Nhóm A3 quyền lực và khả năng giải quyết khủng hoảng ở châu Phi

Chủ nhật, 04/4/2021 | 15:40 GMT+7

Nhóm A3 gồm Kenya, Niger và Tunisia có quyền lực và ảnh hưởng đến Hội đồng Bảo an, do đó các đại diện của châu Phi cần sử dụng những lợi thế này để giải quyết khủng hoảng.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tuần tra tại Cộng hòa Trung Phi. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mg.co.za (Mail&Guardian) ngày 23/3 đăng bài phân tích về vai trò của 3 nước châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo và vi phạm nhân quyền tại châu Phi.

Hội đồng bảo an là cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc. Ba thành viên được bầu chọn từ châu Phi trong 2 năm tới- Kenya, Niger và Tunisia (nhóm A3)- cần sử dụng quyền lực đáng kể được trao để đảm bảo giám sát các cuộc khủng hoảng nhân quyền nghiêm trọng và tình hình nhân quyền ảnh hưởng đến châu Phi. Nhóm A3 nên bắt đầu với Ethiopia và Cameroon.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều tổ chức khác đã ghi nhận các tội ác chiến tranh và kêu gọi một cuộc điều tra của Liên hợp quốc về các tội ác chống lại loài người có thể xảy ra ở vùng Tigray (Ethiopia).

Nhóm A3 đã ủng hộ một dự thảo tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Tigray tại một phiên họp kín của Hội đồng Bảo an nhưng nhóm A3 có thể và nên đi xa hơn.

Nhóm A3 có cơ hội thúc đẩy một chương trình nghị sự châu Phi lấy nhân quyền làm trung tâm, bằng cách ngay lập tức yêu cầu Hội đồng Bảo an bổ sung 2 cuộc xung đột ở châu Phi đặc trưng bởi sự vi phạm nhân quyền phổ biến vào chương trình nghị sự chính thức của tổ chức này.

Cho đến nay, Hội đồng Bảo an đã miễn cưỡng thảo luận công khai xung đột ở khu vực Tigray của Ethiopia, với Nga và Trung Quốc thuộc những nước cho rằng đó là vấn đề “nội bộ” của Ethiopia, không phải vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

[Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp về tình hình khu vực Trung Phi]

Tuy nhiên, bằng chứng thực tế cho thấy sự tham gia của quân đội Eritrea trong các vụ thảm sát thường dân, bao gồm cả trẻ em, đã bác bỏ những lập luận như vậy. Trong trường hợp này, việc thực thi quan điểm của Liên minh châu Phi (AU) về “Các giải pháp châu Phi cho các vấn đề châu Phi” có nghĩa là khuyến khích sự ủng hộ cho một cuộc điều tra độc lập, công bằng của Liên hợp quốc về các tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người có thể xảy ra.

Gần đây, Phó thủ tướng Ethiopia, Demeke Mekonnen Hassen, đã gặp AU để thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc điều tra do Ủy ban nhân quyền và quyền của các dân tộc châu Phi (ACHPR, thuộc AU) đứng đầu về việc các bên ở Tigray vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, chính tân Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield trước đó đã tổ chức cuộc thảo luận công khai đầu tiên về Tigray để đánh giá nạn đói do xung đột ở Ethiopia và Yemen gây ra.

Lẽ ra, nhóm A3 nên tìm cách để buộc vấn đề này được đưa ra bàn thảo công khai tại Hội đồng Bảo an từ lâu.

Sau đó là cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở các vùng Anglophone (khu vực nói tiếng Anh) của Cameroon. Kể từ năm 2017, phe ly khai đã nhằm mục tiêu vào dân thường, bao gồm cả nhân viên cứu trợ, học sinh và giáo viên, đồng thời tiếp tục thực hiện tẩy chay giáo dục.

