'Người khổng lồ của châu Âu' đã thực sự 'thức giấc'?

Thứ năm, 10/3/2022 | 12:58 GMT+7

Nước Đức nổi lên như một cường quốc công nghiệp, mua khí đốt của Nga và bán các máy móc hàng đầu thế giới của mình cho một Trung Quốc đang trỗi dậy, trong khi dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, tại Moskva ngày 15/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theatlantic.com, bà Angela Merkel rời nhiệm sở vào thời điểm Đức có kế hoạch khai trương đường ống dẫn khí đốt từ Nga, Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án cho đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì nhiều lý do, trong khi các công ty lớn nhất của Đức công bố các khoản đầu tư mới tại Trung Quốc.

Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu sự thay đổi lãnh đạo có thể dẫn đến những chuyển biến trong cách tiếp cận của Đức hay không. Một nhà hoạch định chính sách nhiều kinh nghiệm của Đức đã tỏ ra khá hoài nghi về những lo ngại trước sự phụ thuộc đáng lo ngại của nước Đức vào các cường quốc độc tài và sự miễn cưỡng của tầng lớp chính trị trong việc xem xét các mối quan hệ này.

Quan chức Đức nói trên bình luận: “Tự do không có ý nghĩa nhiều ở Đức như ở những nơi khác… Nếu phải lựa chọn giữa suy giảm kinh tế và xói mòn các quyền tự do, Đức có thể lựa chọn vế thứ hai."

Cuối tuần trước, người kế nhiệm của bà Merkel, ông Olaf Scholz, đã có bài phát biểu trước Quốc hội Đức (Bundestag) và chứng minh điều ngược lại, đặt khái niệm tự do lên hàng đầu, thể hiện phản ứng đáng hoan nghênh trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Ông đã phá bỏ những điều cấm kỵ trong chính sách đối ngoại của Đức vốn đã ăn sâu từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang hơn 70 năm trước. Ông Scholz tuyên bố Đức sẽ chấm dứt sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga, chi thêm 100 tỷ euro cho quân đội và chuyển hàng trăm vũ khí chống tăng cùng tên lửa Stinger tới Ukraine để giúp quốc gia này chống đỡ trước các cuộc tấn công của Nga.

Đức có thể sẽ buộc phải kéo dài “tuổi thọ” của các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo bù đắp nguy cơ thiếu hụt năng lượng do ảnh hưởng từ nguồn cung khí đốt từ Nga.

Mỗi một quyết định đều đã đủ gây chấn động. Khi kết hợp cùng nhau, đây có thể xem là trận “đại hồng thủy” chính trị mà không ai có thể đoán trước - bởi họ khó có thể tin rằng đây là quyết định từ một nhà lãnh đạo mới, nổi tiếng với sự thận trọng, hay từ một liên minh các đảng phái Đức có nguồn gốc hòa bình và từ một chính phủ do Đảng Dân chủ Xã hội lãnh đạo, với lịch sử quan hệ chặt chẽ với Nga.

Ông Scholz nói trước Quốc hội: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới… Và điều đó có nghĩa là thế giới chúng ta đang sống không phải là thế giới mà chúng ta từng biết trước đây."

Nhà ngoại giao Đức Thomas Bagger từng giải thích vào năm 2019 rằng nước Đức nổi lên sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, sự thống nhất của nước Đức và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã thuyết phục rằng cuối cùng Đức đã đứng được về phía lẽ phải của lịch sử.

Nền dân chủ lan rộng khắp Đông Âu, đánh bật những kẻ mạnh độc tài khỏi quyền lực. Điều mà ông Vladimir Putin - một điệp viên KGB sống ở thành phố Dresden của Đông Đức khi bức tường sụp đổ - từng mô tả là "thảm họa địa chính trị lớn nhất" trong thế kỷ 20 thực chất là sự tái sinh cho nước Đức, và là bằng chứng cho thấy lịch sử đã hướng đến nền dân chủ tự do. Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng có nghĩa là hòa bình chiếm ưu thế, và đi cùng với đó là việc Đức cắt giảm triệt để ngân sách cho quốc phòng.

Nước Đức nổi lên như một cường quốc công nghiệp, mua khí đốt của Nga và bán các máy móc hàng đầu thế giới của mình cho một Trung Quốc đang trỗi dậy, trong khi dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ cung cấp. Trên con đường phát triển, tất nhiên có những gập ghềnh - cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu, việc Nga sáp nhập Crimea, chủ nghĩa khủng bố Trung Đông và dòng người tị nạn, nhưng không điều gì làm lung lay lòng tin của Đức vào mô hình và thế giới quan mà họ xác định.

Sau đó là Brexit, cuộc bầu cử của Donald Trump và ngày càng có nhiều nhận thức rằng “Wandel durch Handel” - câu thần chú của Đức về sự chuyển đổi thông qua thương mại - rốt cuộc không còn hiệu quả. Trung Quốc vẫn bắt kịp những phát triển trong lĩnh vực xe hơi và công nghệ của Đức, song họ lại trở thành một quốc gia độc đoán với tham vọng toàn cầu, đồng thời là một đối thủ kinh tế đáng gờm.

