So sánh quyền lực mềm Mỹ-Trung: "Rà phá bom mìn" và "Bẫy nợ"

Thứ tư, 24/2/2021 | 07:03 GMT+7

Mỹ có cơ hội để giành được sự tin cậy của người dân ở nhiều quốc gia đang trong quá trình tái thiết hậu xung đột, những nơi mà Trung Quốc đã có sự can dự rất tích cực.

(Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng nationalinterest.org, Trung Quốc tiếp tục lừa các nước đang phát triển bằng chính sách ngoại giao bẫy nợ: Cung cấp các khoản vay một cách dễ dàng trong khi yêu cầu tài sản thế chấp là các hạ tầng chiến lược của các quốc gia sở tại.

Mức nợ tại khoảng 50 quốc gia đang phát triển từng nhận các khoản cho vay của Trung Quốc đã tăng từ 1% GDP trong năm 2005 lên hơn 15% vào năm 2017. Trong số này, khoản nợ phải trả của các nước châu Phi thậm chí có thể là rất lớn.

Cuối năm 2019, khoản nợ của Djibouti đối với Trung Quốc đã vượt quá 70% GDP của quốc gia chiến lược này và thậm chí có thể còn cao hơn.

Khoản nợ của Cộng hòa Congo đối với Trung Quốc tương đương 40% GDP quốc gia. Niger và Zambia cũng nợ Trung Quốc không kém.

Trong khi số nợ Trung Quốc của Ethiopia chiếm một nửa số nợ nước ngoài và ngay cả sau khi Bắc Kinh xóa các khoản vay không lãi suất mà nước này đã cấp cho Ethiopia đến hết năm 2018, mức nợ Trung Quốc của Ethiopia vẫn tương đương khoảng 15% GDP.

Các khoản vay từ Trung Quốc còn khiến nhiều quốc gia khác sa lầy, nhất là những nước đang tìm cách đẩy nhanh đà phát triển sau nhiều thập kỷ xung đột. Lào và Campuchia cũng mắc nợ Trung Quốc một khoản đáng kể.

Những lãnh đạo độc tài cảm thấy mối quan hệ với Trung Quốc khá dễ dàng, nhưng người dân thì không. Trung Quốc có thể làm giàu cho những người đặt bút ký hợp đồng với họ, song tiền từ các khoản vay và đầu tư lại không giúp đem lại lợi ích kinh tế cho công chúng.

[Mối tương quan giữa quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa đa phương]

Trung Quốc thường sử dụng nhân công của mình trong các dự án thay vì giải quyết nguồn lao động địa phương. Các công nhân Trung Quốc cũng gửi tiền lương của họ về nước, thay vì hỗ trợ nền kinh tế địa phương.

Trên thực tế, Trung Quốc không còn được các xã hội công nghiệp hóa ủng hộ sau nhiều cáo buộc về sự thiếu minh bạch trong công tác xử lý dịch COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu.

Trong khi đó, bất chấp sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng rõ rệt tại các nước nghèo hơn, Trung Quốc cũng không chiếm được cảm tình đáng kể bởi nhiều người châu Phi và tại các quốc gia đang phát triển khác vẫn còn nhiều hoài nghi về các hoạt động khai thác của Trung Quốc.

Mỹ có cơ hội để giành được sự tin cậy của người dân ở nhiều quốc gia đang trong quá trình tái thiết hậu xung đột, những nơi mà Trung Quốc đã có sự can dự rất tích cực. Tuy nhiên, lâu nay Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) lại có một cách tiếp cận thiếu hệ thống.

Trung Quốc hiện là quốc gia cung cấp nhiều viện trợ phát triển hơn cả Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB) cộng lại, do đó Washington sẽ cần nhiều hơn những chương trình sẵn có để đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Có lẽ chiến lược tốt nhất mà Ngoại trưởng Tony Blinken và nhân vật được đề cử cho vị trí Giám đốc USAID Samantha Power nên hướng đến là tập trung vào các nỗ lực rà phá bom mìn sau chiến tranh tại các nước đang phát triển.

Trong hai thập kỷ qua, dưới thời các chính quyền của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, Cục Chính vụ của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trở thành cơ quan đi đầu trên thế giới về các khoản viện trợ rà phá bom mình và vật liệu chưa nổ, song tất cả vẫn là chưa đủ.

