản nợ quốc gia này hay không./.

(Vietnam+)