Bà Merkel, sau hơn một thập kỷ cầm quyền, đã có những đánh giá gợi ý về quan điểm này. Tại một hội nghị ở Munich năm 2017, sau một trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông Trump, bà thừa nhận rằng Đức có lẽ không còn có thể phụ thuộc vào Mỹ như trước đây. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ thừa nhận với người dân Đức rằng những trụ cột trong mô hình nước Đức thời hậu chiến đang sụp đổ, và rằng họ có thể phải trả giá cho những biến động sắp tới.

Một trong những quyết định chính sách đối ngoại lớn cuối cùng của bà Merkel là thông qua thỏa thuận đầu tư của EU với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của chính quyền Biden sắp tiếp quản Nhà Trắng thời điểm đó. Nỗ lực cuối cùng để giữ nguyên vẹn một thế giới cũ dựa trên các quy tắc, thương mại không ràng buộc và các mối quan hệ quyền lực thân thiện, đã sụp đổ trong vòng ba tháng sau một loạt các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, Scholz đã gửi thông điệp đến các cử tri trong chiến dịch tranh cử của mình rằng không có gì cần thay đổi nhiều. Ông tranh cử với tư cách là người thừa kế tất nhiên của bà Merkel, thậm chí thể hiện cả những phong thái đặc trưng của nhà lãnh đạo tiền nhiệm, để trấn an người dân rằng hình bóng “Mutti” (biệt danh của Merkel) vẫn còn đó. Scholz đã nói về sự cần thiết phải khởi động lại chính sách “Ostpolitik” đặc trưng của cựu Thủ tướng SPD Willy Brandt thông qua việc tiếp cận mạnh mẽ hơn với Moskva và Bắc Kinh.

Ông Scholz đột ngột thay đổi trong tuần qua, khi quân đội Nga tràn vào Ukraine, một phần bắt nguồn từ sức ép quá lớn mà chính phủ phải gánh chịu - cả trong nước và từ các đồng minh thân cận nhất của Berlin - suốt nhiều tuần trì trệ. Tất nhiên, áp lực không phải là lý do chính yếu cho những gì Scholz công bố.

Những diễn biến này là sự thừa nhận rằng thế giới đã thực sự thay đổi, rằng Đức phải đầu tư nhiều cho quốc phòng, rằng họ phải trả một cái giá kinh tế nhất định để bảo vệ các giá trị của mình, và không thể là một phiên bản lớn hơn của Thụy Sĩ trong một thế giới đang chứng kiến những cuộc cạnh tranh mang tính hệ thống.

Ông Scholz đã đi ngược lại truyền thống của SPD, của giới lãnh đạo kinh doanh và ngược lại điều mà người ta vẫn cho là quan điểm của phần đông công chúng Đức. Tuy nhiên, các đảng trong liên minh chính phủ ủng hộ Scholz và giới truyền thông Đức đang ca ngợi sự táo bạo của nhà lãnh đạo này.

Ông Scholz đã tự giải phóng mình khỏi khuôn mẫu thận trọng của bà Merkel, một yếu tố đã giúp ông đắc cử. Bà Merkel từng đưa ra những quyết định quan trọng trong suốt 16 năm làm thủ tướng, nhưng không có cơn địa chấn nào đối với vị trí của nước Đức trên thế giới, hoặc những quyết sách có khả năng gây tốn kém cho nền kinh tế tương tự những quyết định mà ông Scholz công bố chưa đầy ba tháng cầm quyền.

[Thủ tướng Scholz: Đức không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine]

Chưa rõ điều gì sẽ diễn ra sau đây. Triển khai các biện pháp mà Scholz tuyên bố có thể là một thách thức và rất có thể ông sẽ vấp phải sự phản kháng từ các nhóm lợi ích lâu năm tại Đức. Việc khắc phục những thiếu hụt của ngân sách không thể diễn ra trong một sớm một chiều, và việc thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Tác động của bối cảnh này đối với mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc, quốc gia nhấn mạnh mối quan hệ đối tác “không có giới hạn” với Tổng thống Putin và từ chối lên án hành vi gây hấn của Nga, là điều chưa ai dám chắc.

Trung Quốc có vị thế quan trọng hơn so với Nga khi xét đến mối quan hệ với nền kinh tế Đức cũng như những gì liên quan tới các doanh nghiệp hàng đầu. Mối đe dọa của nước này đối với an ninh Đức, dù diễn ra chậm chạp thay vì trực diện như Moskva, thực tế cũng không kém phần đáng lo ngại.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã được định đoạt. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố hồi tuần trước: “Không có giá nào cho hòa bình và tự do ở châu Âu." Xét cho cùng, tự do vẫn được đặt lên trên thịnh vượng./.