Vấn đề không chỉ nằm ở những đòi hỏi về hỗ trợ cứu nạn tại các khu vực xung đột mà đây còn là cơ hội để thúc đẩy vị thế cũng như tầm nhìn của Mỹ một cách lâu dài.

Rà phá bom mìn còn sót lại ở các làng mạc, thị trấn và vùng lân cận để cho phép người tị nạn quay trở về quê hương, nông dân tiếp tục canh tác và khai khẩn, trẻ con tới trường một cách an toàn, người dân tiếp tục cuộc sống bình thường, đều là những lợi ích rõ rệt và dễ thấy trong bối cảnh người dân không nhận được gì từ các dự án mà Trung Quốc phát triển.

Hoạt động rà phá bom mìn cũng sẽ giúp giải quyết hiệu quả tình trạng thất nghiệp. Các chương trình rà phá bom mìn do Mỹ tài trợ sử dụng hàng nghìn nhân công từng là người tị nạn, góa phụ trong chiến tranh và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác.

Lấy ví dụ ở Hargeisa, thủ đô của Somaliland, tổ chức từ thiện Halo Trust chuyên điều phối các dự án rà phá bom mìn từ biên giới Ethiopia đã trở thành nhà tuyển dụng lớn thứ ba trong thành phố.

Nếu chính phủ Ethiopia cấp giấy phép cho tổ chức này thuê người Ethiopia ở biên giới, lợi ích sẽ càng gia tăng hơn nữa. Ở Nagorny-Karabakh, nơi giao tranh nổ ra hồi mùa Thu năm ngoái, tổ chức này đã trở thành một trong những nhà tuyển dụng phụ nữ lớn nhất.

Rà phá bom mìn cũng mang lại những cơ hội việc làm đặc biệt cho phụ nữ ở Angola. Không giống như các dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO) khác, hoạt động rà phá bom mìn không chỉ cung cấp việc làm tạm thời, điều cũng sẽ kết thúc ngay khi các khoản trợ cấp ngừng lại.

Các kỹ năng mà công nhân tích lũy được trong các dự án kéo dài 3 hoặc 6 năm có thể cho phép họ vận dụng vào cuộc sống và những việc làm về sau ngay cả khi các chương trình này khép lại.

Sri Lanka có lẽ là nơi phản ánh rõ nhất sự khác biệt trong cách tiếp cận của Trung Quốc và Mỹ. Tháng 12/2017, Trung Quốc đã dùng các khoản cho vay để gây sức ép buộc chính phủ Sri Lanka chuyển giao quyền kiểm soát cảng Hambantota.

Cách đó không xa, Mỹ dẫn đầu các lực lượng quốc tế thúc đẩy chiến dịch rà phá bom mìn còn sót lại sau cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ tại quốc gia này, tạo việc làm cho hàng nghìn người và giúp một khu vực từng bị chiến tranh tàn phá trở thành trung tâm sản xuất hiện đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực dệt may và nhiều ngành hàng khác.

Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Blinken tuyên bố rằng họ muốn chống lại Trung Quốc trên đấu trường quốc tế. Dù Mỹ nên coi Trung Quốc như một đối thủ một mất một còn hơn là một đối tác, họ không nên phí công đánh bại Trung Quốc tại nơi mà Washington thực tế có nhiều lợi thế hơn.

Nói một cách đơn giản, trong cuộc chiến giành lấy lòng tin, 10 triệu USD chi cho hoạt động rà phá bom mìn ở một quốc gia có thể hiệu quả hơn gấp 10 lần số tiền dành cho các cuộc họp, các hội nghị bàn tròn và các chương trình hòa nhập cộng đồng.

Nếu Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken thực sự muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu nhằm khẳng định vị thế và ảnh hưởng của Mỹ, theo đuổi một chính sách có sự đồng thuận và quyết tâm lưỡng đảng đủ để tiếp tục lâu dài sau nhiệm kỳ của họ, đã đến lúc Washington phải nỗ lực gấp đôi.

Rà phá bom mìn không chỉ là công việc cứu sống nhiều sinh mạng mà còn đem đến những tác động kinh tế, phát triển xã hội và tăng sức cạnh tranh cho việc gây dựng lòng tin hơn hẳn những chương trình khác mà họ tài trợ./.

 

(Vietnam+)