Lực lượng an ninh cũng đã thực hiện nhiều vụ lạm dụng bao gồm giết hại dân thường, phá hủy tài sản, bạo lực tình dục và tra tấn. Nhóm A3 nên hành động tại Hội đồng Bảo an để đảm bảo rằng các hành vi vi phạm nhân quyền của tất cả các bên ở các vùng Anglophone của Cameroon sẽ phải chịu sự giám sát, điều tra cần thiết của quốc tế. Nếu không có sự giám sát kỹ lưỡng này, hy vọng về công lý và trách nhiệm giải trình của các nạn nhân có thể bị tiêu tan.

Không giống như Cameroon và Ethiopia, Nam Sudan nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an nhưng từ lâu đây đã là một vấn đề khó khăn và đôi khi gây chia rẽ.

Vào tháng 4 tới, Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân đối với những kẻ chịu trách nhiệm về hành vi tàn bạo hoặc phá hoại thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, một số phái đoàn muốn chấm dứt các lệnh trừng phạt. Năm 2020, Niger và Tunisia đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia hạn cấm vận vũ khí- không giống như Nam Phi (ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020) đã cùng với Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng.

Duy trì lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt có mục tiêu khác là rất quan trọng đối với việc bảo vệ dân thường, bởi các vụ lạm dụng trên diện rộng vẫn đang hoành hành ở Nam Sudan.

Nhóm A3 cũng cần đảm bảo rằng Hội đồng Bảo an gây áp lực cần thiết đối với AU và chính phủ Nam Sudan để thực hiện cam kết trước đó là hiện thực hóa tòa án hỗn hợp để xét xử các tội phạm nghiêm trọng.

Điều này sẽ báo hiệu một cam kết chính trị quan trọng về công lý đối với các hành vi lạm dụng, khôi phục nhân phẩm của các nạn nhân và cuối cùng là chấm dứt tình trạng không bị trừng phạt ở Nam Sudan.

Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có nhiều lý do khác nhau để không đưa các cuộc khủng hoảng vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Một trong những lý do là các tổ chức khu vực ở vị trí thuận lợi hơn để xử lý các cuộc khủng hoảng.

Nhưng đôi khi các giải pháp toàn cầu hiệu quả hơn các giải pháp khu vực. Đó là lý do tại sao thế giới thành lập Liên hợp quốc vào năm 1945 sau cuộc chiến tranh hủy diệt khủng khiếp nhất mà nhân loại từng chứng kiến.

Nếu các tổ chức khu vực thực hiện công việc theo chức trách, Ethiopia, Cameroon, Myanmar và Trung Quốc đều sẽ phải chịu áp lực lớn về tội phạm nhân quyền vốn có thể tăng lên mức tội ác chống lại loài người.

Một lý do khác là các cuộc thảo luận về nhân quyền được cho là hoàn toàn thuộc về Hội đồng Nhân quyền (UNHRC) có trụ sở tại Geneva và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR). Nhưng hàng trăm nhân viên nhân quyền trực thuộc các phái bộ của Liên hợp quốc do Hội đồng Bảo an ủy nhiệm đã khẳng định nhân quyền là một phần trọng tâm của các hoạt động vì hòa bình và ổn định của Liên hợp quốc.

Nhóm A3 không cần phải nhất nhất tuân thủ “mệnh lệnh” từ các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhóm P5). Nhóm A3 có thể đi đầu trong các cuộc xung đột ở châu Phi bằng cách nêu bật các hành vi vi phạm nhân quyền và gây áp lực lên Hội đồng Bảo an để yêu cầu những người chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền phải gánh chịu các hậu quả pháp lý. Điều này không chỉ phù hợp với các nguyên tắc thành lập của AU mà còn củng cố chương trình nghị sự về hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an bằng cách tích cực giải quyết các tình huống trước khi chúng leo thang thành các chu kỳ lạm dụng nghiêm trọng và hành động tàn bạo hàng loạt.

Nhóm A3 có quyền lực và ảnh hưởng đến Hội đồng Bảo an, do đó các đại diện của châu Phi cần sử dụng những lợi thế này./.

(Vietnam+)