'Vành đai và Con đường' phiên bản Mỹ đối trọng với Trung Quốc

Thứ bảy, 24/4/2021 | 15:05 GMT+7

Tổng thống Biden đã thiết lập một sáng kiến "Vành đai và Con đường" phiên bản Mỹ, dùng việc đầu tư cơ sở hạ tầng để gia tăng ảnh hưởng với các nước đang phát triển nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bangkokpost)

Theo Nhật báo Tinh đảo của Hong Kong (Trung Quốc), Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thuyết phục Anh và Nhật Bản thành lập "Vành đai và Con đường" để kiềm chế Trung Quốc.

Báo này cho rằng động thái này của Washington cho thấy chiến lược "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đã thành công và mở rộng số lượng đối tác của nước này và khi Mỹ không có cách nào "lật đổ" BRI thì thực hiện động thái tương tự.

Sau khi điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào cuối tháng trước, ông Biden đã đề xuất với Anh rằng các nước dân chủ nên hình thành một sáng kiến tương tự như BRI để giúp các nước cần xây dựng cơ sở hạ tầng và làm đối trọng với Trung Quốc.

Báo chí Nhật Bản những ngày gần đây cũng đưa tin rằng khi ông Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận thiết lập sáng kiến "Vành đai và Con đường" phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc, giúp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chẳng hạn như mạng viễn thông thế hệ mới 5G và năng lượng sạch...

Tại sao ông Biden muốn xây dựng sáng kiến "Vành đai và Con đường" phiên bản Mỹ? Bài báo cho rằng ông nhận thấy BRI đã mang lại nhiều bạn bè cho Trung Quốc, sẵn sàng lên tiếng bênh vực nước này chống lại phương Tây, khiến thế giới không còn là riêng của phương Tây.

[Sự 'biến hóa' trong sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc]

Liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, đã lên tiếng công kích Trung Quốc trên nhiều vấn đề. Chẳng hạn như vào cuối tháng 6/2020, 27 quốc gia châu Âu và Mỹ đã cùng nhau phản đối Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, họ đã vấp phải sự phản đối của 52 nước đang phát triển, ủng hộ Trung Quốc thực thi luật này tại Hong Kong. Tháng 10/2020, 39 quốc gia trong đó có Mỹ và Anh đã đưa ra một tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và quan tâm đến vấn đề Hong Kong. Tuyên bố này lại vấp phải sự phản đối của 55 nước khác.

Tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng trước, cũng có hơn 90 nước bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách của Trung Quốc ở Hong Kong và phản bác lại những chỉ trích của phương Tây.

Trước đây Mỹ là nước chỉ trích BRI nhiều nhất, trong đó bài phát biểu của cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là tiêu biểu nhất. Ông từng cảnh báo các nước khác không nên tham gia BRI vì việc này sẽ khiến nợ của họ tăng lên gấp đôi và có nguy cơ mất đi chủ quyền do những ràng buộc với Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ thường chỉ trích BRI như một công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đối với các nước khác, các dự án tài trợ không công khai và minh bạch, tạo ra bẫy nợ cho các nước tiếp nhận và hủy hoại môi trường... Tuy nhiên, BRI đã có 141 nước tham gia, và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập để đáp ứng chương trình và tăng lên đến 100 nước thành viên.

Việc đề xuất sáng kiến "Vành đai và Con đường" phiên bản Mỹ cũng đã chứng minh rằng các hoạt động viện trợ các nước đang phát triển trước đây của Mỹ và các nước phương Tây khác là chưa hiệu quả. Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã kiểm soát ba tổ chức viện trợ lớn trên thế giới cho các nước đang phát triển.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) là người Mỹ, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là người châu Âu và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là người Nhật Bản. Ba tổ chức lớn mỗi năm cấp một khoản viện trợ khổng lồ, nhưng vẫn không bằng BRI và AIIB được các nước đang phát triển hoan nghênh.

Lý do là BRI và AIIB được thiết lập dựa trên sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, nhằm giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, đạt được sự thịnh vượng chung mà không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Tuy nhiên, viện trợ của các tổ chức như IMF thường có nhiều điều kiện kèm theo, chẳng hạn như yêu cầu nước nhận viện trợ phải cải cách nội bộ của mình.

Ông Biden giờ đây muốn bắt đầu tìm lối đi riêng, thiết lập một sáng kiến "Vành đai và Con đường" phiên bản Mỹ, dùng việc đầu tư cơ sở hạ tầng để gia tăng ảnh hưởng với các nước đang phát triển nhằm kiềm chế Trung Quốc./.

 

(Vietnam+)